Chiều 22/12, dưới sự điều hành của Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng, các đại biểu đã thảo luận về vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ.
Trước khi thảo luận, Hội nghị nghe đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC báo cáo tóm tắt chuyên đề về việc khắc phục, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các Tòa án năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Văn Du cho biết, qua công tác kiểm tra chuyên môn tại Tòa án 2 cấp của 28 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, TANDTC nhận thấy, về cơ bản các mặt công tác của các Tòa án được kiểm tra có những chuyển biến tích cực.
Về các vụ án hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm; Đã tổ chức xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm.
Công tác giải quyết án dân sự, hành chính, thi hành án hình sự, triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án,… đều được các Tòa án thực hiện tích cực, đạt yêu cầu và chỉ tiêu đề ra. Một số đơn vị vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Đồng chí Phó Chánh án cũng chỉ ra một số những tồn tại hạn chế mà qua công tác kiểm tra đã nêu liên quan đến các nội dung như: Mức hình phạt áp dụng trong một số trường hợp cụ thể; Áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ, cho hưởng án treo; Việc hủy án và công tác giám đốc thẩm; trong giải quyết các vụ án dân sự; việc đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Tại điểm cầu TAND cấp cao tại Hà Nội, phát biểu thảo luận, Phó Chánh án Tòa án cấp cao Hà Nội Nguyễn Thế Lệ cho biết, năm 2022, TAND cấp cao đã cơ bản thực hiện nhiệm vụ đạt chỉ tiêu đặt ra. Với những vướng mắc, đơn vị thường xuyên trao đổi nghiệp vụ với các Tòa cấp tỉnh để khắc phục những tồn tại hạn chế.
Bên cạnh đó những vướng mắc liên quan đến các nhóm chuyên môn lĩnh vực hình sự đang là điểm nóng hiện nay cũng được Tòa án cấp cao khắc phục. Về xét xử án hành chính, dù có tồn đọng năm trước do dịch, tuy nhiên Tòa cấp cao Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ đưa ra xét xử, đạt các chỉ tiêu đề ra.
Đại diện Tòa án cấp cao cũng nêu ra một số đề xuất, đó là tổng hợp tất cả các vướng mắc của các đơn vị để rút kinh nghiệm, nên giao cho các cụm thực hiện. Án hành chính và các án khác, hiện đang tập trung cao điểm, đề nghị Chánh án có chỉ đạo. Riêng về án ma túy, hiện nay cũng đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án, cần có hướng dẫn phù hợp.
Theo Phó Chánh án Tòa án cấp cao Nguyễn Thế Lệ, con người là mấu chốt quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ. Thực tế số vụ việc tại Tòa án gia tăng, tính chất phức tạp nên cần tập trung công tác cán bộ để có thể đủ số lượng Thẩm phán, Thư ký đảm đương khối lượng công việc lớn này. Hiện nay, nhân sự thiếu cục bộ rất nhiều nên cần rà soát và bổ sung kịp thời; bổ sung lực lượng lãnh đạo quản lý theo hướng tính toán dự báo trước để chuẩn bị nguồn cán bộ bổ sung cho lực lượng này.
Đại diện Tòa án cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Cường cũng đề cập đến tình trạng đơn giám đốc thẩm tăng cao hiện nay. Trong năm qua lãnh đạo Tòa án cấp cao đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp để giải quyết lượng đơn này, nhưng khối lượng tồn đọng vẫn còn rất lớn.
Ông Võ Văn Cường cũng cho biết, trong năm qua, TANDTC đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được nhu cầu lớn trong công tác chuyên môn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn chưa được hướng dẫn; một số trường hợp có nhận thức khác nhau về án lệ…Vì vậy, đề nghị TANDTC thời gian tới có hướng dẫn về áp dụng án lệ trong một số trường hợp.
Đại diện TAND TP Hồ Chí Minh nêu lên những vướng mắc một số nội dung liên quan đến nghiệp vụ hướng dẫn tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng. TP Hồ Chí Minh những năm vừa qua do biến động về tình hình dịch bệnh nên cũng gặp nhiều khó khăn liên quan đến việc giải quyết các vụ án thuộc lĩnh vực này. Thực tế, nhiều chủ nợ không đi đòi nợ theo thủ tục thông thường mà nộp đơn đề tuyên bố phá sản đối với DN nợ. Tòa án thụ lý rất nhiều vụ việc như vậy và khó khăn trong khâu xét xử...
Đại diện TAND TP Hồ Chí Minh, đại diện TAND TP Hải Phòng cũng đề nghị TANDTC hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến một số lĩnh vực hình sự, thủ tục phá sản DN.
Đại diện TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho hay, hiện công tác cán bộ rất khó khăn, thiếu cán bộ; xét xử trực tuyến; hòa giải đối thoại và kiến nghị thực hiện tốt chủ trương của TANDTC và CCTP để thực hiện tốt việc xét xử trực tuyến.
Đại diện Tòa án TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai có tham luận tại hội nghị, nêu lên một số khó khăn trong thực tiễn về án ma túy; xử lý vật chứng trong các vụ án hình sự bị thế chấp ngân hàng. Qua đó, kiến nghị đề xuất, đại biểu đưa ra giải pháp nhằm hạn chế tối đa các vụ án tạm đình chỉ không có căn cứ để đưa vụ án ra xét xử đúng quy định.
Tại điểm cầu TAND thị xã Quảng Trị, đại diện đơn vị nhất trí với các báo cáo tại hội nghị. Năm 2022, Quảng Trị xét xử các vụ án đạt 100%; các chỉ tiêu ngành đề ra đều đạt được. Đặc biệt, đơn vị này cũng tích cực hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đạt kết quả nhất định.
Về công tác xét xử trực tuyến, đơn vị tổ chức xét xử được 3 phiên, tuy nhiên còn khó khăn do cơ sở vật chất chưa được đầu tư. Vì vậy đề nghị lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến vấn đề này. Với lĩnh vực công nghệ thông tin, Tòa án cấp huyện nói chung số biên chế rất ít, chưa có biên chế cho lĩnh vực công nghệ thông tin nên đề nghị bổ sung biên chế cho nhân sự này, đại diện Tòa án đề nghị.
Kết luận nội dung thảo luận, đồng Chí Phạm Quốc Hưng cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp để có giải pháp phủ hợp; đồng thời, đề nghị các đơn vị tập hợp những vướng mắc, kiến nghị cần hướng dẫn gửi về TANDTC.