Nghiệp vụ

Giải quyết khó khăn trong xử án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Gia Ân- Hải Yến 13/09/2024 - 19:07

Kỳ Sơn (Nghệ An) là huyện miền núi cao biên giới thuộc một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Huyện với địa hình đồi núi hiểm trở, người dân tộc thiểu số chiếm 94,89%, trình độ dân trí thấp nên công tác xét xử các vụ án trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.

Công tác xét xử đối diện với nhiều khó khăn

Trong những năm qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật, trình độ dân trí thấp, tình hình tội phạm ma túy, tội phạm buôn người trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Bên cạnh đó, các vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình gia tăng về số lượng, có tính chất phức tạp hơn. Lượng án phải giải quyết so với định biên đang quá tải, áp lực hoàn thành nhiệm vụ rất nặng nề trong bối cảnh TAND huyện Kỳ Sơn còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, Thẩm phán và điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện kinh phí, ngân sách được cấp còn hạn hẹp.

2(2).jpg
Phiên tòa xét xử lưu động do TAND huyện Kỳ Sơn tổ chức.

Vì vậy, công tác xét xử các vụ án tại đây đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là các vụ án về hình sự, hôn nhân gia đình. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu, gây khó khăn trong công tác giải quyết các loại án.

Mặt khác, do địa bàn huyện rộng, đi lại khó khăn nên ảnh hưởng nhiều đến quá trình công tác. Các hủ tục, tập tục lỗi thời vẫn chưa được xóa bỏ, nhiều tranh chấp hay vụ án xảy ra cũng vì sự cố chấp, bảo thủ của đương sự. Bên cạnh đó, chi phí hỗ trợ dành cho nhân chứng quá thấp cũng là một trong những rào cản, khiến công việc của Tòa án tại đây vốn dĩ đã vất vả lại càng chồng chất thêm khó khăn. Đặc biệt đa phần người dân đều là đồng bào các dân tộc thiểu số, không nói tiếng Kinh nên quá trình xét xử, thẩm vấn cũng gặp nhiều bất cập.

“Chỉ trong một huyện nhưng có những xã ở xa phải đi cả ngày đường mới tới trung tâm, những xã xa xôi khác còn phải qua đò, lội suối, không có sóng điện thoại vì thế trong quá trình xét xử, cái khó nhất là mời đủ được các nhân chứng, đây là một vấn đề rất nan giải. Thêm vào đó là trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của bà con còn hạn chế, họ nghĩ vụ việc không liên quan đến mình nên không đi. Việc thiếu vắng nhân chứng ảnh hưởng đến quá trình xét xử” - ông Lê Hữu Lộc, Chánh án TAND huyện Kỳ Sơn cho biết.

Vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ

Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng trong 6 tháng đầu năm 2024, với niềm tin và sức mạnh đoàn kết của cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chi bộ và Ban lãnh đạo đơn vị, TAND huyện Kỳ Sơn đã đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra.

Cụ thể, đơn vị đã thụ lý 227 vụ án, vụ việc các loại, đã giải quyết 212 vụ án, vụ việc, đạt tỷ lệ chung là 93,4%. Trong đó, về giải quyết án Hình sự: Tổng thụ lý 20 vụ/25 bị cáo, đã giải quyết, xét xử vụ 19/24 bị cáo, đạt tỷ lệ 95%; còn lại 01 vụ/01 bị cáo mới thụ lý hiện đã lên kế hoạch giải quyết trong thời gian tiếp theo.

Trong các vụ án hình sự đã thụ lý thì nhóm các vụ án về tội phạm ma túy là 14 vụ/15 bị cáo, chiếm 70%; nhóm các tội xâm phạm quyền sở hữu 02 vụ/2 bị cáo, chiếm 9,1%; nhóm các loại tội phạm khác 04 vụ/8 bị cáo, chiếm 20%.

Về giải quyết án Dân sự (Bao gồm các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình), tổng thụ lý 65 vụ, đã giải quyết, xét xử 51 vụ, đạt tỷ lệ 78,5%. Trong đó, Án dân sự tranh chấp: Thụ lý 02 vụ, đã giải quyết 02 vụ, đạt tỷ lệ 100%; Án Hôn nhân và gia đình: Thụ lý 63 vụ, đã giải quyết 49 vụ, đạt tỷ lệ 77,8%.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến từng người dân, TAND huyện Kỳ Sơn đã tổ chức xét xử lưu động nhiều vụ án tại địa bàn các xã khác nhau.

Đồng thời, chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ, việc tiếp tục được nâng lên, không có án bị hủy hoặc cải sửa, quá trình giải quyết, xét xử luôn đảm bảo đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không có oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Đối với các vụ án lớn, vụ án trọng điểm đều được Tòa án phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng sớm hoàn tất hồ sơ đưa ra xét xử kịp thời nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Tòa án cũng đã phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn và Huyện Đoàn Kỳ Sơn tổ chức 01 “phiên tòa giả định” để tuyên truyền pháp luật, giáo dục pháp luật trong học sinh về phòng chống ma túy. Đồng thời tổ chức được nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm; đảm bảo các vụ án đưa ra xét xử đều được tiến hành việc tranh tụng, chất lượng tranh tụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ các vụ án có người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự ngày càng nhiều.

Ông Lê Hữu Lộc chia sẻ thêm: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng xét xử lưu động thêm nhiều vụ án tại chính địa bàn bị cáo phạm tội, mỗi vụ án khi được xét xử lưu động đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của quần chúng nhân dân.

Qua những buổi xét xử lưu động người dân cũng được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, biết cái sai, cái đúng để từ đó thay đổi hành vi nhận thức trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần có sự quan tâm sâu sắc của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ kinh phí để tổ chức các phiên xét xử lưu động, khắc phục những khó khăn nhằm đạt được những kết quả tốt hơn nữa”, ông Lê Hữu Lộc cho biết thêm.

Bằng sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần đoàn kết, vượt khó của tập thể cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị, kết quả hoạt động của TAND huyện Kỳ Sơn trong những năm qua có nhiều chuyển biến rõ nét, tỷ lệ giải quyết các loại vụ án luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, uy tín của Tòa án trong hệ thống chính trị huyện Kỳ Sơn được nâng cao, niềm tin của nhân dân đối với Tòa án ngày càng được củng cố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết khó khăn trong xử án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số