Sau khi xảy ra các vụ ngộ độc tại các khu công nghiệp mà nguyên nhân chủ yếu được xác định từ bếp ăn của công nhân, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế).
PV: Thưa Tiến sỹ, thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Mới đây, tại Bắc Giang đã xẩy ra ngộ độc thực phẩm ở Công ty Thịnh Phát Ocean làm 40 công nhân phải nhập viện. Vậy, phải chăng đang có sự buông lỏng quản lý và chưa có một chế tài cụ thể quy định tiêu chuẩn cho các khu bếp ăn tập thể dành cho công nhân?
Tiến sỹ Lâm Quốc Hùng. Ảnh: Duy Ngợi
TS Lâm Quốc Hùng: Hiện nay, cả nước có 256 khu công nghiệp lớn nhỏ rải rác trên 61 tỉnh thành, đã tạo công ăn việc làm chính thức cho khoảng 1,5 triệu công nhân, việc làm thêm cho khoảng 1,2 triệu người. Mặc dù số lượng lớn, nhưng cơ chế giám sát cũng vô cùng chặt chẽ, không hề buông lỏng quản lý, tất cả đều có sự phân cấp, quy trách nhiệm để các bộ phận hoạt động tốt, hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, tránh những trường hợp đáng tiếc xẩy ra.
Về mặt chế tài, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2013/NĐ – CP ngày 14/11/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã nêu rất rõ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, quy định về hình thức, mức xử phạt. Đây có thể nói là một chế tài rõ ràng và đủ mạnh để răn đe, quản lý các khu công nghiệp thực hiện đúng chức trách trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
PV: Thưa Tiễn sỹ, nếu đã có một chế tài chặt chẽ như thế, tại sao việc ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp vẫn diễn ra?
TS Lâm Quốc Hùng: Việc ngộ độc ở các khu công nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể là do quy trình nấu nướng không đảm bảo, nguồn thực phẩm không được bảo quản tốt, hoặc có thể là bắt đầu từ khâu trồng trọt… lượng vi sinh vật có hại gây độc tố chiếm khoảng 40%, còn lại nguồn độc do hóa chất: Thuốc sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích đưa vào. Trên dưới 30 % không xác định được nguyên nhân.
Hơn nữa có những bếp ăn lớn, nấu một lúc cho 15 – 20 – 30 nghìn suất ăn nên cực kỳ khó kiểm soát phát hiện. Nhà bếp khó định lượng dẫn đến thức ăn dư thừa.
PV: Thưa Tiến sỹ, với số lượng suất ăn lớn như thế, liệu chất lượng bữa ăn có được đảm bảo?
Tiến sỹ Lâm Quốc Hùng: Giá trị của bữa cơm công nhân đang là vấn đề thách thức, vì doanh nghiệp chỉ hỗ trợ chứ không trả tiền ăn. Trước đây một suất cơm công nhân dao động từ 5 – 7 ngàn đồng, hiện nay hầu hết cũng chỉ tăng lên từ 12 – 15 ngàn đồng. Do đó, chất lượng bữa ăn công nhân đang là vấn đề được chúng tôi quan tâm, nghiên cứu tìm cách nâng cao.
Mỗi suất cơm công nhân có giá từ 12 - 15 ngàn đồng.
PV: Tiến sỹ đánh giá thế nào về số lượng công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp vừa qua?
TS Lâm Quốc Hùng: Tại các khu công nghiệp, số lượng công nhân ngộ độc thực phẩm khoảng 12 – 18 vụ/năm, chiếm 35 – 40%. Năm 2014, số lượng ngộ độc đang có dấu hiệu gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 3/12 vụ và có xu hướng chuyển dịch về các tỉnh phía Bắc. Trước đây, đa số vụ ngộ độc được tập trung ở miền Nam. Mặc dù có dấu hiệu gia tăng, nhưng nhờ phát hiện, cứu chữa kịp thời nên số người tử vong là không có.
PV: Thưa Tiến sỹ, khi có ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp xẩy ra, Cục đã làm gì để trấn an tinh thần công nhân giúp họ quay trở lại với công việc?
TS Lâm Quốc Hùng: Khi nhận được tin báo, chúng tôi khẩn trương triển khai cử người xuống chỉ đạo, hỗ trợ tất cả những gì có thể để tránh thiệt hại về người, sau đó điều tra thật kỹ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm, kỷ luật người có liên quan, đồng thời thăm nom động viên công nhân, giúp họ ổn định tinh thần tiếp tục quây về với công việc. Sức khỏe của công nhân là sự quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi cũng kiên quyết thẳng tay xử lý đối với những khu công nghiệp để xẩy ra ngộ độc thực phẩm.
Năm 2000, chúng tôi đã xây dựng các giải pháp huấn luyện cho 61 tỉnh thành. Lập các tổ cơ động, trang bị đầy đủ thiết bị kiểm tra, kiểm định chất lượng thực phẩm, thiết bị cấp cứu khi có ngộ độc xẩy ra. Trên thực tế chúng tôi đã làm tốt công tác trên ở 31 tỉnh thành phái Bắc, 1 tỉnh phía Nam và sẽ triển khai đồng bộ trên toàn quốc.
PV: Xin cảm ơn Tiến sỹ.