Giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản: Phải khắc phục “bệnh thành tích”

07/08/2013 08:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), tồn kho không chỉ khiến nhiều DN khốn đốn mà còn khiến nợ xấu không giải quyết được, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tình trạng nợ đọng trong XDCB đã kéo dài từ lâu nhưng đến nay chưa có một con số thống kê chính thức nào về loại nợ này. Theo kết quả kiểm toán về niên độ ngân sách 2011 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, số liệu về nợ vốn đầu tư XDCB của các địa phương giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có sự chênh lệch (số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 85.009 tỷ đồng, số của Bộ Tài chính là 91.273 tỷ đồng) và đến nay cũng chưa có số liệu theo dõi nợ vốn đầu tư XDCB tại các bộ ngành.

 

Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương xây dựng phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) bằng nguồn vốn của ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác. Và từ quý III/2012 đến nay, vấn đề nợ đọng XDCB cũng đang được xử lý. Tuy nhiên, theo TS.Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vấn đề xử lý nợ đọng XDCB xem ra rất khó, bởi những khoản nợ này đã quá lâu, rất phức tạp, ngay như việc đánh giá số nợ cũng đã rất khó khăn.

 

Giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản: Phải khắc phục “bệnh thành tích”

Nhiều công trình chậm tiến độ vì nợ đọng XDCB 

 

Một trong những nguyên nhân gây nợ đọng trong XDCB là việc chậm chấp hành, chậm khắc phục. Mặc dù Chính phủ đã ban hành khá nhiều chỉ thị hướng dẫn thực hiện vấn đề này, nhưng đến nay việc triển khai và kết quả vẫn là khá khiêm tốn.

 

Đầu tiên phải kể đến Chỉ thị 27/CT-TTg ban hành tháng 10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu từ năm 2013, các địa phương phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng XDCB trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương và coi đây là chỉ tiêu bắt buộc trong quy trình tổng hợp, bố trí và giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách địa phương. Các địa phương có trách nhiệm định kỳ 6 tháng hàng năm báo cáo tình hình và kết quả xử lý nợ đọng XDCB về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm trước ngày 20/5/2013 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng XDCB.

 

Tiếp đó, ngày 24/5/2013, Thủ tướng Chính phủ lại có Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2013 yêu cầu “tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ đọng XDCB”. Thế nhưng, trong bản báo cáo của Bộ Tài chính đưa ra tại buổi họp báo ngày 19/7/2013, mới chỉ thấy báo cáo là đã “tập trung vốn cho trả nợ khối lượng XDCB hoàn thành và thực hiện các công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2013 để bảo đảm hiệu quả đầu tư”... Nhưng cũng chưa tìm ra được số liệu cụ thể về giải quyết nợ đọng.

 

Đến ngày 24/6/2013, Thủ tướng ban hành tiếp Chỉ thị số 14 về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB từ nguồn NSNN, trái phiếu Chính phủ… Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh theo quy định. 

 

TS.Lê Đình Ân – nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho biết, giới chuyên gia kinh tế đánh giá cao những văn bản Thủ tướng trực tiếp ban hành, khẳng định rõ sự kiên quyết của Chính phủ với những vấn đề tồn đọng quá lâu trong quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa yên tâm với nỗ lực thực hiện ở các cấp các ngành, khi mà những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị từ nhiều năm trước, đến nay, vẫn là điểm nóng thời sự trong điều hành nền tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, những bất cập từ cơ chế phân cấp, quy hoạch, thẩm định, phê duyệt dự án, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công vẫn chưa được khắc phục.

 

Nợ XDCB, tồn kho không chỉ khiến nhiều DN khốn đốn mà còn khiến nợ xấu không giải quyết được, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Về vấn đề nợ đọng XDCB, TS.Trần Đình Thiên cho rằng: “Đang có nhiều DN chết hoặc chờ chết vì không thu được món nợ này”.

 

Nếu nợ đọng XDCB được giải quyết, doanh nghiệp có tiền trả nợ ngân hàng, dòng vốn sẽ lưu thông. Nhưng số liệu chưa rõ, thì làm sao giải quyết. Ngay như kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng đã ghi rõ “chưa có số liệu theo dõi nợ vốn đầu tư XDCB tại các bộ ngành”. Quan trọng hơn là không để nợ đọng được xử lý rồi lại phát sinh, nếu không kiên quyết trong việc thực hiện kỷ luật kỷ cương về XDCB.

 

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng nợ đọng XDCB chính là việc đầu tư dàn trải. Do đó, cần xem xét hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các địa phương nhằm khắc phục triệt để căn bệnh thành tích, "nghiện" dự án đầu tư để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hiện đang phổ biến ở nhiều địa phương. 

 

Linh Trung 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản: Phải khắc phục “bệnh thành tích”