Giải quyết, xét xử các vụ án dân sự và kinh doanh, thương mại: Cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, khách quan, toàn diện

Trần Quang Huy| 03/06/2017 09:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phần lớn các vụ án bị kháng cáo, kháng nghị hoặc phải xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là do Thẩm phán xác định không đúng, không đầy đủ, xác định sai tư cách, bỏ sót người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự...

Qua công tác xét xử phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng, TAND cấp cao tại Hà Nội nhận thấy từ đầu năm 2017 đến nay các sai sót chủ yếu của TAND địa phương là trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án về dân sự và kinh doanh, thương mại.

Giải quyết, xét xử các vụ án dân sự và kinh doanh, thương mại: Cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, khách quan, toàn diện

Thiếu sót về xác định tư cách và người tham gia tố tụng

Phần lớn các vụ án bị kháng cáo, kháng nghị hoặc phải xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là do Thẩm phán xác định không đúng, không đầy đủ, xác định sai tư cách, bỏ sót người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự. Đa số các vụ việc mắc phải những lỗi vi phạm nghiêm trọng này đã dẫn đến Tòa án cấp trên phải hủy án. Theo lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội, mặc dù vấn đề xác định đúng tư cách tham gia tố tụng và sự tham gia đầy đủ của các đương sự trong quá trình tố tụng đã nhiều lần được nêu lên trong các hội nghị tổng kết, hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm công tác xét xử giải quyết vụ việc dân sự do Tòa án các cấp tổ chức, nhưng những sai sót về việc xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng, bỏ sót người tham gia tố tụng vẫn tiếp diễn.

Các sai sót thường gặp là việc Tòa án không đưa đầy đủ người tham gia tố tụng trong trường hợp giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ tham gia tố tụng. Trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật tố tụng thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trên thực tế, các sai sót phổ biến là Thẩm phán không đưa đầy đủ các thành viên của hộ gia đình tham gia tố tụng trong vụ án tranh chấp có liên quan đến tài sản của hộ gia đình. Đối với tranh chấp quyền sử dụng nhà đất, phần lớn Thẩm phán không đưa những người đang sinh sống tại nhà đất đó tham gia tố tụng. Tranh chấp hợp đồng vay tài sản (phổ biến là hợp đồng tín dụng) có tài sản bảo đảm là tài sản chung vợ chồng hoặc tài sản chung của hộ gia đình thì Thẩm phán không đưa cả 2 vợ chồng, các thành viên trong hộ gia đình vào tham gia tố tụng...

Đối với việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ việc mà các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc xử lý tài sản là bất động sản (phổ biến là trong vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng có tài sản bảo đảm là bất động sản, các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc xử lý tài sản bảo đảm) cũng hay xảy ra sai sót. Có nhiều vụ án, tài sản được các bên thỏa thuận xử lý để thực hiện nghĩa vụ là tài sản chung của nhiều chủ sở hữu, người sử dụng tài sản hoặc trong khối tài sản này có tài sản của người thứ ba hoặc tài sản này đã được chuyển nhượng (một phần hoặc toàn bộ) cho người thứ ba, nhưng Tòa án chỉ căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên và giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản để công nhận sự thỏa thuận của các bên về việc xử lý tài sản. Từ phán quyết thiếu chính xác của Thẩm phán, nên dẫn đến việc công nhận xử lý tài sản không đúng với thực tế (thừa, thiếu tài sản làm cho không thể thi hành án được), ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp cùa người thứ ba.

Do đó, khi công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc xử lý tài sản là bất động sản, TAND cấp cao tại Hà Nội yêu cầu các Tòa án phải tiến hành thu thập chứng cứ để xác định chính xác về quyền sở hữu, sử dụng tài sản là tài sản chung hay tài sản riêng; xem xét, thẩm định tài sản để xác định tài sản có liên quan đến người thứ ba hay không, tài sản có thay đổi gì so với giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng và với sự trình bày của các đương sự không...? Khi đã có đầy đủ chứng cứ thì Thẩm phán công nhận việc thỏa thuận của các đương sự phù hợp với thực tế, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người khác.

Những sai sót khác trong quá trình giải quyết vụ án

Mọi hoạt động tố tụng đều nhằm làm rõ các vấn đề cần phải chứng minh trên cơ sở của việc thu thập và đánh giá chứng cứ. Trên cơ sở thu thập và đánh giá chứng cứ, Toà án xác định yêu cầu của đương sự là có căn cứ, có hợp pháp hay không, giúp cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đương sự. Tại chương VII của BLTTDS đã quy định về chứng cứ, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ phải chặt chẽ, rõ ràng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đương sự, bảo đảm cho việc giải quyết của Toà án được đúng đắn khách quan.

Do tính chất quan trọng của chứng cứ, nên Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 04/2012/HĐ-TP ngày 3/12/2012 (trước đây là Nghị quyết số số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005) hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về "Chứng minh và chứng cứ". Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi giải quyết vụ án, Toà án thu thập chứng cứ không đúng quy định, không tiến hành đo đạc, thẩm định tài sản tranh chấp theo đúng quy định nên đa số các bản án, quyết định bị xét xử giám đốc thẩm thường bị hủy để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm hoặc phúc thẩm.

Đối với các vụ án phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT), nhiều Thẩm phán quyết định về BPKCTT trong bản án không đúng với các quy định của pháp luật dẫn đến BPKCTT không bảo đảm, không thể thi hành. Các BPKCTT và việc áp dụng các BPKCTT đã được quy định tại Chương VIII BLTTDS năm 2015 (trước đây là Chương VIII BLTTDS năm 2004) và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Theo các quy định này thì việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT được thực hiện bằng hình thức quyết định; việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT được giải quyết theo quy định tại Điều 141 BLTTDS năm 2015. Có những vụ án, do quyết định việc áp dụng BPKCTT không đúng quy định của pháp luật, nên đã làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT/TANDTC- VKSNDTC-BTP của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tư pháp. Khi áp dụng BPKCTT, TAND cấp cao tại Hà Nội lưu ý các Thẩm phán cần phải căn cứ đúng vào quy định của pháp luật và yêu cầu của đương sự để áp dụng chính xác BPKCTT.

Ngoài ra, qua công tác xét xử, TAND cấp cao tại Hà Nội nhận thấy các TAND địa phương còn mắc phải những sai sót trong việc sửa chữa, bổ sung bản án; quyết định không đúng quy định; thủ tục triệu tập, niêm yết, tống đạt giấy triệu tập đương sự không đúng nên dẫn đến việc đình chỉ xét xử phúc thẩm sai với quy định của pháp luật tố tụng; ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự không đúng với nội dung biên bản hòa giải thành; sai sót về án phí...

Để tránh việc các bản án dân sự, kinh doanh, thương mại bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, TAND cấp cao tại Hà Nội mong muốn các Thẩm phán khi tiến hành thụ lý, giải quyết vụ việc cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, khách quan, toàn diện, đúng pháp luật về vụ án để tránh các sai sót hay gặp phải trong thời gian vừa qua.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết, xét xử các vụ án dân sự và kinh doanh, thương mại: Cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, khách quan, toàn diện