Tổng Cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016
Tại cuộc họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 diễn ra sáng 29/6, Tổng cục Thống kê cho biết CPI tháng 6/2017 tiếp tục giảm 0,17% so với tháng trước, trong đó 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI giảm: Nhóm giao thông giảm 0,71% chủ yếu do điều chỉnh giảm giá xăng, dầu tại thời điểm 20/6/2017 làm giá nhiên liệu giảm 1,47%, tác động làm CPI giảm 0,06%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,59%, trong đó lương thực giảm 0,51% do lượng cung dồi dào; thực phẩm giảm 0,85% chủ yếu do giá thịt tươi sống giảm, tác động làm CPI giảm 0,19%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,53%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; giáo dục tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; may mặc, giầy dép, mũ nón và hàng hóa và dịch vụ khác cùng tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 6/2017 tăng 0,2% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm là do giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính bước 2 (có tiền lương) tại 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng đó là Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.
Theo đó, giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 23,43% so với cuối năm 2016 làm cho chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2017 tăng khoảng 0,91% so với thời điểm cuối năm trước.
Cùng với nguyên nhân từ giá dịch vụ y tế, việc một số địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Đồng thời, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm làm chỉ số giá xuất, nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 6 năm 2017 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,29% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2017 lạm phát cơ bản là 1,52% thấp hơn mức kế hoạch 1,6%-1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.