Giải ngân đầu tư công vẫn chậm, đây là vấn đề kéo dài nhiều năm nên cần tập trung làm rõ vướng mắc để tháo gỡ.
Nội dung được cho ý kiến tại Phiên họp thứ 14, chiều 9/8, UBTVQH cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư; cho ý kiến về điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3).
Báo cáo về dự kiến kế hoạch đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch là 455.909,989 tỷ đồng.
Chính phủ đề nghị điều chỉnh giảm số vốn 3.158,976 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 và 54,97 tỷ đồng vốn đối ứng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn để điều chỉnh tăng tương ứng cho 2 dự án mới chưa báo cáo Quốc hội trong nội bộ của Bộ Giao thông vận tải. Giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án để phân bổ hết số vốn còn lại với tổng số vốn là 355.483,485 tỷ đồng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo quy định.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, về tình hình phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn thì số vốn Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi giao là 455.909,989 tỷ đồng. Tại Tờ trình 256 và Tờ trình 17, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao đợt 3 là 100.426,504 tỷ đồng. Như vậy, số vốn còn lại Chính phủ chưa trình cho ý kiến (sau đợt 3 này) là 355.483,485 tỷ đồng.
Do đó, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, sau hơn 1 năm từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đến nay vẫn chưa hoàn thành việc phân bổ, giao Kế hoạch chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tiến độ giao vốn là chậm, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, phân bổ hết số vốn còn lại theo quy định. Một số ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc giao vốn chậm. Đồng thời, kiên quyết cắt giảm toàn bộ số vốn đến nay chưa phân bổ, điều chuyển cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, còn thiếu vốn để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2021 - 2025.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, nếu sau khi đồng tình với đề xuất của Chính phủ (đợt 3) vẫn còn dư số tiền rất lớn là 355.483,485 tỷ đồng. Với số lượng lớn như vậy thì tập trung ở đâu?
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết gần hết 1 năm đầu thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng không giao được vốn, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp. Vậy nên cần làm rõ vướng chỗ nào để cùng tháo gỡ, song một trong những yếu tố dẫn đến chậm chính là không giao được vốn.
Báo cáo giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tỷ lệ giải ngân 7 tháng qua thấp hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 2% và thực tế nhiều năm nay cả năm dao động ở mức 80 đến 95%, dự đoán năm nay đạt khoảng 92%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có 3 yếu tố mới, đó là: Tháng 7/2021 Quốc hội mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn; giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng rất cao, trung bình 20%, trong khi phần lớn nhà thầu ký theo trọn gói nên họ càng làm càng lỗ, dẫn đến án binh bất động chờ chính sách của Nhà nước thế nào, có cho điều chỉnh đơn giá hay không.
Vấn đề nữa là tâm lý các địa phương e ngại trong xử lý thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư... nên hầu như chậm hơn so yêu cầu; “một số nơi không dám làm” ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung. Chính phủ rất quyết liệt trong xử lý vấn đề này nên thành lập các đoàn đi các địa giải ngân chậm để nắm rõ, đôn đốc, xử lý ngay vấn đề thuộc thẩm quyền; bên cạnh đó là tổ chức 2 hội nghị về đầu tư công; ban hành nhiều chỉ thị, công điện, hướng dẫn… nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Sắp tới, Chính phủ ban hành nghị quyết tháo gỡ ngay một số khó khăn, có các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy giải ngân. Các địa phương cũng cam kết giải ngân hết số vốn được giao, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương bố trí, bổ sung và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (đợt 3) cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện danh mục, mức vốn của từng dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn thiện danh mục dự án, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, bảo đảm việc quyết định giao danh mục, phân bổ vốn cho từng dự án và bổ sung, điều chỉnh (tăng/giảm) kế hoạch đầu tư trung hạn phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Việc bố trí vốn phải tập trung, không phân tán, dàn trải, manh mún, bố trí đủ vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; việc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư của các dự án phải bảo đảm mục tiêu, hiệu quả, hoàn thành dự án đúng tiến độ đã được cấp có thẩm quyền quyết định và cam kết không bổ sung vốn ngân sách Trung ương cho các dự án này trong giai đoạn 2021-2025.