Nâng cao hiệu quả xét xử trực tuyến

Nhóm PV| 22/12/2022 16:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, hệ thống TAND đã nỗ lực tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến. Qua quá trình triển khai, các phiên tòa xét xử trực tuyến mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm nhiều chi phí, hướng tới phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

Tổ chức xét xử trực tuyến hơn 5.000 vụ án

Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, mặc dù năm 2022 có nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng hệ thống toà án đã có những thành tích nổi bật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điểm nhấn năm 2022 là Tòa án đã hoàn thành tất cả các đề án Trung ương giao cho như Đề án Tòa án người chưa thành niên; Đề án Tòa án điện tử; Đề án cải cách tư pháp đã được Trung ương đưa vào Nghị quyết…

chan-an-tandtc.jpeg
Chánh án  TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị

Đặc biệt, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện xét xử trực tuyến; tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội đến tất cả TAND các cấp.

Tính đến nay đã tổ chức xét xử trực tuyến với tổng cộng 5.000 vụ án, tạo được hiệu ứng dư luận xã hội rất tốt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.

Với Nghị quyết xét xử trực tuyến, dù chưa được đầu tư nhưng Chánh án TANDTC ghi nhận toà án các địa phương đã “rất nỗ lực, rất đáng biểu dương”.

"Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian, nhất là trong thời gian dịch bệnh", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Phiên tòa trực tuyến giảm thiếu tối đa các rủi ro 

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất kết quả nổi bật của việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến như giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, có thể phát sinh từ việc đi lại, di chuyển hồ sơ, vật chứng đến địa điểm mở phiên tòa; tạo điều kiện để đông đảo người dân quan tâm vụ việc có thể theo dõi quá trình xét xử; giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân. Các phiên tòa được ghi hình, có âm thanh, lưu trữ hình ảnh, đảm bảo trích cứu khi cần thiết.

Kết quả trên cho thấy sự quyết tâm của TAND các cấp, khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn, góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa, đặc biệt là tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân.

da-nang.jpeg
Hội trường xét xử tại TANDCC tại Đà Nẵng

Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường cho biết, sau khi triển khai mô hình xét xử trực tuyến, từ đầu tháng 8/2022 cho đến nay đã thực hiện được trên 150 phiên tòa kết nối điểm cầu từ TANDCC và TAND hai cấp ở 12 tỉnh thành thuộc phạm vi thẩm quyền của TANDCC tại Đà Nẵng, để xét xử các vụ án hình sự, dân sự và hành chính.

Ngoài ra cũng đã có phiên toà kết nối tới điểm cầu tại trụ sở của người bị kiện trong vụ kiện hành chính, hoặc trại tạm giam đối với vụ án hình sự.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bường, trong 150 phiên tòa trực tuyến, có 12 phiên tòa đường truyền được kết nối từ điểm cầu trung tâm TANDCC tại Đà Nẵng đến điểm cầu thành phần tại Văn phòng UBND các tỉnh, các huyện, các sở, ban ngành liên quan và trụ sở Tòa án 2 cấp tỉnh, huyện trong khu vực. Các đồng chí bên chính quyền rất hài lòng và chỉ đạo quyết liệt hệ thống chính quyền các cấp phối hợp với TANDCC tại Đà Nẵng để xét xử trực tuyến.

Điển hình như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp, các sở, ban ngành liên quan không được vắng mặt tại các phiên tòa trực tuyến và tạo điều kiện để kết nối đường truyền với Tòa án để xét xử trực tuyến.

Chia sẻ về công tác xét xử phiên tòa trực tuyến, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trung Uy cho hay, trong năm qua, TAND hai cấp tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai 162 phiên tòa xét xử trực tuyến mang lại sự thành công và hiệu quả rất lớn, góp phần nâng cao tỷ lệ án và chất lượng xét xử.

Các phiên tòa trực tuyến tiêu biểu như: Phiên tòa hình sự có 97 bị cáo với 3 điểm cầu, khoảng cách các điểm cầu 110km; phiên tòa hôn nhân gia đình được tổ chức tại điểm cầu UBND xã miền núi Ba Vì cách trung tâm huyện Ba Tơ 30 km và cách TAND tỉnh 90 km; phiên tòa hành chính điểm cầu TAND tỉnh với các điểm cầu thành phần tại UBND huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý, điểm cầu UBND huyện Bình Sơn và UBND thị xã Đức Phổ có khoảng cách 100km.

Đặc biệt, đối với các vụ án hành chính, dân sự có người tham gia tố tụng đang sinh sống tại huyện đảo Lý Sơn đều được TAND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức xét xử trực tuyến 100% nhất là trong mùa mưa bão. Các phiên tòa trực tuyến được diễn ra đúng trình tự, thủ tục tố tụng; thiết bị hiển thị hình ảnh và hệ thống âm thanh đảm bảo; thiết bị ghi hình rõ nét hình ảnh; tín hiệu truyền, nhận từ điểm cầu trung tâm đến điểm cầu thành phần thông suốt..., những người tham gia tố tụng đều nói, nghe, trả lời rõ ràng.

phientoa.jpeg
TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử trực tuyến vụ án hình sự có đến 97 bị cáo

Chánh án TAND tỉnh Nghệ An Trần Ngọc Sơn chia sẻ, tính đến nay, có tổng cộng 20/22 đơn vị (TAND tỉnh và 19 đơn vị TAND cấp huyện) đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 240 vụ án (hình sự 236 vụ, hành chính 4 vụ, có vụ án hành chính đến điểm cầu cấp xã); làm việc trực tuyến 4 vụ án hành chính.

“Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tạo ra bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án trong đó có TAND hai cấp tỉnh Nghệ An”, Chánh án Trần Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Theo Chánh án TAND tỉnh Gia Lai Phạm Duy Lam, từ phiên tòa trực tuyến đầu tiên do TAND tỉnh xét xử vào ngày 20/7/2022 đến cuối năm thi đua các Tòa án trong tỉnh đã tổ chức được 60 phiên toà (trong đó TAND tỉnh 6 phiên tòa, các TAND cấp huyện 54 phiên tòa), hoàn thành chỉ tiêu theo chỉ đạo của TANDTC.

Ngoài ra, phối hợp, hỗ trợ TANDCC tại Đà Nẵng xét xử 20 phiên tòa có điểm cầu tại Trụ sở TAND tỉnh Gia Lai. Chỉ tính từ đầu năm thi đua 2023 đến nay, TAND tỉnh Gia Lai đã tổ chức được 4 phiên tòa trực tuyến; hỗ trợ TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử 11 phiên tòa trực tuyến.

Tăng cường nguồn lực đầu tư cho các phiên tòa trực tuyến

Theo Nghị quyết 33, các vụ án được lựa chọn xét xử trực tuyến là các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, song trong thực tế đã phát sinh khó khăn. Khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức những phiên tòa trực tuyến đầu tiên là nhận thức của người làm công tác tòa án về xét xử trực tuyến, chuyển đổi số. Hầu hết cán bộ, công chức ít am hiểu về công nghệ của lĩnh vực mới này. Đây là những rào cản về mặt tư duy nhận thức, làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, việc tổ chức phiên toà trực tuyến đòi hỏi phải có một hệ thống công nghệ, phương tiện, trang thiết bị hiện đại, chất lượng kết nối tốt để không bị gián đoạn. Tuy nhiên, trên thực tế khi tổ chức phiên toà trực tuyến, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, để triển khai rộng rãi cũng cần có nguồn kinh phí lớn để đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kỹ thuật.

lang-son-1.jpg
Điểm cầu TAND tỉnh Lạng Sơn tham gia Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023

Theo đồng chí Chu Lệ Hường - Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn, ngay từ đầu tháng 1/2022, TAND tỉnh được lựa chọn là điểm cầu thành phần của một trong các phiên toà xét xử trực tuyến đầu tiên trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, TAND tỉnh Lạng Sơn chưa được cấp kinh phí, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho công tác xét xử trực tuyến, nên TAND hai cấp của tỉnh vẫn đang tận dụng những trang thiết bị cũ, mượn các trang thiết bị của đơn vị khác để phục vụ cho việc xét xử trực tuyến, cho nên thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy yêu cầu.

"Để hoàn thiện hơn trong công tác xét xử trực tuyến, Ban Cán sự đảng TAND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị TAND hai cấp mua sắm trang thiết bị để tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33 của Quốc hội. Cùng với đó, TAND các huyện, thành phố cũng đã chủ động đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công hơn các phiên tòa trực tuyến trong năm 2023", Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.

Đề xuất giải pháp khắc phục, Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường đề nghị TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể hơn liên quan đến các vấn đề như: Phối hợp trong thực hiện các thủ tục tố tụng trước khi bắt đầu phiên tòa tại các điểm cầu thành phần, giao nhận bị cáo, xử lý vi phạm tại các điểm cầu thành phần, chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ kỹ thuật ở các điểm cầu thành phần.

Có hướng dẫn đối với các trường hợp đường truyền bị mất tín hiệu trong quá trình xét xử, tuyên án và thời gian bị gián đoạn kéo dài.

Đồng quan điểm, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu cũng cho rằng, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Tòa án. Tổ chức tập huấn cho cán bộ công nghệ thông tin trong việc sử dụng, vận hành hệ thống trực tuyến.

Đặc biệt, giao cụ thể chỉ tiêu xét xử trực tuyến đối với Thẩm phán và đưa vào tiêu chí thi đua để bình xét hằng năm. Khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân tích cực trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương và địa phương để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện phiên tòa trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả xét xử trực tuyến