“Già hút thuốc lá từ lúc 9-10 tuổi. Đến năm 36 tuổi già bỏ hẳn. Để bỏ được không phải là dễ nhưng cũng không phải là quá khó. Chỉ cần mình có ý chí, nghị lực, đặt ra mục tiêu cho bản thân hàng ngày. Ngoài ra, thời gian đầu lúc nào cũng phải nghĩ đến việc bỏ thuốc thì mình sẽ làm được”. Đó là lời tâm sự của già Ksor Preo, người có uy tín tại thôn Drok, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.
Ghi chữ, treo bảng… quyết tâm bỏ thuốc!
Nói chuyện với chúng tôi về công tác “phòng, chống tác hại của thuốc lá”, đồng chí Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai nhắc ngay tới già Kror Preo, người có uy tiến trên địa bàn. Già là một tấm gương sáng ở thôn Drok không chỉ trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư mà còn là một người từ “nghiện thuốc lá” đến lúc từ bỏ và tuyên truyền, vận động con cháu trong nhà, trong thôn tránh xa khói thuốc.
Sau khi liên hệ được với già Kros Preo, trao đổi lịch hẹn, phóng viên vượt hơn 70km từ TP. Pleiku đến với thôn Drok, xã Chư A Thai để tìm hiểu về quá trình bỏ thuốc của già cũng như việc vận động bà con thôn bản làm theo mình.
Già Kros Preo (SN 1948) cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên ở mảnh đất huyện Phú Thiện đầy nắng gió, đời sống kinh tế thủa thiếu thơ rất cực khổ. Vì vậy, vào những năm 1957, 1958, lúc đó già 9 - 10 tuổi, thấy các cụ già cuốn lá thuốc vào lá chuối để hút và nhả ra khói nên già đã cùng với bạn bè trong làng rủ nhau lên nương, rẫy đi tìm loại lá đó để cuộn vào hút thử. Cứ thế, già nghiện thuốc lá lúc nào không hay.
“Già hút thuốc đến năm 1984 thì đoạn tuyệt hẳn. Thời đỉnh điểm, có ngày già hút 2 gói. Nếu tiếp khách có ngày lên đến 3 gói. Nhiều lúc, tiền mua gạo không có nhưng tiền mua thuốc phải kiếm cho bằng được. Cùng với đó, khói thuốc lá rất độc khiến cho già suốt ngày đau ốm nên phải đi khám sức khỏe liên tục. Cuộc sống gia đình vì thế trở nên khó khăn”, già Kros Preo tâm sự.
Già cho biết, kể từ khi bỏ thuốc đến nay, sức khỏe tốt hơn hẳn, đau ốm vặt cũng vì thế ít đi. Dù đã 86 tuổi, nhưng già vẫn tham gia lao động, làm việc bình thường. Gia đình già cũng đã xây dựng được ngôi nhà khang trang để ăn ở và sinh hoạt.
Khi được hỏi điều gì để một người “nghiện thuốc lá nặng” như già từ bỏ khói thuốc, già Kros Preo cho biết, để bỏ được thuốc lá không phải dễ, nhưng cũng không phải là quá khó. Chỉ cần mình có quyết tâm, có ý chí và nghị lực cùng với sự quan tâm, động viên của gia đình thì mọi chuyện sẽ làm được.
“Khi đã quyết tâm bỏ, già lấy một tấm bảng, ghi dòng chữ “Tôi không hút thuốc” rồi treo ở đầu giường, phòng ăn, những nơi mà mình dễ nhìn thấy. Lúc mới bỏ, cũng thèm lắm, nhưng già tự hứa với chính mình: “Nếu tôi không đoạn tuyệt được với thuốc lá, tôi là người hèn kém”. Vì vậy, những lúc đó, già ra tiệm tạp hóa, mua ít kẹo bạc hà về ngậm. Ngoài ra, gia đình luôn ủng hộ về tâm lý, động viên già “hãy cố lên, sẽ chiến thắng được thuốc” - già Ksor Preo nhớ lại thời điểm bắt đầu cai thuốc.
Già cho biết thêm, bỏ thuốc ở nhà đã khó, bỏ ở ngoài xã hội càng khó hơn. Bởi thời bấy giờ mọi người trong thôn từ cụ ông đến cụ bà thường hay mời nhau điếu thuốc, ly trà. Vậy nên, một mặt trong lòng già phải hạ quyết tâm nói không với thuốc lá, mặt khác già mỉm cười chào mọi người rồi tìm một góc nào đó để ngồi hoặc đi ra chỗ khác.
“Từ xa xưa, đồng bào đã có thói quen hút thuốc. Cứ nhà ai có công việc, từ đám cưới đám hỏi, ma chay hiếu hỉ cho đến thôi nôi, đầy tháng, cúng giỗ tổ tiên… thì kiểu gì cũng phải chuẩn bị vài cây, vài tút thuốc. Góc nào, bàn nào, chiếu nào cũng có người hút. Mình phải quyết tâm lắm mới cai được. Vì những lúc như thế, người này người kia vẫn hay mời mọc kiểu “hút cho vui”, “hút vài điếu có sao đâu”… Già chỉ cần tặc lưỡi, nể nang rồi hút một vài điếu là bao công sức, quyết tâm của mình “đổ sông đổ biển”, già Ksor Preo cười bảo.
Và cũng chính vì cái quyết tâm, nghị lực ấy mà già Ksor Preo đã cai thuốc lá thành công. Suốt 40 năm nay, già không hề hút lại lần nào, dù chỉ là một vài hơi thuốc.
Trở thành người có uy tín trong cộng đồng
Được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, những năm qua đời sống của bà con nhân dân xã Chư A Thai nói chung và thôn Drok nói riêng đang từng bước “thay da, đổi thịt”. Những ngôi nhà lụp xụp từng bước nhường chỗ cho những ngôi nhà mới khang trang; đường đất lầy lội được “khoác lên những bộ áo mới” bê tông sạch, đẹp.
Già Ksor Preo chia sẻ: “Ngày xưa, có những thời điểm đám thanh niên xem việc hút thuốc lá là “thời thượng”, là cách thể hiện, chứng minh “bản lĩnh” và độ ăn chơi của mình. Thế nhưng những năm gần đây, nhờ chính quyền và các cơ quan đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động, cộng với chuyện lớp trẻ được học hành, trình độ hiểu biết được nâng cao nên số thanh thiếu niên tìm đến thuốc lá rất ít.
Bây giờ mọi người trong thôn, ai nấy đều hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thế nhưng “cẩn thận không thừa”, già vẫn thường xuyên nhắc nhở, giải thích cho con cháu trong gia đình, trong thôn biết được tác hại của thuốc lá để tránh xa khói thuốc”.
Ngoài ra, với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, già Ksor Preo còn đóng góp rất nhiều công sức trong việc đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn để tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản nâng cao ý thức phòng chống tội phạm, giáo dục con em, người thân trong gia đình, dòng họ mình không phạm tội, chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế…
Trong những buổi họp thôn, họp bản, già cũng thường xuyên vận động con cháu, thanh niên trong bản cần tránh tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Già bảo: “Phụ nữ kết hôn chưa đủ 18 tuổi, nam chưa đủ 20 tuổi; kết hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ giống như chọn giống ngô, giống lúa; bắp ngô, bông lúa chưa chín, chưa khô vàng, đang còn tươi xanh thì khi gieo trồng sẽ không nảy mầm hoặc nảy mầm sẽ yếu ớt. Con người cũng vậy, nếu kết hôn chưa đủ tuổi, cơ thể người phụ nữ chưa đủ sức dưỡng sinh một đứa trẻ ra đời, khi sinh ra sẽ còi cọc, con không to cao bằng cha, cha không to cao bằng ông, làm cho thế hệ con cháu nhỏ dần, lùn đi”...
“Mưa dầm thấm đất”, những lời khuyên của già dần ngấm vào đầu lớp trẻ. Nhờ vậy, vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở thôn Drok nói riêng và xã Chư A Thai nói chung dần bị đẩy lùi, xóa bỏ. Cùng với việc tuyên truyền xóa bỏ nạn tảo hôn, già cũng thành công trong việc vận động các gia đình tổ chức cưới xin, tang ma theo nếp sống văn hóa mới và tích cực bảo tồn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp,
“Giữ gìn văn hóa, bản sắc của dân tộc mình là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, nó không chỉ lưu giữ được những giá trị truyền thống, tránh được nguy cơ thất truyền, mà điều quan trọng hơn nữa là những giá trị ấy sẽ được neo giữ trong những tâm hồn trẻ, để mai này song hành cùng họ đi đến tương lai. Thế nên già vẫn luôn căn dặn con cháu không thể quên những phong tục tập quán, những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”, già Ksor Preo tâm sự.
Ông Siu Tinh - Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết: “Già Ksor Preo là người có uy tín, công dân gương mẫu, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và các quy định của địa phương.
Trong thời gian qua, già đã tích cực cùng với hệ thống chính trị thôn tham gia vận động, tuyên truyền người dân trong phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh trật tự tại thôn làng; vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như thực hiện, tổ chức đám cưới, đám ma theo nếp sống mới; vận động người dân, nhất là lớp trẻ nói không với thuốc lá; nói không với các tệ nạn xã hội…
Có thể nói, những già làng, trưởng bản, người có uy tín như già Ksor Preo có vai trò hết sức quan trọng. Bởi họ chính là “cánh tay nối dài” giữa chính quyền với nhân dân”.
Được biết, với những cống hiến, đóng góp tích cực cho thôn làng, già Ksor Preo được tặng thưởng nhiều Bằng khen, giấy khen từ xã đến huyện, tỉnh trong việc phát triển kinh tế; xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư…