Đừng nôn nóng, hãy chờ đợi và cực kỳ cảnh giác. Những kẻ khủng bố rất thích chơi trò ú tim...
IS quyết giăng bẫy Paris?
Trong bài viết “The Islamic State’s trap for Europe” (tạm dịch: Cái bẫy của Nhà nước Hồi giáo dành cho châu Âu) đăng trên The Washington Post số ra ngày 15/11/2015, tác giả Harleen Gambhir đã chỉ ra “chiến thuật khiêu khích” mà các phần tử khủng bố cực đoan IS đã và đang sử dụng để thực hiện chiến lược toàn cầu nhằm bảo vệ lãnh thổ của mình ở Iraq và Syria.
Cụ thể, những tín đồ Hồi giáo cực đoan IS đã tiến hành nhiều cuộc tấn công tàn bạo trung tâm các nước châu Âu, gây ra nhiều thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người và của. Và để xử lý cũng như ngăn ngừa các kế hoạch khủng bố từ trong trứng nước, sự hoài nghi các cộng đồng người Hồi giáo thiểu số tại các xã hội phương Tây là hệ quả tất yếu.
Abu Muhammad al Adnani - phát ngôn viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trong đoạn video kêu gọi tiến hành tấn công châu Âu trong tháng ăn chay.
Theo tác giả Harleen Gambhir, đây chính là cách mà IS áp dụng để phân cực xã hội phương Tây, từ đó đẩy những người Hồi giáo ở đây đứng giữa những lựa chọn được mất, hoặc đào thoát và gia nhập IS, hoặc ở lại và bị kỳ thị, hắt hủi. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp đâu đó những câu chuyện đầy nước mắt kể về cảm giác tủi thân khi bị bạn bè cùng lớp, cùng trường trêu chọc, xa lánh, tẩy chay chỉ vì chúng có bố mẹ theo đạo Hồi.
Trong báo cáo trình lên Quốc hội tại phiên điều trần hôm 10/5, người đứng đầu cơ quan tình báo Pháp (DGSI), ông Patrick Calvar, cảnh báo “Nhà nước Hồi giáo (IS) đang lên kế hoạch cho các vụ tấn công khủng bố mới”. Theo ông, những kẻ cực đoan này có thể cài bom hoặc các thiết bị nổ tại những nơi tập trung đông người nhằm tạo không khí hoảng loạn tối đa.
Nước Pháp đã sẵn sàng “nghênh chiến”?
Mới đây, Tổng thống Francois Hollande thừa nhận nước Pháp đang đứng trước nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, giới quan sát có thể phần nào cảm nhận sự “bình tĩnh đến kỳ lạ” của nhà lãnh đạo Pháp trước nguy cơ được báo trước từ rất lâu này.
Xét ở một khía cạnh nào đó, nó có vẻ trái ngược hẳn với tinh thần “vì nước Pháp, vì Paris” được dâng lên cao độ khi trong cùng một năm, Paris phải hứng chịu hai sự kiện khủng khiếp: tòa soạn báo Charlie Hebdo bị tấn công vào tháng 1/2015, và vụ thảm sát tại Thủ đô Paris diễn ra vào đêm thứ Sáu ngày 13/11 đen tối - cướp đi sinh mạng của ít nhất 130 con người; hay khi sân bay và nhà ga ở Brussels (Bỉ) - nơi được mệnh danh là trái tim châu Âu - rung chuyển bởi một loạt vụ đánh bom liều chết.
Sân vận động Stade de France, thứ Sáu ngày 13/11/2015, khán giả hoảng loạn ùa xuống sân cỏ tại sau mộ loạt vụ nổ và nổ súng xảy ra tại các địa điểm ở Paris, Thủ đô nước Pháp. Ảnh: AFP
Có lẽ, Pháp cũng như chính quyền các nước phương Tây đã hiểu rõ một điều rằng, IS luôn sẵn sàng “khai hỏa”, vấn đề chỉ là khi nào và ở đâu mà thôi. Điều quan trọng là phải chuẩn bị mọi phương án để sẵn sàng hành động, đối phó với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra.
Hơn 700 nhân viên an ninh và 1.200 học viên sĩ quan cảnh sát Pháp đã tham gia vào cuộc diễn tập ứng phó với cuộc tấn công hóa học xảy ra ở một trận đấu. Còn lực lượng an ninh Pháp thì đã chuẩn bị kế hoạch tác chiến nhằm phản ứng kịp thời trước trường hợp xấu nhất từ khá lâu.
Giới chức cũng Pháp khẳng định, 900 nhân viên an ninh cùng 1.000 cảnh sát được trang bị vũ trang và nhiều đơn vị đặc biệt cũng như lính bắn tỉa sẽ túc trực bên trong và ngoài sân vận động. Ngoài ra, các khu vực đông người qua lại như khách sạn, nhà hàng, trung tâm vận tải cũng được bảo vệ tối đa.
Các tay súng thánh chiến IS đã gửi đi thông điệp kêu gọi những người Hồi giáo tiến hành tấn công vào tháng Ramadan trên mạng xã hội và các trang tin điện tử ủng hộ IS. Và tháng Ramadan năm nay cũng đã bắt đầu từ ngày 7/6, trong khi EURO 2016 sắp chính thức khai mạc vào ngày 10/6.
Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ càng và thái độ bình tĩnh của mình, người Pháp đã sẵn sàng để bước vào trận chiến mới. Vấn đề là, các phần tử khủng bố cứ như một bóng ma vô hình “thoắt ẩn, thoắt hiện”. Vì thế, đối với nước Pháp, Thủ đô Paris, và các nước phương Tây, “điều cần làm lúc này là chờ đợi, bình tĩnh, và cực kỳ cảnh giác”, một chuyên gia quan hệ quốc tế lưu ý.