Gắn trách nhiệm lãnh đạo, cán bộ trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ

Linh Phạm| 28/02/2023 18:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu gắn trách nhiệm của các giám đốc sở, ngành để rà soát tại đơn vị để cải tiến quy trình nội bộ, thực hiện số hóa ngay từ quy trình nội bộ.

Chiều 28/2, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ; triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Hội nghị được trực tuyến tới 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

Nhiều ứng dụng thiết thực từ dữ liệu dân cư

Báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 trong năm 2022, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thành phố đã triển khai thực hiện việc kết nối, tích hợp, khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích.

Với nhóm dịch vụ công trực tuyến, tính đến hết năm 2022, thành phố đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu (DVCTT) theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100%). Trong đó: Dịch vụ công có số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cao nhất trong năm 2022 là nhóm cư trú; thấp nhất là dịch vụ công “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận”. Có 09/25 DVCTT được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến (không có hồ sơ tiếp nhận trực tiếp).

Gắn trách nhiệm lãnh đạo, cán bộ trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành ứng dụng nền tảng Căn cước công dân gắn chíp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội: Trong thực hiện các dịch vụ công và giao dịch dân sự: Ứng dụng, khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư thay thế cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú (đảm bảo triển khai thi hành Luật Cư trú về việc Sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hết giá trị sau ngày 31/12/2022).

Trong lĩnh vực y tế, đã có 4.734.188 người có thẻ BHYT được đồng bộ, xác thực dữ liệu với CCCD, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; có 586 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; 237.177 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. Hà Nội đã phối hợp cục nghiệp vụ Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử góp phần hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT tại 01 Bệnh viện (Bệnh viện An Việt).

Hà Nội cũng đã triển khai sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ ATM để rút tiền tại máy ATM tại một số ngân hàng trên địa bàn TP Hà Nội: BIDV (10 điểm tại Hà Nội), VietinBank (1 điểm) VietcomBank (1 điểm), góp phần xác thực, đảm bảo chính xác danh tính, phòng chống gian lận, rủi ro…

Gắn trách nhiệm lãnh đạo, cán bộ trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cũng cho biết, tính đến ngày 22/2/2023, toàn thành phố đã thu nhận 6.576.951 hồ sơ cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip đối với các trường hợp công dân trong độ tuổi quy định, đã nhận và trả 6.018.796 thẻ CCCD cho người dân; thu nhận 4.203.923/ 6.220.864 hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử, đạt 67,6% so với chỉ tiêu, trong đó, toàn thành phố đã kích hoạt 724.752 tài khoản định danh mức 2.

Tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”: Đã rà soát, làm sạch 3 cấp đối với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5%).

Về công tác triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho công dân trên địa bàn Thủ đô, thành phố đã tổ chức họp với cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia và các doanh nghiệp: Viettel, VNPT, FPT, CMC để bàn giải pháp cấp chữ ký số miễn phí phục vụ công dân trên địa bàn Thủ đô thực hiện các DVCTT và giao dịch điện tử.

Ngoài ra, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cũng cho biết, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện Đề án 06 đang được thực hiện hiệu quả. Các đơn vị trên địa bàn đã có những biện pháp, cách thức sáng tạo như đã thành lập các “Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” trên địa bàn thành phố; các mô hình “Ngày thứ Sáu xanh”, “Ngày thứ Ba không viết”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24/24” tại các nhà văn hóa, các video clip do công chức cấp xã tự xây dựng để hướng dẫn công dân thực hiện TTHC…

Khâu đột phá của chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ cho biết, tại 2 hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào tháng 12/2022 và buổi sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 ngày 25/2, sau khi nghe Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo, Thủ tướng đã biểu dương Hà Nội đã chủ động, nỗ lực, phối hợp các bộ ngành có bước đi căn cơ; quyết tâm chính trị đầu tư hạ tầng, kết nối dữ liệu, chủ động thực hiện các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân.

Gắn trách nhiệm lãnh đạo, cán bộ trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ

Toàn cảnh Hội nghị.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ công tác sẽ tổng hợp ý kiến, bàn với các bộ, rút kinh nghiệm về sáng tạo, tự tin, từng nhóm việc của Hà Nội để làm kinh nghiệm cho các tỉnh thành phố khác. Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý TP Hà Nội về hạ tầng công nghệ phải sớm hoàn thành mới chuyển được từ thủ công sang công nghệ. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần tích cực số hóa hơn nữa; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu và từng bước thực hiện được các dịch vụ công trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Thành phố chỉ đạo quyết liệt để tất cả các bộ phận không yêu cầu dân phải xác nhận bằng giấy tờ; các ngành phải đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra cụ thể.

Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Đề án 06 là khâu đột phá của chuyển đối số quốc gia. Đến nay, kết quả việc triển khai Đề án 06 sau 1 năm tại các bộ ngành, địa phương là rất đáng trân trọng, cụ thể tại Hà Nội như 25/25 dịch vụ công thiết yếu đã liên thông, 2 TTHC liên thông (thí điểm tại Hà Nội, Hà Nam) đã thực hiện, nhận thức về thực hiện dịch vụ công trực tuyến được nâng lên… Theo Chủ tịch TP Hà Nội, qua 1 năm triển khai Đề án 06, Hà Nội đã có chuyển biến căn bản về nhận thức cả về cán bộ và người dân, "người dân cũng tham gia, cán bộ cũng tham gia" quá trình này.

Trong kế hoạch triển khai tiếp theo, Chủ tịch TP Hà Nội cho biết đã phân công nhiệm vụ rõ ràng, có địa chỉ cụ thể, trách nhiệm và thời gian thực hiện; gắn vào việc đánh giá chất lượng công việc của cán bộ và từng quận, huyện, sở, ngành. Gắn trách nhiệm của các giám đốc sở, ngành để rà soát tại đơn vị để cải tiến quy trình nội bộ, thực hiện số hoá ngay từ quy trình nội bộ.

"Thành công trong chuyển đối số không có chữ ủy quyền. Tất cả là nhờ quyết tâm của người đứng đầu", Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn trách nhiệm lãnh đạo, cán bộ trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ