Nếu như các ngày lễ 8/3, 20/10 hay Tết Nguyên Đán - dịp những người phụ nữ khác được nghỉ ngơi thì mẹ tôi lại càng phải làm cật lực hơn...
Gánh hoa mẹ nặng bao nhiêu?
Mà nuôi chúng con ra nhân ra người
Mẹ tôi sinh ra ở Nham Lang (Hưng Hà, Thái Bình), theo lời các cụ giải thích nghĩa là làng đá - một ngôi làng có ý chí và nghị lực phi thường. Nhà mẹ nằm ở “trái tim” của làng và chỉ có duy nhất một con đường để vào và ra. Ông ngoại tôi vốn làm giáo viên dạy Văn cấp 2, còn bà ngoại làm nông nhưng vì gia đình đông con nên mẹ chỉ học hết cấp 2 là phải nghỉ học. Thuở ấy, mẹ tôi nổi tiếng ở quê bởi tiếng cần cù, chịu khó. Mẹ theo bà làm ruộng, buôn rau, bán hoa quả,… để phụ ông bà nuôi 4 em nhỏ. Bởi lúc này bác cả và bác hai tôi đều đi làm xa.
Tuổi 22, một mình, mẹ lên Tuyên Quang lập nghiệp bằng nghề hàng xén, đổi vỏ chai, nuôi lợn… Vì một biến cố xảy ra, hơn nữa cũng do ông bà nhớ mong nên mẹ bỏ lại tất cả để về quê. Một thời gian sau, mẹ lấy bố – cũng một giáo viên cấp 2 dạy văn. Để có tiền sinh nhai mẹ buôn rau, rồi sau đó lên Hà Nội học nghề hoa để về quê mở một cái manh lều trên vỉa hè.
Tôi không rõ những đoạn đời trước của mẹ, nhưng kể từ lúc mẹ bán hoa là lúc tôi chào đời, 3 năm sau em tôi ra đời, để nuôi sống gia đình, mẹ làm quần quật không kể ngày kể đêm, mặc mưa bão mẹ vẫn bám trụ ngoài quán để trông hàng. Nếu làm phép tính, 1 năm có 365 ngày thì đến nay đã được 22 năm, 1/2 cuộc đời của mẹ ở đây, ốm đau, bệnh tật mẹ cũng cố gắng làm. Nếu như những ngày 8/3, 20/10, ngày Tết,… những người phụ nữ khác được nghỉ ngơi thì mẹ tôi lại càng phải làm cật lực hơn. Bởi đối với nghề hoa, những ngày lễ này là dịp để hái ra tiền – người mua đông, nhu cầu lớn – bán một ngày này sẽ gấp 5, 10 lần.
Gánh hoa của mẹ đã nuôi anh em tôi nên người - Ảnh minh họa
Nhưng cũng những ngày này, đã ghi dấu vào mẹ những trận đòn kinh điển của cha tôi. Tôi còn nhớ những lần cha say rượu, cha nói mẹ: “Dẹp quán, không bán buôn gì nữa, về nhà!”. Mẹ không về, bởi vì về là chết đói, chúng tôi không có sữa uống và cơm gạo cũng chẳng thể đầy… Cha giận, trong cơn say, không làm chủ được mình cha đập quán, túm tóc lôi xềnh xệch mẹ tôi về, đánh đập và đốt quần áo của mẹ.
Tôi vẫn còn hình dung đâu đây, tiếng mẹ khóc, bát đũa vỡ, mùi quần áo của mẹ cháy khét lẹt, ngoài cổng là chú ruột tôi vọng vào lời “can ngăn”. Không thấm vào đâu, bởi đống lửa ngày một cao, khói ngày một nhiều, mẹ sợ hãi, chạy, cha vác dao đuổi theo mẹ, 2 anh em tôi chạy theo gọi mẹ: “Mẹ ơi!... Mẹ ơi!...”, mẹ ngoảnh lại nước mắt lưng tròng ra dấu bảo 2 anh em tôi “im lặng”.
Vì thương con nên biết bao lần mẹ tôi đã có ý định ra tòa ly dị nhưng rồi lại thôi. Mẹ chỉ mong 2 con có bố để được bằng chúng, bằng bạn và để bọn trẻ con phố huyện kia không trêu là “thằng không có bố”. Nhưng cũng vì thế mà người mẹ ngày một tiều tụy vì những trận đánh, cơ thể ngày càng suy nhược. Và cuối cùng, để tránh cả những trận đòn tinh thần của cha, mẹ tôi đành nước mắt ngậm ngùi ra tòa ly dị. Tôi còn nhớ như in, ngày hôm đó, gia đình tôi mỗi người một nơi - cha không đủ điều kiện nuôi 1 trong 2 anh em tôi, nên tôi và em được “giao” cho mẹ.
Kể từ đó, từ một ngôi nhà có mái che, hai anh em tôi dọn ra ngoài vỉa hè cùng mẹ bán hoa. Nhớ những hôm mưa bão, người ta có nhà để về thì 3 mẹ con tôi phải ôm cột ô, lấy người chèn bạt để cho gió không thổi bay đi đồ đạc của cái nghề “phụ bạc đời người” này. Để sáng hôm sau khi bừng tỉnh dậy những chiếc lá vàng, những cành của cây dâu gia rơi vãi trên đường,… gợi cho mẹ nỗi buồn, còn chúng tôi là sự bơ vơ.
Bởi thế, nếu ngày trước mẹ làm 10 thì nay làm 20. Mẹ thấy 2 con, người ngợm đứa nào cũng nhếch nhác nên thắt lưng buộc bụng kiếm tiền mua chiếc áo sơ mi để đến trường. Có một lần, mẹ thấy 2 đứa đứng chân chân trước cửa nhà người ta mà nhòm vào vô tuyến, mẹ đi vay tiền mua ti vi. Rồi mẹ lại thấy 2 đứa lấy chai nước đi gửi nhờ tủ lạnh hàng xóm, mẹ chạy vạy kiếm tiền mua tủ lạnh…. Mẹ thương hai anh em tôi thêm cả phần của bố, vì con mà làm tất cả mọi việc chỉ mong sao chúng tôi nên người.
Tuy cuộc sống khó khăn là vậy nhưng không vì thế mà mẹ để anh em tôi thất học. Dù có khổ bằng trăm mẹ vẫn cho chúng tôi được đến trường… Có thời gian, chúng tôi chểnh mảng, không học hành mà chỉ lo “game giếc”, mẹ bắt được đã đánh chúng tôi một trận “thừa sống, thiếu chết”, khiến cả bà ngoại và những người đi đường đều thấy xót.
Nhờ những trận đòn roi, hàng nước mắt trong đêm của mẹ, hai anh em tôi đã quyết tâm thi đỗ đại học. Ngày cầm giấy báo trúng tuyển trên tay, tôi thấy nụ cười của mẹ. Nhưng cũng kể từ đó, mẹ tôi phải làm nhiều hơn để có tiền cho 2 anh em ăn học. Người mẹ càng gầy gò, ốm yêu và nhiều lúc phải đi truyền dịch, tiêm thuốc trợ sức... Để thức trắng đêm, mẹ uống bò húc mặc cho những thứ độc hại tàn phá hệ thần kinh…
Mẹ tôi giờ chỉ còn nặng có gần 40 cân, tóc mẹ đã điểm sương, đôi tay bị tàn tạ bởi nước hoa, mỗi tuần mẹ lên trạm xá tiếp nước vài lần, mẹ thường xuyên bỏ bữa,… và quán hoa xưa chỉ còn một mình mẹ. Lắm lúc, tôi muốn mẹ lên Hà Nội làm giúp việc nhưng mẹ không muốn xa quê, xa cửa hàng hoa mà hơn nữa phần đời gắn bó…