Tính đến 20/4/2016, cả nước có có 697 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với số vốn 5.082,9 triệu USD.
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/4/2016 thu hút 697 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5082,9 triệu USD, tăng 55,6% về số dự án và tăng 89,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Ngoài ra, còn có 314 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 1.804 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 6.886,9 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015.
Hải Phòng là có số vốn FDI đăng ký lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2016. Ảnh: DĐDN
Trong số các ngành hút vốn đầu tư, theo con số từ Tổng cục Thống kê, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5.246,6 triệu USD, chiếm 76,2% tổng vốn đăng ký; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 334,6 triệu USD, chiếm 4,9%; ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đạt 242,5 triệu USD, chiếm 3,5%; các ngành còn lại đạt 1.063,2 triệu USD, chiếm 15,4%.
Cũng trong 4 tháng đầu năm, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2.480,4 triệu USD, chiếm 48,8% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đứng thứ hai là Singapore với 502,1 triệu USD, chiếm 9,9%. Tiếp theo là Đài Loan 430,1 triệu USD, chiếm 8,5%; Nhật Bản 307 triệu USD, chiếm 6%; Malaysia 248,1 triệu USD, chiếm 4,9%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 195,6 triệu USD, chiếm 3,8%; Trung Quốc 177,5 triệu USD, chiếm 3,5%...
Có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 4 tháng đầu năm 2016. Trong số này, Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất với 1591,8 triệu USD, chiếm 31,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội Nội với 595,5 triệu USD, chiếm 11,7%. Tiếp sau là Bình Dương; Bắc Ninh; Đồng Nai; Tiền Giang; TP.HCM...