Năm 2007, anh Trần Việt Hà có nhận khoán trồng và chăm sóc rừng của công ty MDF Gia Lai thông qua Đội trồng và QLBVR Mang Yang (Bên A) do ông Nguyễn Cường Quốc (Đội trưởng), cùng với kế toán đội ký kết với anh (Bên B).
Theo đó, một chu kỳ được tính từ năm 2007 đến năm 2014. Hai biên bản được lập ra là: biên bản giao khoán rừng trồng năm 2007 ký vào ngày 8/9/2007; và biên bản giao khoán rừng trồng ký ngày 10/9/2007. Các điều khoản giao nhận khoán rất rõ ràng, nếu như bên nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng tốt, vượt sản lượng thì sẽ được hưởng lợi, còn nếu không đạt sản lượng như đã ký kết trong biên bản thì phải tự bỏ tiền ra để bù vào, và khi khai thác thì phải có cả hai bên A và B để một bên khai thác và một bên kiểm tra, giám sát. Nhưng không hiểu vì lý do gì, khi công ty khai thác lại không thông báo cho anh biết?.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của anh Hà thì việc công ty MDF Gia Lai ngang nhiên thu hoạch cây trên phần diện tích mà anh nhận khoán đã gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của gia đình anh. Nhiều lần anh yêu cầu làm việc nhưng công ty chỉ làm việc cho có lệ, đơn cử như gần đây nhất là vào ngày 30/12/2014 sau khi anh khiếu nại, phía Công ty có mời xuống trụ sở công ty để làm việc. Trực tiếp là ông Phạm Văn Quế (Phó Giám đốc thường trực của công ty) chủ trì buổi làm việc hôm đó. Nội dung, nói về việc ăn chia phần nhận khoán giữa hai bên. Theo đó, bên công ty đưa ra các mức giá để trả cho anh như là đang “cò kê” mua bán một bó rau ngoài chợ vậy. Từ 18.306.994 đồng lên 33.974.676 đồng rồi lại thành 43.302.108 đồng nhưng tất cả các mức giá đó, anh đều không đồng ý với lý do là số tiền không xứng đáng với mồ hôi và công sức bao năm. Tổng tất cả số tiền mà phía Công ty chưa thanh toán cho anh Hà là 311.331.661 đồng (công thức tính theo biểu mẫu mà trước đây Công ty đã đưa ra).
Được biết, sự việc khởi nguồn vào năm 2011, Công ty MDF Gia Lai thuyên chuyển anh xuống Kông Chro. Thời gian này, vì con gái bị bệnh, đi viện liên tục tại Bệnh viện Nhi Đồng I. Anh xin được ở lại Mang Yang tiếp tục công tác cho gần nhà tiện bề chăm sóc con, nhưng công ty vẫn một mực muốn thuyên chuyển anh xuống Kông Chro. Điều đó buộc anh phải làm đơn xin nghỉ việc.
Công ty MDF Gia Lai
Ngày 25 tháng 7 năm 2011, tại biên bản đối chiếu công nợ, bàn giao rừng trồng do Đội TR & QLBVR Mang Yang (đại diện là ông Nguyễn Cường Quốc: Phụ trách Đội; ông Trần Ngọc Thiên: Đội phó; bà Võ Thị Cẩm Viên: Thống kê Đội) và anh Trần Việt Hà đã đi đến thống nhất và ký kết như sau: “Đến ngày 25/7/2011 ông Hà đã nhất trí bàn giao lại diện tích rừng mà Đội đã giao cho cán bộ giám sát nhận bảo vệ rừng trước đây (rừng 2008:40,3ha; rừng 2009:12,4ha, rừng 2010:48,4ha) cho Đội tiếp tục quản lý bảo vệ. Riêng diện tích nhận khoán rừng 2007:165,4ha ông Hà vẫn tiếp tục thực hiện theo biên bản giao nhận khoán ngày 10 tháng 9 năm 2007. Diện tích này Đội vẫn quản lý chung theo quy định hiện hành của công ty…”. Qua đó, tất cả mọi người đều thấy được là diện tích mà anh Hà đã nhận khoán năm 2007 giờ vẫn tiếp tục thực hiện theo biên bản giao nhận khoán. Mọi quyền lợi và trách nhiệm vẫn không có gì thay đổi.
Sau khi nhận được đơn thư về việc công ty MDF cố tình chiếm đoạt tiền của dân, chúng tôi đã xuống trực tiếp công ty MDF Gia Lai, có trụ sở tại Thị xã An Khê trình giấy giới thiệu ra để đăng ký làm việc với lãnh đạo. Tại đây, ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng phòng Tổ chức hành chính cho biết: “Đây là việc dân sự giữa anh Hà và công ty, nếu mà chưa thỏa đáng có thể ra Công an, ra Tòa còn anh muốn viết bài vở thì cứ theo đơn anh Hà mà viết, chứ… lãnh đạo tôi không đồng ý tiếp phóng viên”..
Cho đến nay, bệnh tình con gái anh Hà vẫn còn tiếp diễn, nhưng anh không hiểu vì sao Công ty mà anh đã bao nhiêu năm tâm huyết nay lại có những hành động vô lý như vậy. Ai và cơ quan nào sẽ đứng ra giải quyết nỗi bức xúc và trả lại công bằng cho vợ chồng anh Trần Việt Hà?