Liên quan đến vụ án bé gái 20 ngày tuổi bị sát hại ở Thanh Hóa, thông tin mới nhất, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, nghi phạm Phạm Thị Xuân (65 tuổi), bà nội cháu bé bất ngờ thay đổi lời khai.
Theo đó, bà Xuân khai nhận lúc bế cháu đã vô ý làm rơi, trái ngược hoàn toàn với việc tự tay làm chết cháu như lời khai ban đầu.
Bà Phạm Thị Xuân
Vụ án cháu bé 20 ngày tuổi tử vong ở Thanh Hóa đang có diễn biến phức tạp khi nghi phạm số 1 là bà Phạm Thị Xuân đột ngột thay đổi lời khai. Dưới góc độ pháp lý thì việc thay đổi lời khai này có ý nghĩa như nào đối với việc giải quyết vụ án? Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) đã đưa ra quan điểm như sau:
Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, xác định sự thật của vụ án:
"Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội".
Như vậy, việc nghi phạm thay đổi lời khai là điều bình thường trong hoạt động tố tụng. Trong trường hợp nghi phạm nhận tội thì luật cũng quy định không được dùng lời khai nhận tội là chứng cứ duy nhất để kết tội. Lời nhận tội phải phù hợp với các chứng cứ khác với có giá trị.
Trong vụ án này, theo quan điểm của luật sư, chứng cứ quan trọng nhất để chứng minh nghi phạm cố ý sát hại cháu bé hay vô ý làm chết cháu bé đó là các chứng cứ vật chất chứng minh hành vi phạm tội của nghi phạm.
Đó là Bản giám định pháp y của Cơ quan chuyên môn kết luận nguyên nhân chết và cơ chế hình thành các vết thương. Đây là chứng cứ quan trọng nhất để đánh giá lời khai của nghi phạm cố ý hay vô ý làm chết cháu bé.
Nếu nghi phạm cho rằng làm rơi cháu bé xuống đất thì có tạo ra các vết thương gây tử vong cho cháu bé để lại trên thân thể như vậy được không. Ví dụ: Nếu nghi phạm khai làm rơi cháu bé đập đầu xuống đất chấn thương sọ não tử vong thì tại sao lại có những dấu vết thâm tím tụ máu ở cổ hoặc bị bầm tím ở phần mặt do bịt đường hô hấp dẫn tới ngạt cơ học (do bóp cổ) hoặc nghi phạm khai làm rơi cháu bé sơ sinh khi đang quấn khăn thì tại sao lại bị chấn thương sọ não nặng tử vong do một lực tác động mạnh gây ra,…
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Ngoài ra, việc thu thập các chứng cứ để lại trên hiện trường cũng hết sức quan trọng góp phần làm rõ quá trình thực hiện hành vi phạm tội.
Nếu có thay đổi lời khai, Cơ quan điều tra cần thiết phải thực nghiệm điều tra và dựng lại hiện trường theo lời khai của nghi phạm. Quá trình thực nghiệm điều tra này sẽ góp phần làm sáng tỏ sự logic trong lời khai của nghi phạm.
Mặt khác, để chứng minh ý thức chủ quan của nghi phạm do vô ý hay có chủ ý thì cũng cần thiết làm rõ động cơ, mục đích phạm tội. Có hay không việc xem bói toán, xúi giục sát hại cháu bé, giữa nghi phạm và mẹ cháu bé có mâu thuẫn gì không,…
Nhìn lại vụ án kể từ khi làm rõ nghi phạm, có thể nhận định nghi phạm Xuân là một người xảo quyệt. Sự xảo quyệt thể hiện ngay khi bà Xuân dàn dựng cảnh cháu nội bị một đôi nam nữ bắt cóc, chính tình tiết này đã giúp cho bà Xuân từ một nghi phạm trở thành nạn nhân trong vụ án.
Thậm chí, khi được báo chí tiếp cận phỏng vấn, bà Xuân cho thấy mình có khả năng “diễn xuất” tài tình khi thản nhiên cho rằng mình là người bị hại. Với tâm lý của người bà bình thường, điều đầu tiên khi làm rơi cháu bé sẽ là hoảng hốt, kêu gọi mọi người và tìm cách cấp cứu cháu mình. Lúc ban đầu làm rơi cháu bé thì cũng không thể chết ngay được, sẽ còn phải hấp hối để tìm cách cứu chữa đưa đi bệnh viện nhưng tại sao lại không làm điều đó. Không thể cho rằng hốt hoảng, lo sợ mà sau đó lại có hành vi bình tĩnh tìm bao tải gạo cho cháu bé vào vứt ra ngoài bãi rác. Có thể lúc ban đầu nghi phạm vứt cháu bé ra bãi rác gần nhà sau đó biết sẽ có xe đến thu gom vứt đi nơi khác. Sau đó, nghi phạm bình tĩnh tính toán tạo dựng một màn kịch bắt cóc trẻ em để đánh lừa mọi người và cơ quan pháp luật nhằm mục đích che giấu hành vi phạm tội. Một việc sơ suất vô ý làm rơi cháu bé thì làm gì phải tính toán đến độ xảo quyệt và vô nhân tính đến như vậy nếu như đằng sau đó không là phải một việc lớn.
Đối với lời khai ban đầu, nghi phạm cho rằng có bị tác động bởi thầy bói nên sát hại cháu bé. Nhưng khi cơ quan Công an đến xác minh người thày bói này phủ nhận việc bói toán nên cũng khó có căn cứ xử lý. Nếu xử lý trách nhiệm người thày bói phải có những chứng cứ khác để chứng minh theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự như: Nhân chứng, ghi âm, ghi hình, bút tích viết lại lời bói toán của thày bói,..
Trong trường hợp lời khai lời khai của nghi phạm Xuân do sơ suất làm rơi cháu bé tử vong là đúng thì phải đối mặt với mức án nào?
Nếu cơ quan điều tra có đủ căn cứ chứng minh nghi phạm do sơ suất làm rơi cháu bé tử vong thì bản chất vụ án sẽ thay đổi. Từ hành vi cố ý chuyển thành vô ý và theo đó, nghi phạm này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người theo điều 98 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, việc phi tang xác cháu bé sẽ được coi là một một tình tiết định khung tăng nặng hình phạt được quy định tại điểm o, khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự “Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm”
Điều 98. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm."