Ghép thận thành công cho 2 bệnh nhân suy thận mạn

Chí Tâm| 24/06/2020 15:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã ghép thận thành công cho 2 bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Điều này cho thấy bước phát triển của ngành y tế địa phương trong lĩnh vực ghép tạng.

Ngày 24/6, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đã ghép thận thành công cho hai bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

Bệnh nhân thứ nhất là ông T.R. (SN 1959, trú phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã chạy thận nhân tạo 4 năm rưỡi. Bệnh viện vào viện ngày 11/5 và được thực hiện ghép thận vào ngày 28/5. Người cho thận không cùng huyết thống với bệnh nhân.

Bệnh nhân thứ 2 là anh T.T. L. (SN 1983, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã chạy thận tạo 10 năm. Bệnh nhân vào viện ngày 11/5 và được thực hiện ghép thận vào ngày 29/5. Người cho thận là cha ruột của bệnh nhân.

Cả 2 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, ngoài ra còn bị suy tim, thiếu máu, không đi tiểu được, huyết áp cao.

Ghép thận thành công cho 2 bệnh nhân suy thận mạn

Bệnh viện Đà Nẵng đã tự chủ hoàn toàn trong việc ghép thận.

Sau khi trải qua các bước sàng lọc và xét nghiệm, có kết quả thận tương hợp có thể hiến cho 2 bệnh nhân, bệnh viện tiến hành hội chẩn các ê kíp, hội đồng ghép thận bệnh viện và quyết định phẫu thuật ghép thận cho 2 bệnh nhân. 

Sau hơn 1 tuần thực hiện ghép thận, tình trạng sức khỏe 2 bệnh nhân ổn định, ăn uống được, các thông số và chức năng thận tiến triển tốt, những chỉ số xét nghiệm bình thường, bệnh nhân tiểu được 3-4 lít/ngày.

Hiện, cả 2 bệnh nhân sức khỏe ổn định và đã được xuất viện. 2 người hiến thận tình trạng sức khỏe tốt, chức năng thận bình thường và đã được ra viện trước đó.

Theo TS.BS Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng ghép tạng Bệnh viện Đà Nẵng, trong 2 ca ghép, có một cặp ghép khó (bệnh nhân T.R) với nhiều tình trạng bệnh kèm như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường, viêm gan C, suy tim, hẹp niệu đạo nên cácê-kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức phải tập trung cao độ trong phẫu thuật và theo dõi, kiểm tra chặt chẽ sau phẫu thuật.

Cũng theo TS Nhân, từ năm 2015, chương trình ghép thận được tái khởi động tại Bệnh viện Đà Nẵng với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Đến năm 2018, các ê-kíp của Bệnh viện Đà Nẵng đã tự chủ hoàn toàn trong việc ghép thận.

Để thận ghép cũng như cơ thể được khỏe mạnh, sau ghép thận, bệnh nhân phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, phải uống thường xuyên, đúng liều, đúng thời điểm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu không sẽ gây thải ghép, nhiễm trùng, ngộ độc thuốc hoặc các biến chứng khác.

Ngoài ra, bệnh nhân nên tái khám định kỳ và thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ sau ghép; theo dõi xét nghiệm nồng độ thuốc, theo dõi chức năng thận và thăm khám lâm sàng để chắc chắn rằng thận ghép hoạt động bình thường. Bệnh nhân cũng cần thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh như: Chế độ ăn, tập thể dục và giảm cân khi cần thiết để cải thiện một số yếu tố nguy cơ tim mạch, đái tháo đường sau ghép, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghép thận thành công cho 2 bệnh nhân suy thận mạn