Xuất khẩu gạo vốn là thế mạnh của Việt Nam, tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều container gạo thơm của của ta bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn. Theo chuyên gia, nếu tình trạng này không chấm dứt, gạo Việt Nam sẽ mất thị trường cả trong ngoài nước.
Gạo Việt bị trả về
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 9 tháng năm 2016, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 3,76 triệu tấn, với 1,69 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Một vấn đề đáng lo ngại là ngoài việc giảm sút về số lượng, gần đây, gạo Việt đã bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Thông tin từ trang cảnh báo của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) được VFA dẫn lại cho biết, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có 95 container (tương đương với hơn 1.700 tấn) gạo của Việt Nam bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.
Qua kiểm tra, FDA kết luận có 8 hoạt chất có trong gạo Việt Nam khi xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép. Tuy nhiên, cả 8 hoạt chất đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Còn tại Mỹ, có 5 hoạt chất chưa có quy định giới hạn cho phép đối với hoạt chất bảo vệ thực vật trên thực phẩm.
Theo một số chuyên gia, thương hiệu gạo Việt sạch, chất lượng cao vẫn còn quá ít. Ảnh minh họa
Cũng theo FDA, tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, có tổng số 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này bị trả gạo về, với tổng số 412 container, tương ứng gần 10.000 tấn gạo.
Trước sự việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phải phát đi cảnh báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ, cần lưu ý trước khi xuất khẩu phải kiểm tra, giám định kỹ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng, tránh để bị nước nhập khẩu trả về.
Có một thực tế hiện nay là gạo Việt không chỉ bị đối tác nước ngoài trả về mà chính tại thị trường nội địa, gạo Việt cũng bị người tiêu dùng quay lưng. Theo bà Lê Thị Tú Anh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp GAP), ở trong nước, gạo Việt cũng không có chỗ đứng. Nhiều người có tiền đã đi mua gạo Thái Lan, Campuchia về ăn thay vì dùng gạo trong nước sản xuất.
Lời cảnh báo cho gạo Việt
Việt Nam là một trong những quốc gia cung cấp gạo hàng đầu thế giới. Nhưng những thương hiệu gạo sạch, gạo chất lượng cao vẫn còn quá ít, chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước và thế giới biết đến. Bên cạnh đó, việc một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng không xây dựng được những vùng nguyên liệu riêng, chủ yếu đi gom gạo trôi nổi từ các thương lái, thu mua gạo không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng… đang làm ảnh hưởng sự ổn định cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Tại một cuộc hội thảo diễn ra mới đây, GS. Võ Tòng Xuân, Trường Đại học Nam Cần Thơ nhận xét nguyên nhân dẫn đến thực trạng của gạo Việt hiện nay là do sản xuất tự phát, mạnh ai người nấy lo, mù tịt về thị trường đã đẩy người nông dân nuôi trồng theo phong trào nên bị thương lái ép giá. Các doanh nghiệp nhập nguyên liệu qua thương lái không truy nguyên được xuất xứ, còn Nhà nước thì hô hào nhưng chẳng tổ chức trọn chuỗi giá trị.
Theo GS. Xuân, hiện các mặt hàng gạo bán lẻ cho người tiêu dùng Việt Nam có nhiều nhãn hiệu không biết nguồn gốc, hoặc gạo Việt nhưng phải đóng trong bao bì có nhãn hiệu Thái Lan, Campuchia, Nhật… Còn gạo xuất khẩu chủ yếu thông qua chính phủ và mang nhãn hiệu của khách hàng. Có một vài doanh nghiệp tư nhân với khối lượng nhỏ, chỉ xuất khẩu ủy thác nhưng vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu và uy tín.
Đồng quan điểm với GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhận định, gạo Việt gặp khó khăn là do tư duy sản xuất vẫn theo lối mòn, sản xuất nhỏ lẻ manh mún, thiếu cánh đồng mẫu lớn dẫn đến chất lượng hạt gạo Việt làm ra không đồng đều, rất khó để làm thương hiệu.
Việc gạo Việt xuất đi rồi bị trả về, bản thân các doanh nghiệp bị thiệt hại về kinh tế. Bên cạnh đó, gạo Việt sẽ bị ảnh hưởng về uy tín, thương hiệu, và việc tìm kiếm cơ hội vào các thị trường khác sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Thậm chí, có chuyên gia cho rằng ngay cả việc tìm kiếm cơ hội vào thị trường dễ tính cũng không còn nếu tình trạng bị trả về còn tiếp diễn.
Xu hướng thị trường thế giới đang hướng đến sản phẩm sạch, nông sản an toàn hữu cơ trong đó có gạo, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Để bắt nhịp được với xu thế của thế giới, đồng thời cũng là tháo gỡ khó khăn cho gạo và nông sản Việt, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng trước mắt trong quần thể các giống đang phổ biến cần chọn ra 2-3 giống/mỗi nhóm được ưa chuộng nhất mang thương hiệu Việt Nam. Về lâu dài, sẽ áp dụng công nghệ lai tạo nhằm cải tiến các giống đã chọn để có thêm đặc tính giống theo nhu cầu thị trường. Sau đó tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị mỗi loại gạo trong số các giống đã chọn. Cụ thể như nhận diện doanh nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất, đóng gói, bao bì, nhãn hiệu và xúc tiến thương mại và phân phối đến khách hàng.
Bên cạnh đó, gạo Việt Nam cần được Nhà nước quan tâm tổ chức sản xuất theo đúng chuẩn thương mại quốc tế mới bảo đảm lương thực an toàn cho nhân dân và sản phẩm xuất khẩu được thế giới tin dùng. Không nên để cho các thành viên tham gia thị trường hoạt động một cách tự phát, không tổ chức, không kiểm tra như hiện nay.
Ngoài ra, chính người nông dân cũng cần tuân thủ đúng quy trình sản xuất, không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hướng tới chất lượng và sức khỏe người tiêu dùng. Bởi nếu không làm được điều này, những hạt gạo Việt làm ra kém chất lượng và không đảm bảo an toàn sẽ mất chỗ đứng ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến việc xuất khẩu ra thị trường thế giới.