Để thực hiện “giấc mơ” của mình, Trung Quốc phải biết tôn trọng “giấc mơ” của các nước khác, nếu không, rất có thể giấc mơ sẽ trở thành ác mộng. Đó là nhận định của các chuyên gia quốc tế về những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cần tôn trọng “giấc mơ” của các nước khác
"Giấc mơ Trung Hoa", "Phục hưng Dân tộc Trung Hoa" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập trong bài “diễn văn nhậm chức” trước Quốc hội Trung Quốc. Tuy không có nội hàm cụ thể và cũng chẳng có thời hạn để biến giấc mơ thành hiện thực, nhưng “Giấc mơ Trung Quốc” dường như đã trở thành phương châm và mục tiêu nắm quyền của ban lãnh đạo mới Trung Quốc.
Có người cho rằng, “Giấc mơ Trung Hoa” có thể sẽ được phát triển thành học thuyết, để rồi 5 năm hay 10 năm sau nó sẽ được đưa vào Điều lệ Đảng, trở thành tư tưởng chỉ đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với "Lý luận Đặng Tiểu Bình", Tư tưởng "Ba đại diện" của Giang Trạch Dân và Quan điểm "Phát triển khoa học" của Hồ Cẩm Đào.
"Giấc mơ Trung Hoa" được nhắc đến lần đầu khi ông Tập Cận Bình khi đó vừa được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng khái niệm này để khái quát tinh thần phục hưng dân tộc khi đi thăm triển lãm có tên gọi “Con đường phục hưng” tại Bảo tàng quốc gia cùng với 6 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác.
Do không có nội hàm cụ thể, nên có nhiều cách lý giải khác nhau về khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa". Đối với người dân Trung Quốc, “Giấc mơ Trung Hoa” có thể được hiểu là giấc mơ về cuộc sống khá giả, trong đó con người được hít thở không khí sạch, được uống nước sạch, ăn thức ăn sạch, tất cả trẻ em đều được đến trường, người lao động có việc làm, người ốm được chữa bệnh.., là giấc mơ về xã hội dân chủ, văn minh hơn…
Tuy vậy, nhiều nhà nghiên cứu và phân tích quốc tế thì lại cho rằng “Giấc mơ Trung Hoa” chính là giấc mơ vươn tới vị thế siêu cường thế giới, thậm chí là giấc mơ bá quyền…
Ông Gerhard Will
Bắt đầu từ năm 2010, khu vực Châu Á-TBD đánh dấu sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng việc GDP của Trung Quốc vượt Nhật Bản đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Cùng với tăng trưởng GDP là sự tăng sức mạnh quân sự với chi tiêu quốc phòng hàng năm 2 con số. Đương nhiên, khi có tiền và sức mạnh là chủ nghĩa dân tộc đại Hán, sô vanh nước lớn, mộng bá quyền trỗi dậy. Giấc mơ Trung Hoa thực chất là biến Trung Quốc thành một cường quốc biển, hất lực lượng Hải quân Mỹ và ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi vùng Hoa Đông, Biển Đông đến tận Guam, chia sẻ quyền lực với Mỹ trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Trong giấc mơ đó thì thống trị Biển Đông hay chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông như bản đồ “đường lưỡi bò” đã đưa ra là then chốt, là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Trung Quốc và được coi như là “giấc mộng vàng”.
Trên The Diplomat, trong bài “Tại sao các nước láng giềng chán ghét Trung Quốc?”, Tiến sĩ Yang Hengjun - một học giả Trung Quốc từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hiện là thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington - cho rằng, người Trung Quốc cần phải suy nghĩ về lý do tại sao “lời nói và hành động” của họ rất đáng sợ đối với các nước khác.
Bài báo viết: Cụm từ “Giấc mơ Trung Hoa” được ông Tập Cận Bình đưa ra trong diễn văn đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước vào tháng 3/2013 và mới đây là trong thông điệp đầu năm 2014. Bằng việc khởi xướng, quảng bá khái niệm đó, ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc tiến hành “công cuộc phục hưng vĩ đại” để đưa quốc gia này thành một siêu cường, giàu về kinh tế và mạnh về quân sự. Nhưng với những động thái hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc gần đây, như dùng sức mạnh để đòi hỏi, áp đặt chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, xem ra mọi chuyện không như ông Tập Cận Bình nói vì chưa nói đến việc tôn trọng “giấc mơ” riêng của các nước khác. Trung Quốc càng ngày càng vi phạm hay cướp đi các quyền lợi rất căn bản, thiết thực, chính đáng của các nước láng giềng được luật pháp quốc tế hiện hành công nhận.
Trong mắt của người dân ở nhiều quốc gia khác, cái gọi là sự “trỗi dậy hòa bình” thực ra là một Trung Quốc mạnh đang chuẩn bị thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và sẽ bắt nạt các nước yếu hơn, nhỏ hơn.
Tham vọng viển vông
Trả lời báo chí tại Hội thảo “Hoàng Sa- Trường Sa: Sự thật lịch sử” diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, ông Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á và châu Á của quỹ Khoa học và Chính trị thuộc Viện Chính trị và An ninh Quốc tế Đức cho rằng, việc giải quyết căng thẳng trên Biển Đông cần một cách tiếp cận thông qua đồng thời nhiều giải pháp. Đầu tiên là việc củng cố luật pháp quốc tế, sau đó các bên cần đạt được thỏa thuận về việc cùng quản lý các nguồn tài nguyên tự nhiên và cuối cùng là việc cần xây dựng một cấu trúc an ninh trên Biển Đông.
Ông Gerhard Will cho rằng Việt Nam cũng nên làm như Philippines (khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế). Tài liệu của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc rất dày dặn và có đầy đủ các căn cứ về mặt pháp lý. Điều đó cho thấy nước này đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho vụ kiện này và đã tham vấn rất nhiều các chuyên gia hàng đầu. Đây cũng là lý do vì sao Trung Quốc lại e ngại đến vậy. Theo ông Gerhard Will, Trung Quốc đã nhận ra rằng, nếu ra Tòa thì họ không có đủ những chứng cứ vững chắc như Philippines.
Bình luận về những hành động gần đây của phía Trung Quốc, ông Gerhard Will cho rằng, Trung Quốc đang tự mâu thuẫn với bản thân khi tính toán đến lợi ích của mình. Một mặt họ muốn mở rộng lãnh thổ một cách trái phép khi đưa ra tuyên bố đường 9 đoạn. Mặt khác, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc lại mong muốn tiến hành một “sự trỗi dậy hòa bình” nhằm giành được sự ủng hộ của các nước láng giềng trong khu vực để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại và hai điều này thường không đi liền với nhau.
Không thể dùng vũ lực để thực hiện cái gọi là sự “trỗi dậy hòa bình”
Ông Gerhard Will nói: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường nói về “giấc mơ Trung Hoa”. Theo tôi, người Trung Quốc chọn từ "giấc mơ" bởi vì thường trong giấc mơ mọi thứ dù trái ngược đến đâu cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi “tỉnh giấc”, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng mình cần phải có một quyết định rõ ràng nếu không thì “giấc mơ Trung Hoa” sẽ trở thành ác mộng.
Trung Quốc không thể cùng một lúc muốn trở thành một siêu cường về quân sự và dùng sức mạnh quân sự này để áp đặt các tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, một mặt lại muốn trở thành một nền kinh tế mạnh với các mối quan hệ kinh tế với nhiều nước khác. Đây chính là mâu thuẫn trong suy nghĩ của Trung Quốc và họ cần phải biết rằng mình cần gì nhất.
Một điều đáng chú ý nữa là Trung Quốc nói rằng họ muốn khai thác dầu trong khu vực mà họ ngang nhiên tuyên bố là của mình nhưng họ không hề tiến hành bất kỳ một hoạt động khai thác thực sự nào. Thay vì thế, họ dồn tiền để đưa hàng loạt các máy bay, tàu hải quân và nhiều loại tàu khác đến khu vực này để bảo vệ giàn khoan của họ. Số tiền chi cho các hoạt động này thừa đủ để Trung Quốc mua dầu trên khắp thế giới.
Những hành động của Trung Quốc không hề cho thấy sự logic về khía cạnh kinh tế. Chính vì thế, việc Trung Quốc cần làm là phải xác định rõ được lợi ích cụ thể của mình ở Biển Đông và sớm đưa ra quyết định của mình chứ không phải là cứ mơ mộng viển vông.