Ngày 02/10, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang do đồng chí Phan Huỳnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH - Trưởng đoàn giám sát, tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" tại TAND tỉnh An Giang.
Cùng đi với đoàn có các đồng chí là ĐBQH tỉnh An Giang; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế, Văn phòng HĐND tỉnh.
Về phía TAND tỉnh An Giang tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí La Hồng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh; đồng chí Huỳnh Thanh Tâm, Phó Chánh án TAND tỉnh; các Chánh tòa, Trưởng phòng thuộc TAND tỉnh.
Đồng chí La Hồng Chánh án TAND tỉnh An Giang báo cáo tại buổi giám sát
Tại buổi giám sát, đồng chí La Hồng, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh đã báo cáo tóm tắt việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019) tại TAND tỉnh.
Theo đó, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, TAND hai cấp trong tỉnh đã thụ lý 196 vụ/200 bị cáo, giải quyết 187 vụ/190 bị cáo. Trong đó, sơ thẩm thụ lý 154 vụ/157 bị cáo, giải quyết 145 vụ/147 bị cáo (đạt tỷ lệ 94,16%). Phúc thẩm thụ lý 42 vụ/43 bị cáo, giải quyết 42 vụ/43 bị cáo (đạt tỷ lệ 100%).Tổng số lượng trẻ em bị xâm hại là 150.
Báo cáo cũng đã phản ánh khá toàn diện về tình hình trẻ em bị xâm hại, đối tượng, phương thức, thủ đoạn, tính chất, mức độ của hành vi xâm hại trẻ em; nguyên nhân, dự báo tình hình, cũng như đề ra những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.
Đồng chí Phan Huỳnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Trưởng đoàn phát biểu tại buổi giám sát
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Phan Huỳnh Sơn - Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội đã đánh giá cao kết quả mà TAND hai cấp trong tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, nhất là xâm hại tình dục trẻ em được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật, qua đó đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội cũng cho rằng, tình hình xâm hại trẻ em sẽ có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, đa dạng trong thời gian tới. Do đó, đề nghị Tòa án cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan khác để kịp thời đưa ra xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Đồng thời, qua công tác xét xử có kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, các cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xét xử các tội phạm xâm hại trẻ em, mà chưa có hướng dẫn kịp thời hoặc có mâu thuẫn, bất cập, chồng chéo để thống nhất nhận thức và áp dụng trong thực tiễn xét xử.