Đời sống

Gặp người tham gia tiếp quản ngân khố chính quyền Sài Gòn

Văn Kỳ 30/04/2023 07:30

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, mỗi lần nhắc đến kỷ niệm, trong ông lại ùa về niềm tự hào. Ông là chứng nhân lịch sử, người trực tiếp kiểm đếm ngân khố, tiếp quản kho dự trữ lương thực quốc gia của chính quyền Sài Gòn, ngày 30/4/1975.

1-18-.jpg
Ông Duyệt và Bản kiểm kê vàng, bạc, tiền tại Ngân hàng Sài Gòn.

Ông là Hoàng Minh Duyệt, nguyên cán bộ đơn vị C282.Q- Công an nhân dân vũ trang, được biệt phái vào Ban Kinh Tài R- Trung ương cục miền Nam làm nhiệm vụ tiếp quản Sài Gòn ngày 30/4/1975. Sau giải phóng, ông tiếp tục ở lại thành phố và làm việc cho đến khi về hưu.

Được hẹn trước, ông niềm nở đón chúng tôi trong căn phòng giản dị tại phường 14, quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) nơi ông và vợ đang an bình sống cùng con cháu.

Bước sang tuổi 77, ông vẫn khỏe mạnh, hoạt bát và minh mẫn. Khi nhắc tới thời khắc tháng Tư lịch sử 48 năm trước, ông hứng khởi: “Nói đến việc tiếp quản Sài Gòn thì có nhiều đơn vị mang nhiều nhiệm vụ khác nhau. Tôi và đơn vị may mắn được lựa chọn để tham gia vào sự kiện lịch sử đó”.

Sinh ra tại Hà Tĩnh, được học tập và đào tạo bài bản, lớn lên ông tham gia lực lượng Công an nhân dân vũ trang, được đào tạo đặc công, tham gia chống biệt kích vùng miền Trung. Với kinh nghiệm, trình độ, năm 1974, ông và đơn vị được lệnh tập kết ra Bắc để làm nhiệm vụ.

“Tôi và anh em đơn vị không biết chúng tôi đang chuẩn bị cho một nhiệm vụ tối mật trong một thời khắc lịch sử”, ông nói. Tại đây, các đơn vị được huấn luyện và quán triệt tinh thần sẽ vào Nam tham gia chiến dịch mùa Xuân năm 1975 giải phóng, thống nhất đất nước. Nôn nao, hồ hởi, chàng trai Hoàng Minh Duyệt sẵn sàng cho nhiệm vụ cấp trên giao phó.

Cuối tháng 12/1974, sau thời gian huấn luyện, đơn vị của ông được lệnh xuất phát từ huyện Chương Mỹ (Hà Nội) hành quân vào Quảng Bình, nơi tập kết để chuẩn bị tiến vào Nam. Sau một tuần, đơn vị tiếp tục hành quân theo đường Hồ Chí Minh vào đóng quân tại Tây Ninh. Hướng tiếp cận Sài Gòn từ phía Tây, lệnh cấp trên là chuẩn bị sẵn sàng hành quân về tiếp quản Sài Gòn.

Ông bồi hồi nhớ lại: “Tây Ninh lúc đó là vùng lửa giữa ta và địch vẫn giao tranh, nhưng điều lạ là đơn vị chúng tôi không được tham gia trận đánh nào. Anh em ai cũng nôn nao, xin được cầm súng tham gia đánh trận. Nhưng cấp trên không cho biết cụ thể là nhiệm vụ gì, chỉ bảo rằng chúng tôi sẽ tham gia một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”.

Một ngày cuối tháng 4/1975, đơn vị bất ngờ có lệnh xuất phát. Tức tốc thu dọn quân trang, ông và đồng đội lên đường tiến vào Sài Gòn qua ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) ngày nay. Đến Sài Gòn lúc này cấp trên mới cho biết, đơn vị của ông sẽ tham gia tiếp quản, bảo vệ kho ngân khố tại Ngân hàng Quốc gia Sài Gòn và hệ thống ngân hàng thương mại tại Sài Gòn, cùng kho dự trữ lương thực quốc gia Sài Gòn (kho Tồn Trữ thuộc cầu Rạch Chiếc, TP. Thủ Đức ngày nay).

Đó là nhiệm vụ hết sức lớn lao, bởi những ngày cuối tháng Tư, hệ thống tổ chức chính quyền Sài Gòn tan rã, dễ có tình trạng bạo loạn, cướp phá, đánh bom hủy hoại… do đó nếu bảo vệ thành công sẽ góp phần rất lớn vào công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước sau ngày giải phóng.

Thời khắc lịch sử đến. Ông nhớ lại: “Ngày 01/5/1974, đơn vị chúng tôi được lệnh đến kho bạc của chính quyền Sài Gòn (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh ngày nay). May mắn là trong khi hệ thống chính quyền đã tan rã, nhưng những người làm trong ngân hàng vẫn được tổ chức trật tự. Chúng tôi tiến vào, ban đầu họ có vẻ sợ, nhưng sau đó thấy không có bất cứ hành động gì phương hại, họ bình tĩnh và hợp tác”.

Con đường dẫn lối vào kho dự trữ ngân khố được thiết lập vô cùng kiên cố với đường hầm nhỏ bọc bê tông, được bảo vệ bởi các cánh cửa nặng hàng tấn và phải bấm bằng mã số rất phức tạp.

“Người giữ chìa khóa bấm số, cánh cửa từ từ mở ra. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được thấy nhiều vàng, đô la Mỹ và tiền các loại nhiều đến thế”, ông trầm trồ. Vàng từng thoi tầm 12-14 kg, được đặt trên các kệ tủ, có đánh mã số, ghi chỉ số, độ tuổi. Tiền được đóng nguyên cọc, từng thùng có tiền mới tinh của Việt Nam Cộng hòa, tiền đô la Mỹ, mẫu tiền của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới được dự trữ tại kho.

Như để minh chứng, ông lấy ra trong tủ một bản giấy ố màu có tên “Bảng kê số bạc các loại chứa trong các hầm Ngân hàng Quốc gia Việt Nam” ghi ngày 01/5/1975. Đây là bản gốc và cùng 1 con dấu của Nha tổng Thanh tra ngân hàng được ông giữ từ đó đến nay làm kỷ niệm.

Thông tin tại bảng kê có ghi: Tại hầm số 3 có 633 thoi, hầm số 6 có 601 thoi, tổng cộng có 1.234 thoi vàng. Tiền vàng đúc mô phỏng các loại đồng đô la Mỹ, đô la Đài Loan, đồng tiền Đức, Ấn Độ, Nam Hàn… tổng cộng có 493 đồng tiền vàng, có 18.049 đơn vị đồng tiền bạc, ngoài ra có 625 tỷ đồng tiền Việt Nam Cộng hòa.

Tất cả được đánh máy, ghi chép vào biên bản cẩn thận và đối chiếu lại với sổ sách trùng khớp từng chi tiết nhỏ.

Cuộc kiểm kê kết thúc và bàn giao lại Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia trong ngày 01/5/1975, nhiệm vụ quan trọng nhất đã hoàn tất. Những ngày sau đó, ông cùng đơn vị tiếp quản kho Tồn trữ quốc gia Sài Gòn (nay cạnh cầu Rạch Chiếc, TP.Thủ Đức). Đây là kho lương thực có vai trò an ninh quốc gia của chế độ Sài Gòn. Tất cả các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm, phương tiện, đồ sinh hoạt, lương thực… đều có thể tìm thấy ở kho, được bảo vệ nguyên vẹn.

Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hoàn thành, hòa bình lập lại, ông về đóng góp sức mình tham gia công cuộc tái thiết đất nước. Ông tham gia công tác tại Bộ Tư lệnh Công an biên phòng, Trường sỹ quan Biên phòng 2, rồi về một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Nội thương, Bộ Công thương công tác cho đến ngày nghỉ hưu.

Với những cống hiến, ông đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Hai, vợ ông cũng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp người tham gia tiếp quản ngân khố chính quyền Sài Gòn