Gần 30% trẻ vị thành niên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần

Thảo Nguyên| 06/02/2018 18:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên, tùy theo tỉnh, giới tính và đặc điểm từng người.

Ngày 6/2, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) và Viện Nghiên cứu Phát triển hải ngoại (ODI) đã công bố nghiên cứu Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam.

Một trong những kết quả đáng chú ý tại nghiên cứu này là tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung tại Việt Nam ở mức khá cao, từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên. Các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội như lo âu, trầm cảm, sự đơn độc và các vấn đề hướng ngoại như tăng động, giảm chú ý.

Gần 30% trẻ vị thành niên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần

Tỷ lệ mắc vấn đề sức khỏe tâm thần chung tại Việt Nam ở mức khá cao. Ảnh minh họa

Tỷ lệ tự tử trong thanh thiếu niên ở Việt Nam được báo cáo là thấp đáng kể so với ước tính toàn cầu. Một trong những nghiên cứu ở 90 quốc gia, tỷ lệ tự tử vị thành niên là 9,1% (Wasserman và cộng sự, năm 2005) trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này là 2,3% (Blum và cộng sự, 2012).

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, lạm dụng chất, đặc biệt thuốc lá là phổ biến trong nam vị thành niên Việt Nam (gần 40%).

Báo cáo nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam chỉ ra rằng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần, tâm lý xã hội còn hạn chế và thường tập trung vào những rối loạn sức khoẻ tâm thần nặng. Dịnh vụ này hiện đang được cung cấp thông qua các trung tâm bảo trợ xã hội, bệnh viện tâm thần và các phòng tư vấn tâm lý trong trường học nhưng độ bao phủ còn thấp.

Được biết, hiện có khoảng 3 triệu trẻ em, thanh thiếu niên có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần nhưng nhiều địa phương không có các dịch vụ này, thiếu các nhà tư vấn tâm lý cho các em.

Theo bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều người dân, trẻ em có biểu hiện rối nhiễu tâm trí như lo âu, trầm cảm, cảm giác bị bỏ rơi do tác động kinh tế xã hội, gia đình vẫn chưa được quan tâm. Vì thế, cần phát triển các dịch vụ tư vấn tâm lý, dịch vụ hỗ trợ cho người có biểu hiện liên quan sức khỏe tâm thần; phổ biến kiến thức khoa học về hỗ trợ tâm lý.

"Những phát hiện từ nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng thực tế nhằm giúp các ngành và các địa phương xây dựng và triển khai hệ thống dịch vụ toàn diện để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên ở Việt Nam", bà Lan nhấn mạnh.
 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 30% trẻ vị thành niên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần