Đạo diễn, tác giả kịch bản Lê Quý Dương người được mệnh danh là "phù thủy của các lễ hội" sẽ đảm trách vai trò đạo diễn chương trình Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 – 2019).
Với chủ đề "Tỏa sáng cùng non sông đất nước", chương trình Lễ kỷ niệm sẽ tái hiện tiến trình lịch sử 990 năm của vùng đất địa linh nhân kiệt Thanh Hóa. Theo thông tin từ phía ban tổ chức đạo diễn Lê Quý Dương sẽ là tổng đạo diễn tại Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Đạo diễn Lê Quý Dương, người được mệnh danh là “phù thủy” của các lễ hội, liên hoan, Festival bởi thành công của nhiều chương trình ghi dấu ấn với khán giả trong nước và quốc tế, chia sẻ: "Ngoài phần lễ với thời lượng 40 phút, thì thời lượng chương trình nghệ thuật chỉ gói gọn trong 50 phút, phải làm sao để truyền tải một tiến trình lịch sử 990 năm của vùng đất địa linh nhân kiệt Thanh Hóa là một thách thức không nhỏ. Quãng thời gian 990 năm (1029 – 2019) từ khi tên gọi Thanh Hóa hình thành, văn hóa và lịch sử của Thanh Hóa là cả một kho tàng khổng lồ, trải qua nhiều triều đại gắn liền với dòng chảy của lịch sử dân tộc. Từ nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, nhà Trịnh, nhà Nguyễn tới thời đại Hồ Chí Minh với hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, thời kỳ hàn gắn các vết thương chiến tranh, tới thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển, Thanh Hóa đã thực sự trở thành “vùng đất căn bản” của nước Đại Việt xưa và của Tổ quốc Việt Nam hôm nay. Chương trình không chỉ tái hiện được chiều dài của lịch sử mà còn thể hiện được cả chiều sâu của văn hóa."
Theo tác giả, đạo diễn Lê Quý Dương với thời lượng 90 phút, chương trình Lễ kỷ niệm sẽ tái hiện một tiến trình lịch sử 990 năm của vùng đất địa linh nhân kiệt Thanh Hóa.
Kết cấu nội dung chương trình Lễ kỷ niệm 990 Năm Thanh Hóa (1029 – 2019) sẽ bao gồm Phần Đại cảnh mở màn: Cội nguồn xứ sở (5’). Phần Lễ (40’) Chương I: Địa linh nhân kiệt (15’); Chương II: Truyền thống anh hùng (15’); Chương III: Khát vọng thịnh vượng (15’). Mỗi chương chia thành các trường đoạn độc lập kết nối liền mạch với nhau.
Để có được chương trình này, Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo, UBND và Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức một hội đồng cố vấn bao gồm các nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu Việt Nam đến từ Viện Sử học và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Thanh Hóa để trao đổi, bàn luận và phản biện với một tinh thần hết sức khách quan, khoa học.
Trong lịch sử hàng nghìn năm nói chung và lịch sử 990 năm tên gọi Thanh Hóa nói riêng, xứ Thanh đã là cái nôi phát tiết và sinh dưỡng nhiều anh hùng và danh nhân của dân tộc. Chính những con người này, cùng với nhân dân xứ Thanh đã tỏa sáng cùng non sông đất nước, đạt được nhiều thành tựu to lớn làm giàu có thêm những trang quốc sử huy hoàng. Chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước” của chương trình nhấn mạnh vào khía cạnh xứ Thanh tuy là “vùng đất căn bản” nhưng không tồn tại tách biệt, đơn lẻ mà tỏa sáng và hòa chung cùng hào khí của cả non sông đất nước, tạo nên một tinh thần Việt Nam, sức mạnh Việt Nam như hôm nay.
Đạo diễn, tác giả kịch bản Lê Quý Dương chia sẻ: "Sẽ có 99 vũ công nữ mang 990 ngọn pháo hoa là một trong những điểm nhấn trên sân khấu của Lễ kỷ niệm 990 Năm Thanh Hóa (1029 – 2019)"
Tổng thể không gian sân khấu là sự kết hợp giữa mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động với kỹ thuật hiện đại. Một mặt trống đồng lớn đường kính 15m được thiết kế giữa trung tâm sân khấu, tôn vinh Thần trống Đồng hiện còn được thờ ở đền Đồng Cổ, ngôi đền lâu đời nhất trên xứ Thanh.
Toàn bộ chương trình được biểu tượng hóa thành câu chuyên kể của Thần Đồng Cổ. Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi (bên trái), Mô hình biểu tượng của tỉnh, Cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải). Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc sừng sững tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa. Từ chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, Tác giả kịch bản – Tổng đạo diễn Lê Quý Dương phát triển chương trình trên ba chương với 09 trường đoạn liên tục và liền mạch gồm: Địa linh nhân kiệt – Truyền thống anh hùng – Khát vọng thịnh vượng. Chương I: Địa linh nhân kiệt với các trường đoạn: Cội nguồn xứ sở - Hội thề Đồng cổ - Gọi tên quê hương. Chương II: Truyền thống anh hùng với các trường đoạn: Bài ca giữ nước – Kỳ tích Hàm Rồng – Tỏa sáng cùng non sông đất nước. Chương III: Khát vọng thịnh vượng với các trường đoạn: Nghị lực vươn lên – Đổi mới phát triển – Khát vọng thịnh vượng.
Chương trình được dàn dựng tổng thể kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong sự gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại với mong muốn tạo cho chương trình tính hấp dẫn, đa dạng với nhiều yếu tố bất ngờ, hướng tới phục vụ đông đảo các tầng lớp khán giả.
Chương trình Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa huy động một lực lượng nghệ sỹ diễn viên hùng hậu với hơn 500 người, dự kiến diễn ra vào 20h ngày 8/5/2019, được truyền hình trực tiếp trên VTV và Đài PTTH Thanh Hóa.