Mới đây, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông thủy lợi Tuấn Hùng (Cty T.H. có địa chỉ tại Thanh Hóa) đã làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho cho nữ cộng tác viên tội cưỡng đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 2/1/2020, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 3 tháng đối với Phạm Thị Thu, sinh năm 1989, trú tại phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa về tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Phạm Thị Thu tại cơ quan điều tra
Theo kết quả điều tra, sáng 25/12/2019, Thu gọi điện thoại cho ông Cao Minh Quê, Giám đốc Cty T.H. (có trụ sở tại Phường Đông Hương, TP Thanh Hoá) để nói về việc phát hiện một số dấu hiệu sai phạm tại công trình do đơn vị đang thi công.
Khi ông Quê xin Thu tạo điều kiện không đăng báo, thì Thu yêu cầu ký hợp đồng tuyên truyền với giá 15 triệu đồng. Ông Quê từ chối ký hợp đồng và hỏi Thu lấy bao nhiêu tiền nhưng Thu không trả lời. Sau đó ông Quê đưa ra đề nghị gửi Thu 10 triệu đồng và được Thu đồng ý.
Theo lịch hẹn, khoảng 14h ngày 25/12/2019, tại quán Moon coffee, địa chỉ tại khu đô thị Bình Minh, phường Đông Hương, TP Thanh Hoá khi Thu đang nhận số tiền 10 triệu đồng từ anh Cao Đức A. (SN 1990), lái xe của Cty T.H. thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang.
Tại cơ quan điều tra, Phạm Thị Thu khai nhận là cộng tác viên của Tạp chí bảo vệ rừng và môi trường, địa chỉ tại số 144 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn bản của Cty T.H. gửi cơ quan Công an
Ngày 10/2/2020, Giám đốc Cty T.H. Cao Minh Quê có văn bản gửi Ban giám đốc, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Thu với lý do: Nhóm phóng viên đi cùng Thu đã có đơn xin lỗi doanh nghiệp, bản thân những người này đã nhận thức được việc làm của mình thiếu tính xây dựng, mong doanh nghiệp bỏ qua. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu được biết, đối tượng Phạm Thị Thu có hoàn cảnh khó khăn, là mẹ đơn thân, có mẹ già bị bệnh hiểm nghèo, 2 con còn nhỏ đang tuổi ăn học…
Động thái này của Cty T.H. tạo nên cuộc tranh luận nảy lửa trên cộng đồng mạng. Trước đó, chính ông giám đốc là người chủ động đề nghị phóng viên không đưa thông tin bất lợi của đơn vị mình, đưa ra một cái giá để mua sự im lặng nhưng sau lưng thì âm thầm báo cho cơ quan chức năng.
Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Công ty Luật Năm Châu) phân tích: Trong vụ án này, Phạm Thị Thu bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản, với số tiền cụ thể là 10 triệu đồng. Tội danh này không thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại được quy định cụ thể tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự. Vì vậy cơ quan tố tụng vẫn tiến hành các hoạt động tố tụng bình thường không phụ thuộc vào việc rút đơn của bị hại.
Việc quyết định giảm nhẹ hình phạt là thẩm quyền quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, hiện tại vụ án đang giai đoạn khởi tố điều tra nên bị hại gửi đơn đến cơ quan Công an sẽ được lưu vào bút lục án để sau này Tòa án xem xét quyết định. Việc xin giảm nhẹ hình phạt của bị hại có thể xem xét tới tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự.
Tội cưỡng đoạt tài sản là tội phạm cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Việc người thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần người khác có chiếm đoạt tài sản hay không không ảnh hưởng đến việc định tội danh.
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản:
“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”