Đối tượng đăng tải hình ảnh "Giấy xác nhận nằm viện" cùng nhiều nội dung giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, đầu tháng 2, một tài khoản mạng xã hội đăng thông tin trong nhóm Chợ Tuyên Quang Online kêu gọi quyên góp từ thiện giúp đỡ bệnh nhi phẫu thuật não.
Bài viết kêu gọi trên hội nhóm được bệnh viện cảnh báo là lừa đảo. Ảnh: BVCC
Tài khoản này còn đăng tải hình ảnh giấy "xác nhận nằm viện" thể hiện do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp với nội dung: Bệnh nhân có tên là Hoàng Trọng Hà, sinh năm 2015. Người thân là Hoàng Công Trường.
Bệnh nhân nhập viện ngày 5/2/2023, được chẩn đoán máu bầm trong não, hôn mê lúc nhập viện. Phương pháp điều trị Phẫu thuật lấy máu bầm; chi phí phẫu thuật 20 triệu đồng, đã tạm ứng 15 triệu đồng. Cuối bài viết là số điện thoại gia đình và số tài khoản nhận ủng hộ.
Bài viết sau khi được đăng tải đã nhận nhiều sự quan tâm của các thành viên mạng xã hội.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang xác minh, khẳng định thông tin bài viết là sai sự thật, không có bệnh nhi nào đang điều trị với tên tuổi và tình trạng bệnh lý như trên.
Đại diện bệnh viện cũng cho biết, không cung cấp giấy xác nhận nằm viện như trong ảnh, chữ ký của giám đốc và con dấu bệnh viện là giả mạo. Đơn vị này chuyển vụ việc đến cơ quan chức năng để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo.
Trước đó, Báo Công lý đã đăng tải thông tin các đối tượng trục lợi bằng cách làm giả giấy tờ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, sau đó đăng tải lên mạng xã hội để quyên góp tiền chữa bệnh.
Tình trạng tài khoản mạng xã hội giả mạo thông tin và hình ảnh bệnh nhân, giả trang web của bệnh viện, mạo danh bác sĩ, để kêu gọi quyên góp từ thiện nhưng bỏ túi riêng, hoặc bán thuốc thu lợi bất chính, xảy ra nhiều trong những năm qua. Các bệnh viện thường xuyên cảnh báo tình trạng này, tuy nhiên hiện chưa có các biện pháp chế tài hay can thiệp pháp luật.
Trước thực trạng trên, các bệnh viện khuyến cáo, để tránh đặt lòng tốt không đúng chỗ, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội, không để các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các nhà hảo tâm nên liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để xác định chính xác thông tin hoặc ủng hộ, đóng góp tiền, vật chất tại các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, quỹ xã hội được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.