Chiều 6/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Vật lý 2015 thuộc về nhà khoa học Nhật Bản Takaaki Kajita và nhà khoa học người Canada Arthur B. McDonald nhờ chứng minh rằng các hạt cơ bản (neutrino) có khối lượng
2 nhà khoa học Takaaki Kajita (trái) và Arthur B McDonald. Ảnh: AFP
Trong quá trình nghiên cứu, hai nhà khoa học đã chứng minh được rằng các hạt cơ bản thay đổi "hình dạng" của chúng và các thay đổi này chỉ có thể xảy ra khi hạt cơ bản có khối lượng. Khám phá mới đã khiến giới khoa học phải thay đổi quan điểm từ lâu nay cho rằng, hạt cơ bản không có khối lượng, hoặc có khối lượng rất nhỏ.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, khám phá này đã làm thay đổi hiểu biết lâu nay của con người về cơ chế hoạt động bên trong vật chất và có thể giúp có những chứng minh quan trọng đối với sự nhìn nhận của chúng ta đối với vũ trụ.
Giải Nobel Vật Lý năm ngoái thuộc về hai nhà khoa học Nhật Bản là Isamu Akasaki, Hiroshi Amano và nhà khoa học người Mỹ Shuji Nakamura với phát minh về nguồn ánh sáng mới thân thiện với môi trường và có hiệu suất cao, hay còn gọi là đèn Huỳnh quang đi ốt (LED).
Nobel Vật Lý là giải Nobel thứ hai được trao trong Mùa Nobel 2015, sau khi giải Nobel Y học được công bố trao cho ba nhà khoa học gồm William Campbell người gốc Ireland, Satoshi Omura người Nhật Bản và Youyou Tu người Trung Quốc với công trình nghiên cứu trong điều trị các bệnh do ký sinh trùng gây ra.
Lễ trao giải Nobel của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ diễn ra theo truyền thống vào ngày 10/12 tới tại Stockhom, đúng ngày mất của Alfred Nobel. Chủ nhân của các giải Nobel sẽ nhận giải thưởng trị giá 8 triệu crown Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD).