Gặp gỡ cựu Chánh án, Thẩm phán với 45 năm công tác trong ngành Tòa án trên miền đất “lửa”

Hoàng Oanh| 19/02/2018 07:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chúng tôi đến thăm cựu Chánh án, Thẩm phán Lê Văn Mãn (SN 1930, trú tại phường 3, TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) vào một ngày trời mưa gió bão bùng...

Với nụ cười thân thiện, vẻ mặt của ông toát lên khí chất tươi trẻ, khỏe khoắn và minh mẫn khiến chúng tôi rất ngạc nhiên khi ông năm nay đã xấp xỉ ở tuổi 90. Ông luôn tươi cười rạng rỡ, kể cho chúng tôi nghe về một thời quá khứ oanh liệt, rất đáng tự hào trong ngành Tòa án.

Gặp gỡ cựu Chánh án, Thẩm phán với 45 năm công tác trong ngành Tòa án trên miền đất “lửa”

Cựu Chánh án, Thẩm phán Lê Văn Mãn trò chuyện cùng phóng viên tại cầu Hiền Lương

Cả một đời cống hiến

Tháng 7/1949, ông Lê Văn Mãn bắt đầu bước chân vào ngành Tòa án. Khi đó, ông Mãn là nhân viên đánh máy ở TAND tỉnh Quảng Trị, khi đó thuộc Chiến Khu Ba Lòng (thượng nguồn sông Thạch Hãn, địa phận ba xã: Hải Phúc, Ba Lòng và Triệu Nguyên, thuộc vùng đồi núi phía Nam huyện Đakrông ngày nay). Chỉ sau vài tháng nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, tháng 12/1949, ông Mãn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 5/1950, ông được cấp trên chuyển về làm lục sự (thư ký ngày nay) của TAND huyện Hải Lăng. Ba tháng sau, ông được chuyển ra TAND huyện Gio Linh.

Đầu năm 1951, ông được điều chuyển công tác ra TAND huyện Vĩnh Linh. Sau khi học Trung cấp Pháp lý tại trường của Bộ Tư pháp vào năm 1961, năm 1965, ông Lê Văn Mãn được Hội đồng Khu vực Vĩnh Linh bầu làm Thẩm phán TAND khu vực Vĩnh Linh. Bốn năm sau (1969), uy tín của ông ngày càng được nâng cao, Hội đồng khu vực tại tiếp tục bầu ông lên chức danh Phó Chánh án khu vực Vĩnh Linh. Cho đến năm 1972, ông Mãn được Hội đồng bầu làm Chánh án Khu vực Vĩnh Linh cho đến ngày hợp nhất Tòa án tỉnh Bình Trị Thiên (8/5/1976).

Từ thời điểm này cho đến 1983, ông được phân công làm Chánh án TAND huyện Bến Hải (lúc đó bao gồm Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, đến năm 1990, ba huyện này mới được tách ra) . Từ năm 1983 đến năm 1990, ông được phân công vào làm Chánh án huyện Triệu Hải (Triệu Phong, Hải Lăng, TX.Quảng Trị). Năm 1990, lúc này ông Mãn đã tròn 60 tuổi, nhưng do cấp trên nhận thấy rất có năng lực nên động viên ở lại tiếp tục giữ cương vị Chánh án huyện Triệu Phong  (được tách ra từ Triệu Hải từ 1/5/1990) cho đến năm 1995 ông Lê Văn Mãn về hưu khi tròn 65 tuổi.

Một đời cống hiến, ông đã có rất nhiều thành tích đáng ghi nhận. Năm 1960, ông được Bộ trưởng Phủ Thủ tướng tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo điều điểm về điều tra dân số. Năm 1962 được Chủ tịch nước tặng Huân Chương kháng chiến chống pháp hạng ba. Năm 1973, cựu Chánh án được TANDTC tặng Bằng khen về thành tích 5 năm liên tục đạt lao động tiên tiến. Năm 1984, ông được Chủ tịch nước được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy chương vì sự nghiệp Tư pháp và năm 1991 được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tòa án.

Xét xử song song phục vụ chiến trường miền Nam

Hồi đó, sau hiệp định Giơnevơ, Trung ương định nhập Vĩnh Linh thành một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Bình. Do vậy, tháng 11/1954 TAND huyện Vĩnh Linh tạm thời coi như một Tòa án cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Bình. Qua một thời gian thực hiện, Trung ương Đảng và Chính phủ càng thấy rõ vai trò, vị trí của Vĩnh Linh là nơi trực diện đấu tranh với địch để kiên quyết thi hành hiệp định Giơnevơ, nơi tiền đồn miền Bắc XHCN, là bàn đạp phục vụ cho cách mạng miền Nam. Cho đến tháng 6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551/TTg thành lập đặc khu Vĩnh Linh. Khi đó, Vĩnh Linh được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng, ngang cấp với tỉnh và trực thuộc chỉ đạo, quản lý của Trung ương. Cùng trong thời gian này, Bộ Tư pháp ký quyết định thành lập TAND khu vực Vĩnh Linh.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ngoài công tác chuyên môn nghiệp vụ, công tác phục vụ chiến trường miền Nam được lãnh đạo Tòa án Khu vực Vĩnh Linh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của đơn vị. Lúc đó ông Lê Văn Mãn đã cùng các cán bộ Tòa án về các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch để giám sát và tiếp nhận hàng hóa của Trung ương chuyển vào bằng đường biển, đồng thời đến các điểm trong khu vực để bốc vác, cất giấu lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược… được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào tập kết ở Vĩnh Linh để trung chuyển cho chiến trường Miền Nam. Cho đến năm 1972, cựu Chánh án lại cùng với các cán bộ Tòa án tham gia vận chuyển, lắp đặt hệ thống ống dẫn dầu từ Bãi Hà (Vĩnh Linh) đến Cồn Tiên (Gio Linh) để phục vụ cho chiến đấu và sản xuất vùng mới giải phóng.

Trong 25 năm (1951-1976), ông Lê Văn Mãn công tác tại Khu vực Vĩnh Linh- địa bàn hết sức ác liệt, nơi đế quốc Mỹ đã ném hàng ngàn tấn bom đạn và chất độc hóa học dioxin nhằm tàn sát và hủy diệt sự sống của người dân nơi đây. Cụ đã một lòng kiên trung, bất khuất để cùng cán bộ tòa án Khu vực vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xét xử, thi hành án và các nhiệm vụ khác mà Đảng ủy, Ủy ban hành chính Khu vực đã giao phó, góp phần vào thắng lợi thống nhất nước nhà.

“Trọng chứng hơn trọng cung”

Cựu Chánh án Lê Văn Mãn kể cho chúng tôi nghe về một vụ án đáng nhớ tại thời điểm bấy giờ. Vào đầu năm 1972, tại vùng khe Cạn của xã Triệu Hòa, Vĩnh Linh, xảy ra một vụ án “giết người”, “cướp tài sản”. Nạn nhân được xác định là bà Nguyễn Thị Th. Qua khám nghiệm tử thi cho thấy, bà Th. bị chết do mấy vết do một lực tác động từ phía sau lên đầu, theo hướng nón lá bị rách. Cơ quan Công an và Viện kiểm sát lúc đó tốn rất nhiều thời gian và công sức nhưng vẫn chưa tìm ra được thủ phạm.

Thật trùng hợp, sáu tháng sau đó, tại Vĩnh Linh cũng xảy ra một vụ án tương tự. Nạn nhân là bà Ngô Thị Tr., Phó Công an xã Triệu Giang.

Tại thời điểm đó, Tòa án cũng tham gia ngay từ đầu vào công tác điều tra và khám nghiệm hiện trường. Qua khám nghiệm tử thi, các vết thương trên đầu y chang như vụ bà Th. Lúc này, các chiến sĩ trinh sát đã cật lực điều tra, sau đó bắt được nghi can Tạ Công Lý. Tại cơ quan điều tra, Tạ Công Lý đã khai nhận rằng, khi thấy chị Th. và chị Tr. mang một cái xách từ trong ngân hàng đi ra, tưởng họ có nhiều tiền trong xách, nảy sinh lòng tham, Lý đã theo dõi, lựa thời cơ thích hợp và ác tâm dùng rựa chém cả hai chị từ phía sau đầu, khiến chị Th. và chị Tr. chết tại chỗ. Viện kiểm sát đã đề nghị khởi tố Tạ Công Lý tội danh “giết người” và “cướp tài sản”

Lúc ấy, ông Lê Văn Mãn đang là Chánh án Khu vực Vĩnh Linh, Thẩm phán trực tiếp thụ lý vụ án này.  Ông chỉ đồng ý viện kiểm sát khởi tố Tạ Công Lý tội danh “giết người” và “cướp tài sản” đối với vụ án thứ hai, nạn nhân là bà Ngô Thị Tr. Còn bác bỏ đề nghị của Viện kiểm sát khởi tố vụ “giết người” của vụ thứ nhất,  nạn nhân là Nguyễn Thị Th. Lý do mà ông làm như vậy là vì: Dù can phạm đã nhận tội ra tay giết chết hai người tại cơ quan điều tra, tuy nhiên, tại vụ án thứ 2, ngoài tóc và vết máu của nạn nhân Tr. còn dính trên cái rựa được tìm thấy tại nhà Lý, thì vật chứng là túi xách của bà Tr. đã được can phạm vứt lại tại hiện trường. Còn vụ án thứ nhất, Tạ Công Lý khai rằng đã vứt túi của bà Th. dưới khe nước nhưng sau 3 ngày phát quang bụi rậm, trong vòng bán kính 1 km tại điểm can phạm khai đã vứt túi xách, nhưng vẫn chưa được tìm thấy được chứng cứ. Để tránh trường hợp can phạm bị bức cung và mớm cung, không có chứng cứ không thể kết tội, cựu Chánh án chỉ đồng ý với đề nghị của cơ quan tố tụng là khởi tố Tạ Công Lý tội danh “giết 2 người” và “cướp tài sản” trong vụ thứ 2.

Mấy tháng sau đó, những người bà con của Tạ Công Lý đi tảo mộ. Khi họ đào cuốc để đắp thêm đất cho mộ của mẹ Tạ Công Lý, thì thấy một túi xách. Người nhà của nạn nhân bà Nguyễn Thị Th. xác nhận là túi xách của bà Th.. Khi đó, can phạm Tạ Công Lý mới chịu thừa nhận rằng, sau khi giết bà Th. xong, Lý đã đem túi xách của bà Th. ra nơi vắng vẻ là mộ của mẹ Lý để lục lọi. Tuy nhiên chẳng có được tài sản gì có giá trị, nên Lý dùng tay đào cát ở mộ lên chôn túi xách, nhằm dấu giếm vật chứng để không ai có thể phát hiện được. Do sợ cơ quan chức năng về sẽ đào xới mộ mẹ Lý nên Lý đã một mực không chịu khai sự thật tại cơ quan điều tra. Đến thời điểm này, cụ Mãn mới đồng ý đề nghị của Viện kiểm sát khởi tố Tạ Công Lý tội danh “giết 2 người” và “cướp tài sản”.

Qua câu chuyện trên, cựu Chánh án Lê Văn Mãn muốn chia sẻ, nhắn nhủ với các Thấm phán đang còn đương nhiệm rằng khi xét xử các vụ án hình sự phải “trọng chứng hơn trọng cung”. Còn các vụ án dân sự, người làm công tác xét xử phải chú trọng đến quan hệ hòa giải, phải hiểu được phong tục tập quán của địa phương, hiểu được tâm tư tình cảm của đương sự, không được áp đặt, không được định kiến, chú ý áp dụng quan hệ nhân quả để làm công tác xét xử… Các vụ án về hôn nhân gia đình, các Thẩm phán cần đi sâu sát vào việc của gia đình họ và xem như đó là việc của gia đình mình, thì khi đó đưa ra kết luận cuối cùng mới được người dân khâm phục…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp gỡ cựu Chánh án, Thẩm phán với 45 năm công tác trong ngành Tòa án trên miền đất “lửa”