Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành khắp thế giới, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã quyết định tung gói trợ giúp 2,7 tỷ đô la, nhằm đưa bóng đá vượt qua giai đoạn khủng hoảng, sớm trở lại hoạt động như bình thường.
Theo thông tin từ nhật báo New York Times (Mỹ), đội bóng 7 lần vô địch quốc gia Slovakia là MSK Zilina trong tuần này đã nộp đơn xin phá sản, còn Liên đoàn bóng đá Uruguay chính thức sa thải 400 nhân viên sau khi mọi hoạt động bóng đá trong nước đã bị đình chỉ. Ngay cả HLV trưởng đội tuyển Oscar Tabarez cũng sẽ không được trả lương trong thời gian này... 400 nhân viên của Liên đoàn bóng đá Uruguay cũng bị sa thải sau khi mọi hoạt động bóng đá trong nước đã bị đình chỉ.
Chủ tịch Infantino thông báo các gói trợ giúp trị giá 2,7 tỉ đô của FIFA
Trong khi đó, tại Châu Âu, hiện tại dịch bệnh Covid-19 lây lan với tốc độ chóng mặt, khiến hàng loạt giải đấu phải tạm hoãn. Thậm chí, nếu tiếp tục không tìm ra cách kiểm soát dịch bệnh này, các giải đấu hàng đầu trên thế giới hoàn toàn có thể bị hủy bỏ giữa chừng.
Tại Tây Ban Nha, bốn đội bóng LaLiga là Barcelona, Atletico Madrid, Espanyol và Alaves cùng với vài CLB Hạng nhất đã phải đưa cầu thủ và nhân viên vào chương trình ERTE (Quy định lao động đặc biệt - cắt giảm lương và ngưng việc tạm thời).
Tại Bundesliga, cầu thủ các đội bóng phải chấp nhận cắt giảm lương từ 20% đến 30%, trong khi ở Ý, Juventus đóng vai trò tiên phong khi toàn bộ Ban huấn luyện và cầu thủ đội một đã đồng ý không nhận lương 4 tháng. Các đội bóng Ngoại hạng Anh đang tính toán tỉ lệ cắt giảm lương cả cầu thủ, ban huấn luyện lẫn nhân viên.
Nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, Messi đã quyết định giảm lương
Cách đây ít ngày, Chủ tịch Hiệp hội Các Câu lạc bộ bóng đá châu Âu (ECA) Andrea Agnelli đã lên tiếng về việc các đội bóng đang ở tình trạng bế tắc, không có nguồn thu để chi trả cho cầu thủ, nhân viên và các hoạt động khác. Dịch bệnh rõ ràng không chừa ai và bài toán thời gian trở nên vô cùng nan giải khi mà bóng đá châu Âu không thể tự mình tìm kiếm đáp án.
Với vai trò tổ chức quản lý cao nhất, FIFA nhận thức được khó khăn về tài chính đang đe dọa mọi hoạt động của các LĐBĐ quốc gia thành viên cũng như các tổ chức bóng đá khác, bao gồm mọi cấp độ từ chuyên nghiệp đến không chuyên.
Phát biểu trên Reuters, một phát ngôn viên FIFA cho rằng tổ chức này có nhiệm vụ giúp đỡ mọi thể chế bóng đá vượt qua giai đoạn khủng hoảng, nhanh chóng trở lại mọi hoạt động thường lệ.
Trước đó, lãnh đạo Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã có cuộc họp trực tuyến với Hiệp hội CLB bóng đá châu Âu (ECA) và Hiệp hội cầu thủ thế giới (FIFPro) để tìm biện pháp giúp các câu lạc bộ ứng phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu do Covid-19 gây ra.
FIFA quyết định tung gói hỗ trợ để "giải cứu" bóng đá
Theo đó, FIFA sẽ sử dụng nguồn dự trữ tiền mặt khổng lồ của mình để "bơm" thanh khoản vào ngành công nghiệp bóng đá. Một số quỹ trợ giúp thuộc dự án "Football Marshall Plan" có tổng trị giá 2,7 tỷ đô la sẽ được FIFA triển khai, giúp giảm thiểu khó khăn tài chính cho ngành công nghiệp bóng đá toàn cầu. Đồng thời, sẽ có cơ chế phân chia tỷ lệ gói trợ giúp đến 6 LĐBĐ châu lục và từng LĐBĐ quốc gia.
Jonas Baer-Hoffmann, Tổng thư ký Hiệp hội Các cầu thủ chuyên nghiệp quốc tế với trên 65.000 thành viên trên toàn thế giới cũng đề xuất nên trợ giúp các đội bóng nhỏ, bởi họ dễ bị tổn thương nhất bởi khủng hoảng.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp chính mà FIFA đưa ra là các CLB thực hiện việc giảm lương các cầu thủ. Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino thậm chí đề xuất các cầu thủ giảm 50% tiền lương trong giai đoạn khó khăn này. Trong trường hợp các cầu thủ và các CLB không thể tìm kiếm thỏa thuận chung, FIFA có thể phải đưa ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này.
Nhiều câu lạc bộ đang khó khăn khi dịch bệnh hoành hành
FIFA có thể xử phạt về một số hành vi: CLB đơn phương sa thải; không thanh toán tiền cho cầu thủ; cầu thủ rời khỏi quốc gia của các đội mà không có lý do rõ ràng; cầu thủ không báo cáo về việc họ làm; các đội không chăm sóc sức khỏe cầu thủ; phân biệt đối xử dựa trên nguồn gốc cầu thủ; CLB từ chối lấy lại cầu thủ đã được cho mượn; từ chối trả các điều khoản trong hợp đồng.
Ngoài vấn đề tài chính, FIFA cũng bàn về vấn đề liên quan đến thời hạn hợp đồng của các cầu thủ. Theo đó, những hợp đồng có hạn đến ngày 30/6, (ngày cuối của một mùa giải thông thường), sẽ tự động được gia hạn đến ngày kết thúc trên thực tế bởi mùa giải 2019 - 2020 vẫn tạm hoãn. Các CLB cũng không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với cầu thủ hay HLV trong giai đoạn này.