Xuất phát từ đặc trưng của các vụ án xâm hại tình dục là các vụ án xâm hại danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ nên trong quá trình giải quyết các loại vụ án này có những khó khăn nhất định.
Bài 1: Những khó khăn, vướng mắc
Khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử bị cáo về tội danh gì thì cần phải có kết luận giám định pháp y và những vật chứng có liên quan để làm căn cứ, khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội và sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội gì trong các tội xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em (từ Điều 111 đến Điều 116 Bộ luật Hình sự). Trên thực tế có nhiều vụ xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em nhưng không đủ cơ sở để đưa người phạm tội ra trước pháp luật. Có nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, khi gia đình biết đã lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến khai báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên vô hình chung đã tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết. Có trường hợp sau khi bị xâm hại một thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội do sợ danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn (vùng kín bị hóa sẹo, không thu được tinh dịch…) nên rất khó để xác định người bị hại có bị hiếp dâm hay không và ai là người thực hiện hành vi. Do đó, việc điều tra, truy tố cũng như xét xử của Tòa án đối với các trường hợp này rất khó khăn.
Bên cạnh đó, trong nhiều vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo được tư vấn của luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc vì một lý do nào đó đã không đồng ý với bản kết luận giám định pháp y đã nhận được trước đó nên đã đề nghị với Hội đồng xét xử cho giám định pháp y lại, dẫn đến kéo dài thời gian và gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án của Tòa án. Trong khi đó, công tác giám định về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em còn nhiều hạn chế và tại Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 đã không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là loại đặc biệt, phải được thực hiện nhanh để xác định thủ phạm. Như vậy, nếu phụ nữ và trẻ em bị xâm hại tình dục mà bị phát hiện chậm hoặc đưa đi giám định không kịp thời sẽ thiếu mất bằng chứng quan trọng để xác định người phạm tội cũng như gây khó khăn cho công tác xét xử của các Tòa án.
Khó khăn thứ hai phát sinh từ phía người bị hại, trong nhiều vụ án mặc dù tại Cơ quan điều tra và trong hồ sơ vụ án đã thể hiện quan điểm rõ ràng và khẳng định hành vi của bị cáo đã xâm hại tình dục đối với họ. Nhưng do trong quá trình chờ xét xử, giữa gia đình bị cáo và gia đình người bị hại đã thỏa thuận, thống nhất với nhau và thậm chí do sự tác động nào đó (có thể do bị đe dọa hoặc hứa hẹn) nên tại phiên tòa người bị hại lại thay đổi lời khai, phủ nhận lời khai trước đó và một mực bảo vệ bị cáo, cho rằng bị cáo không thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với họ như trong hồ sơ vụ án đã thể hiện,…qua đó đã gây nhiều khó khăn cho Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết, xét xử vụ án đó.
Nạn nhân của một vụ xâm hại trẻ em (bên trái)
Trong các vụ án xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, người bị hại và gia đình của người bị hại thường có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên nhiều người chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân họ hoặc người thân khi bị xâm hại. Khi xảy ra vụ việc, họ thường không trình báo với cơ quan có thẩm quyền mà giấu diếm, bỏ qua hoặc tự thỏa thuận với người có hành vi phạm tội và gia đình của người phạm tội gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Trong quá trình giải quyết vụ án, do thời gian xảy ra đã lâu, sự hợp tác không chặt chẽ của người phạm tội, người bị hại nên việc giám định của cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn, cũng ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án.
Có trường hợp người bị hại có quan hệ tình dục với nhiều người trong thời gian dài, nên khi Cơ quan điều tra tiến hành điều tra thì không có đủ chứng cứ để buộc tội tất cả các đối tượng. Cũng có trường hợp khi biết sự việc thì phía gia đình bị hại và gia đình bị cáo tự thỏa thuận với nhau về việc bồi thường, sau đó do không thống nhất được mức bồi thường nên bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội, nhưng việc khai báo sau đó không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án nên việc điều tra và nhận định các chứng cứ gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Thực tiễn xét xử đã xảy ra trường hợp Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung và sau đó cơ quan truy tố đã đổi tội danh truy tố đối với bị cáo (vụ Bùi Văn Thắng - TAND huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, chuyển từ tội “Giao cấu với trẻ em” sang tội “Cưỡng dâm trẻ em”).
Bên cạnh đó, một số loại tội phạm liên quan đến bạo lực tình dục xảy ra trong nội bộ gia đình nên việc phát hiện, tố giác và xử lý gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do nhận thức của người bị xâm hại còn hạn chế, không tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục. Trong các trường hợp này, người bị bạo hành tình dục trong gia đình là phụ nữ, trẻ em, có thái độ cam chịu hoặc không dám tố cáo với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể để có biện pháp can thiệp kịp thời mà âm thầm chịu đựng cho đến khi không thể chịu đựng được nữa mới gửi đơn tố cáo hành vi xâm hại tình dục. Khi Tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ thì không cung cấp được chứng cứ chứng minh là có hành vi xâm hại tình dục, gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết, xét xử vụ án.
Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật là một trong những biện pháp hết sức hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm và các tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, các vụ án xâm hại tình dục là các vụ án nhạy cảm (đặc biệt là các vụ án mà người bị hại là trẻ em gái hoặc vụ án xâm hại tình dục mang tính chất loạn luân giữa những người cùng quan hệ huyết thống hoặc họ hàng thân thiết) thì người bị hại thường có có tâm lý e ngại, không muốn vụ việc được đưa ra xét xử công khai do vấn đề tâm lý sợ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm. Do vậy, các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em ít được đưa ra xét xử lưu động công khai (trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2013, các Tòa án đưa ra xét xử lưu động 259 vụ án), trong khi đó có nhiều vụ việc cần được đưa ra xét xử lưu động công khai nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và răn đe, ngăn chặn và hạn chế các hành vi vi phạm và tội phạm tương tự xảy ra.
Nhận thức pháp luật của một số người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Nhiều người chưa nhận thức được hành vi họ đã thực hiện là vi phạm pháp luật hoặc danh dự, nhân phẩm của họ đã bị xâm hại, phổ biến nhất là hành vi giao cấu với trẻ em. Thông thường giữa bị cáo và người bị hại có quan hệ tình cảm, thậm chí có trường hợp gia đình của bị cáo và người bị hại còn tổ chức đám cưới cho hai người, tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện hành giao cấu với người bị hại. Do đó việc phát hiện, xử lý hành vi phạm tội chưa triệt để, một số trường hợp hai bên còn che giấu, không hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án.
Trong một số vụ án, việc xác định tuổi của người bị hại gặp nhiều khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không xác định được chính xác tuổi của người bị hại để xác định người bị hại có phải là trẻ em hay không. Có trường hợp bị hại không có giấy khai sinh gốc, hoặc có giấy khai sinh nhưng ngày, tháng, năm sinh không chính xác hoặc giấy khai sinh chỉ ghi năm sinh. Có vụ án cha, mẹ của người bị hại nhớ nhầm ngày sinh của người bị hại (ngày âm lịch, dương lịch) nên cấp phúc thẩm phải hủy án của cấp sơ thẩm. Cũng có trường hợp lời khai của bố, mẹ bị hại và giấy tờ, lý lịch trong hồ sơ về ngày, tháng, năm sinh giống nhau nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại thu được những chứng cứ khác với tài liệu kể trên.
Có trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại, cơ quan tiến hành tố tụng đã làm các thủ tục để tiến hành giám định tuổi của họ nhưng kết quả giám định của các cơ quan chuyên môn lại khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với tài liệu điều tra khác nên gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Tòa án.
(còn nữa)