Tin địa phương

Giải pháp thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của TP Hạ Long

Hoàng Hà 26/12/2024 - 21:44

Việc gắn phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, với kinh tế di sản là một định hướng chiến lược trong phát triển bền vững TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), có nhiệm vụ quan trọng vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị to lớn của di sản vịnh Hạ Long.

Theo ông Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long, không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại của tỉnh, TP Hạ Long còn là vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, tự hào sở hữu Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và trên 95 di tích lịch sử văn hóa.

Việc nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long giúp mở rộng không gian phát triển của thành phố, cộng hưởng cả thế mạnh biển - đảo, làm tiền đề cho Hạ Long trong định hướng trở thành đô thị di sản từ nguồn tài nguyên văn hóa, con người trong giai đoạn phát triển mới.

z6168728067933_861d3b243dc4cf76a2499ec8f3b6b979.jpg
TP Hạ Long đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, thành phố “Kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình; thành phố của đổi mới, sáng tạo; thành phố di sản của hoa và lễ hội”. Ảnh: HH

Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh, nhất là tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xu thế phát triển trong kỷ nguyên mới, TP Hạ Long đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, thành phố “Kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình; thành phố của đổi mới, sáng tạo; thành phố di sản của hoa và lễ hội”; dựa trên 4 trụ cột: Du lịch - dịch vụ; công nghiệp; Nông nghiệp; Văn hóa và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp.

Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản sẽ hóa giải bài toán mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa con người Hạ Long.

Tầm nhìn giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long

Để thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của TP Hạ Long trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, văn hóa Quảng Ninh hội đủ các loại hình di sản: Văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên, di sản hỗn hợp, di sản liên tỉnh, di sản tư liệu,... Đó là sự giàu mạnh, phong phú về văn hóa của tỉnh. TP Hạ Long nên đặt không gian văn hóa vịnh Hạ Long trong mối liên kết chuỗi và di sản liên vùng để tạo hiệu ứng, nhân tố kích hoạt cho sự gia tăng các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

TP Hạ Long nên sớm có chương trình khảo sát, nghiên cứu để nhận diện sâu, đánh giá tổng thể, toàn diện hơn về sự phân bố, trữ lượng, tiềm năng, giá trị văn hóa của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Mục tiêu căn bản là không ngừng tạo ra các giá trị mới cho sự phát triển của kinh tế di sản, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hạ Long.

z6168728002433_63e24ac6f3c5713cb6809a2ec304fd0d.jpg
Theo Bí thư Thành uỷ Hạ Long, mô hình phát triển trong kỷ nguyên mới của thành phố sẽ tập trung hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển được những bất lợi hiện nay thành những lợi thế, với một chiến lược phát triển xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản là hướng đi đúng đắn, cùng với tầm nhìn và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo. Ảnh: HH

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, với cái nhìn, cách tiếp cận liên văn hóa có thể thấy, trong kho tàng di sản văn hóa của Quảng Ninh nổi lên thế mạnh của bốn nhân tố (4 B).

Thứ nhất, có một dải văn hóa vùng Biên (có vai trò đặc biệt quan trọng của miền núi, hải đảo, của đồng bào các dân tộc thiểu số);

Thứ hai, có một truyền thống văn hóa Biển (từ các huyền thoại, di tích gắn với văn hóa Việt cổ và kỷ nguyên tự chủ);

Thứ ba, có văn hóa tâm linh - Phật giáo (Bụt, Budha - Phật giáo Trúc Lâm) hình thành ở vùng “Yên Tử non thiêng”, lan tỏa đến Hạ Long, vùng duyên hải, thương cảng Vân Đồn;

Thứ tư, Quảng Ninh có một truyền thống Buôn bán, thương nghiệp, năng động, bản lĩnh, sớm tham gia vào các hoạt động khu vực, quốc tế.

4 nguồn tài nguyên, đồng thời là bốn di sản tiêu biểu đó tạo thành phức thể văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa Quảng Ninh - Hạ Long.

Các di sản đó hợp thành cấu trúc tứ giác, tạo điểm tựa vững chắc để Quảng Ninh quyết tâm phấn đấu trở thành “một tỉnh tiêu biểu của cả nước về các mặt”, “đi đầu cả nước trên các lĩnh vực, trở thành một điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc”.

TP Hạ Long có nhiều tiềm năng, điều kiện để giữ vai trò tiên phong trong chiến lược phát triển đó.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim cho rằng, TP Hạ Long nên chủ động có kế hoạch phối hợp với Tỉnh và các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học.

Mục tiêu căn bản là đẩy mạnh hơn nữa, xác định rõ và làm sâu sắc, toàn diện hơn các di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể (đặc biệt là hệ tri thức biển), di sản tư liệu,… đã hình thành, phát triển ở TP Hạ Long, trên không gian biển vịnh Hạ Long và các vịnh biển liên quan

Bên cạnh đó, TP Hạ Long nên định vị rõ là Thành phố Biển, phát triển theo mô hình Đô thị di sản.

Lấy di sản thiên nhiên, văn hóa làm mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Hạ Long đồng thời cũng là loại hình Đô thị sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không nên phát triển theo loại hình Đô thị nén.

Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, đặt trong mối quan hệ và tầm nhìn với Bái Tử Long và Cát Bà,

TP nên sớm tính đến việc góp phần xây dựng Không gian sáng tạo văn hóa thứ hai ở vùng núi cao Yên Tử. Nếu đề nghị của Việt Nam về Quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh, thì Quảng Ninh sẽ có hai không gian sáng tạo văn hóa là Hạ Long và Yên Tử (một ở Núi cao và một ở Biển cả).

Hai di sản đó sẽ là đôi cánh nâng tầm văn hóa và vị thế khu vực, quốc tế của Đô thị di sản Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh.

Điều cuối cùng theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, cùng với thiên nhiên thì con người và văn hóa được xác định là 3 trụ cột căn bản trong chiến lược phát triển bền vững của Quảng Ninh.

z6168727983256_f96d97ef6ab4a50df442f6ffe5d393fc.jpg
Việc gắn phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, với kinh tế di sản là một định hướng chiến lược trong phát triển bền vững TP Hạ Long, có nhiệm vụ quan trọng vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị to lớn của di sản vịnh Hạ Long. Ảnh: HH

Chuyển đổi xanh du lịch

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Vân Hoa - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để thực hiện mục tiêu đã được Thủ tướng phê duyệt trong Qui hoạch phát triển thành phố đến năm 2040 “Xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng; Phát triển thành phố Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu”, cần quan tâm đến một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần nhanh chóng cụ thể hóa mục tiêu tổng quát trên thành nghị quyết của Thành ủy – xây dựng Hạ Long thành thành phố du lịch xanh đầu tiên của Việt Nam.

Cụ thể hóa trong chiến lược/đề án và chương trình hành động cụ thể gắn với kế hoạch hàng năm bằng những chỉ tiêu rõ ràng, có thể đo lường và giám sát được; khẳng định du lịch là ngành động lực, tiên phong trong chuyển đổi xanh; làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình thực hiện kế hoạch và chiến lược; hàng năm có đánh giá và tổng kết để rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh.

Thứ hai, nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh nói chung và chuyển đổi xanh trong ngành du lịch nói riêng thông qua các hình thức giáo dục, tuyên truyền rộng rãi, qua đó từng bước xây dựng văn hóa chuyển đổi xanh trong toàn thành phố.

Giao cho đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị xã hội, các trường học làm đầu mối tiên phong trong vận động và tổ chức những hình thức tuyên truyền giáo dục để nâng cao thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú về mục tiêu, sự cần thiết và lợi ích đối với thành phố cũng như người dân, các tổ chức và doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi xanh để các bên cùng vào cuộc.

Thứ ba, chủ động và nhanh chóng nghiên cứu làm rõ các tiêu chí của du lịch xanh của thành phố di sản làm căn cứ hướng dẫn, triển khai và giám sát các đơn vị, công ty du lịch, các điểm đến trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tuyên truyền cho khách du lịch về trách nhiệm của du khách khi đến với Hạ Long.

Thứ tư, ban hành các chính sách khuyến khích chuyển đổi số xanh trong ngành du lịch. Có kế hoạch phân bổ ngân sách cũng như huy động đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện chuyển đổi xanh trong ngành du lịch trên địa bàn thành phố như phối hợp với ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng xanh cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch xanh;…

Thứ năm, phối hợp với các sở ngành có liên quan của thành phố Quảng Ninh, xây dựng và ban hành và giám sát việc thực hiện các quy định về hạn chế rác thải nhựa; sử dụng năng lượng tiết kiệm an toàn, sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng thực phẩm tiết kiệm, an toàn… qui định và giải quyết các vấn đề liên quan đến khách du lịch tại địa phương một cách toàn diện hướng đến chuyển đổi xanh.

Thứ sáu, thành phố có thể chủ động xây dựng quĩ chuyển đổi xanh và sử dụng quĩ này để lựa chọn một hoặc 2 đơn vị làm điểm trong chuyển đổi xanh theo mô hình sand box.

Nghiên cứu cơ chế giải ngân theo hình thức đặt đầu bài dưới dạng dự án và các đơn vị du lịch (du thuyền, khách sạn, nhà hàng) có thể đấu thầu để được nhận khoản đầu tư đó. Sau thời gian thí điểm cần tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình sang nhiều đơn vị khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của TP Hạ Long