Gần 70 quốc gia tại Liên hợp quốc vừa ký một hiệp ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ biển cả, khơi lên hy vọng bảo vệ các hệ sinh thái đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo Liên hợp quốc, 67 quốc gia đã ký hiệp ước bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Úc, Anh, Pháp, Đức và Mexico cũng như toàn bộ Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, mỗi quốc gia vẫn phải phê chuẩn hiệp ước theo quy trình nội bộ của mình. Hiệp ước sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi được 60 quốc gia phê chuẩn.
Phó Thủ tướng Bỉ Vincent van Quickenborne cho biết: “Rõ ràng là đại dương đang cần được bảo vệ khẩn cấp”. Ông nói: “Mọi thứ sẽ chấm dứt nếu chúng ta không hành động”.
Sau 15 năm thảo luận, Liên hợp quốc đã có sự đồng thuận đầu tiên về vấn đề này vào tháng 6, mặc dù Nga cho biết họ có những bảo lưu.
Nichola Clark thuộc Dự án Quản trị Đại dương tại The Pew Charitable Trusts cho biết, việc bắt đầu ký kết đánh dấu "một chương mới" trong việc "thiết lập các biện pháp bảo vệ có ý nghĩa" cho các đại dương.
Biển cả được định nghĩa là khu vực đại dương bắt đầu ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia hoặc cách bờ biển 200 hải lý (370 km) - bao phủ gần một nửa hành tinh. Tuy nhiên, từ lâu chúng đã bị bỏ qua trong các cuộc thảo luận về môi trường.
Một công cụ quan trọng trong hiệp ước sẽ là tạo ra các khu vực biển được bảo vệ trong vùng biển quốc tế. Hiện chỉ khoảng 1% trong số đó được bảo vệ bằng các biện pháp bảo tồn.
Hiệp ước này được coi là rất quan trọng đối với thỏa thuận bảo vệ 30% đại dương và đất liền trên thế giới vào năm 2030, như đã được các chính phủ đồng ý trong một hiệp định lịch sử riêng biệt về đa dạng sinh học đạt được ở Montreal vào tháng 12.
Mads Christensen, Giám đốc điều hành lâm thời của Greenpeace International, bày tỏ hy vọng rằng hiệp ước sẽ có hiệu lực vào năm 2025, khi hội nghị về đại dương tiếp theo của Liên hợp quốc diễn ra tại Pháp.
Ông nói: “Chúng ta có chưa đầy 7 năm để bảo vệ 30% đại dương. Không có thời gian để lãng phí”.
“Cuộc đua phê chuẩn đã bắt đầu và chúng tôi kêu gọi các nước hãy nhanh chóng phê chuẩn hiệp ước và đảm bảo rằng nó sẽ có hiệu lực vào năm 2025.”
Nhưng ngay cả khi hiệp ước đạt được 60 phê chuẩn cần thiết để có hiệu lực, nó vẫn thấp hơn nhiều so với mức ủng hộ chung cho hành động mà những người bảo vệ môi trường mong đợi.
Đại dương rất quan trọng đối với sức khỏe của toàn hành tinh, bảo vệ đa dạng sinh học và hỗ trợ một nửa lượng oxy mà sinh vật trên cạn hít thở. Các đại dương cũng rất quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu bằng cách giúp hấp thụ khí thải nhà kính.
Hiệp ước, tên chính thức là hiệp ước về “Đa dạng sinh học vượt quá thẩm quyền quốc gia” (BBNJ), cũng đưa ra các yêu cầu thực hiện nghiên cứu tác động môi trường đối với một loạt hoạt động trên biển cả.
Những hoạt động này, mặc dù không được liệt kê trong văn bản, sẽ bao gồm bất kỳ hoạt động nào từ đánh bắt cá và vận tải hàng hải cho đến các hoạt động gây tranh cãi hơn như khai thác dưới biển sâu hoặc thậm chí các chương trình địa kỹ thuật nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu.