Vào kỳ nghỉ lễ vừa qua, gần 274.000 bệnh nhân được cấp cứu tại các bệnh viện cả nước, trong đó 60% do tai nạn giao thông.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ của 40 Sở Y tế và một số bệnh viện Trung ương, trong dịp nghỉ lễ kéo dài năm ngày từ 27/4 đến 1/5, cả nước có 273.876 ca khám, cấp cứu.
Trong đó, 67.796 trường hợp nhập viện điều trị nội trú; 7.730 ca phẫu thuật loại 3 trở lên. Có gần 3.700 bệnh nhân chuyển tuyến; 56.622 bệnh nhân được ra viện.
Các cơ sở y tế đã mổ đẻ, đỡ đẻ chào đón 5.413 trẻ sơ sinh.Số trường hợp tử vong tại bệnh viện, trước khi đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về là 271 trường hợp.
Đáng lưu ý, đã có 9.798 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn giao thông, chiếm 28% tổng số ca khám và cấp cứu trong dịp này.
Trong đó, mức độ nhẹ, xử trí và cho về trong ngày là 3.417 trường hợp. 2.906 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị nội trú; 492 trường hợp chuyển tuyến trên.
Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân làm theo động tác tay để kiểm tra các chức năng cơ thể sau chấn thương. Ảnh: Dương Ngọc
Ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy, trong những ngày nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày cơ sở tiếp nhận 150 trường hợp cấp cứu, trong đó 120 ca cấp cứu do tai nạn và 60% trong tổng số bệnh nhân này cấp cứu do tai nạn giao thông.
Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 1.396 lượt cấp cứu, giảm 2,8% so với kỳ nghỉ lễ năm trước. Trong số này có 353 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông. Số bệnh nhân phải phẫu thuật cấp cứu tăng gần 10%, do chấn thương nặng.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nước ta đang ở mức báo động. Bình quân mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm, tỷ lệ nam giới và thanh thiếu niên sử dụng rượu bia đều ở mức cao, trong đó tỷ lệ nam giới sử dụng rượu bia ở mức có hại là vấn đề đáng báo động.
Ước tính chưa đầy đủ cho thấy tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính (ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung), đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng, theo GDP năm 2017).
Do vậy các chuyên gia y tế cảnh báo biện pháp giảm thiểu việc sử dụng rượu, bia là khẩn thiết nhằm giảm thiểu hàng trăm nghìn vụ tai nạn giao thông mỗi năm.