Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đang trong giai đoạn tiếp thu chỉnh lý, được UBTVQH cho ý kiến mới đây nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề giải quyết tố cáo nặc danh hay không và quy định về điểm dừng trong giải quyết tố cáo.
Chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy định hai hình thức tố cáo là: tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, nhưng có bổ sung quy định riêng về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại; vào sổ theo dõi, phân loại, phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra.
Lý giải vấn đề này, Chính phủ cho rằng, quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết; khó khăn trong việc xác định trách nhiệm những người lợi dụng quyền tố cáo để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Mặc dù không xem xét, giải quyết đối với tố cáo qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử theo quy trình giải quyết tố cáo, Chính phủ cho rằng những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử cần phải được các cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý phục vụ yêu cầu công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra.
Quá trình thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật tuy có tiếp thu một phần ý kiến đại biểu Quốc hội nhưng còn chưa rõ ràng, vẫn chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu sửa đổi Luật; bởi vì, vấn đề căn bản, mấu chốt là xác định được nội dung tố cáo có căn cứ, chính xác, rõ địa chỉ, họ tên người tố cáo là điều kiện đủ để thụ lý giải quyết. Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của hai hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng: quy định hình thức tố cáo bằng đơn và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật (hình thức khác có thể bao gồm thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định).
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban dân nguyện phát biểu tại phiên họp
Về đơn tố cáo nặc danh, Chính phủ đề nghị không quy định việc xem xét giải quyết nhằm đề cao trách nhiệm của người tố cáo, cũng như hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ; lợi dụng quyền tố cáo để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, có trường hợp do sợ bị trả thù, trù dập nên người tố cáo không nêu rõ họ tên, địa chỉ nhưng trong đơn tố cáo có nội dung rõ ràng, cụ thể, gửi kèm nhiều bằng chứng chứng minh các hành vi vi phạm như băng hình, ghi âm, tài liệu… và các cơ quan nhà nước không gặp khó khăn khi xác minh, kết luận. Để không bị bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật, nên Chính phủ cho rằng cần có quy định hợp lý về vấn đề này.
Do vậy, khoản 5 Điều 20 dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Trường hợp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo thì không thụ lý giải quyết. Trong trường hợp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh nhưng nội dung, thông tin rõ về người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể, có cơ sở thẩm tra, xác minh thì người tiếp nhận đơn tố cáo trình người đứng đầu cơ quan quản lý cùng cấp xem xét, quyết định để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra.
Cần có điểm dừng trong giải quyết tố cáo
Thảo luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn, không hiểu trên thế giới có nước nào nhiều tố cáo, khiếu nại như Việt Nam không? Cách họ giải quyết, xử lý vấn đề này như thế nào? “Tôi từng ở địa phương thì biết rồi, nếu ban hành luật không cẩn thận thì tình hình không diễn biến theo chiều hướng tốt mà thậm chí còn tạo ra phức tạp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.
Ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, về hình thức tố cáo thì đúng là chúng ta đang đứng trước hai con đường. Trong khi xu thế công nghệ thông tin như hiện nay, có khi người ta ngồi ở nhà xử lý tất cả các vấn đề. Với tình hình mới này, nếu giữ hai hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, không chấp nhận qua điện thoại, fax, thư điện tử cũng phải cân nhắc vì như vậy là đứng ngoài cuộc sự đổi mới công nghệ thông tin. Phải chăng vẫn chấp nhận những đơn thư theo hình thức này nếu có đẩy đủ địa chỉ, căn cứ pháp lý. Còn về tố cáo nặc danh, mạo danh, ông Phùng Quốc Hiển cương quyết cho rằng, không giải quyết vì hiện nay có đến 80% tố cáo sai.
Ông Mai Trực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay chỉ nên giữ 2 hình thức tố cáo. Trong quá trình xử lý, khi có đơn phải gặp trực tiếp người tố cáo để đối chất, giải thích pháp luật để họ thấy không phù hợp thì rút nội dung. Chứ nếu theo nội dung tố cáo, khắp đất nước này, điểm này, điểm kia, cả đoàn bay đi thì tốn kém kinh phí vô cùng.“Số điện thoại, thư điện tử vẫn mạo danh của người khác. Chúng tôi nhận tố cáo qua tin nhắn rất nhiều, nhưng số điện thoại lại mạo danh của người khác”, ông dẫn chứng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, một yêu cầu của việc sửa đổi Luật là giải quyết được những vấn đề vướng mắc của thực tế của công việc giải quyết tố cáo như thời hiệu, tố cáo mạo danh, nặc danh, vấn đề bảo vệ người tố cáo, điểm dừng hay không có điểm dừng của việc giải quyết tố cáo…Vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan cố gắng tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội hoàn thiện dự án luật khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.
Liên quan đến quy định điểm dừng trong giải quyết tố cáo, Chính phủ giải trình như sau: Luật hiện hành không quy định về điểm dừng trong giải quyết tố cáo. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo không giống như giải quyết khiếu nại, vì tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật và các cơ quan có trách nhiệm thụ lý, giải quyết. Nếu việc giải quyết không khách quan, vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm vẫn tồn tại hoặc không được xem xét giải quyết kịp thời thì tố cáo được tiếp tục xem xét, giải quyết. Do đó, Dự thảo không quy định về điểm dừng trong giải quyết tố cáo.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo cao nhất nhưng chưa quy định việc chấm dứt giải quyết tiếp đối với trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cao nhất giải quyết là không phù hợp. Trên thực tế nhiều vụ việc tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền cao nhất giải quyết, nhưng người dân vẫn tiếp tục tố cáo, dẫn đến tố cáo kéo dài, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan nhà nước và gây bất ổn cho xã hội. Vì vậy, Luật cần quy định rõ điểm dừng của tố cáo gắn với điểm dừng của thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban dân nguyện cho rằng, nếu không quy định điểm dừng trong giải quyết tố cáo sẽ rất khó khăn. Vì thực tế trong quá trình giám sát cho thấy, nhu cầu điểm dừng là rất lớn. Nếu người tố cáo không đồng tình với quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền có thể khiếu nại ra Toà. Bà cũng cho biết, vừa đi giám sát ở 6 tỉnh thấy rằng tính chung có đến 80% đơn tố cáo sai sự thật, tỉnh nào ít hơn cũng 70%. Vì vậy tố cáo sai không chỉ gây mất thời gian, ảnh hưởng an ninh trật tự, ảnh hưởng công việc chung mà còn ảnh hưởng đến danh dự của người bị tố cáo nên đề nghị cơ quan trình dự án Luật xem xét kỹ vấn đề này.