Hội đồng châu Âu (EC) yêu cầu một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria - quốc gia đang xảy ra nội chiến và đương đầu với cuộc chiến chống IS, Sputnik đưa tin.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande có cuộc gặp mặt tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels ngày 15/10/2015. Ảnh: AFP
Báo cáo mới đây của EC sau cuộc họp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels ngày 15/10 khẳng định rằng, hòa bình bền vững tại Syria không thể đạt được dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bashar al-Assad; đồng thời bày tỏ lo ngại về chiến dịch không kích mà Nga đang tiến hành nhằm chống lại các phần tử cực đoan của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) theo yêu cầu của đương kim Tổng thống Syria.
EC cũng “nhất trí việc cần phải tập trung vào cuộc chiến chống IS và các nhóm khủng bố khác tại Syria mà Liên hiệp quốc đã quy định trong khuôn khổ một chiến lược thống nhất và hợp tác, cùng một tiến trình chính trị trên cơ sở Tuyên bố Geneva 2012”, theo Sputnik.
Tại cuộc họp, Tổng thống Pháp Francois Hollande không chỉ thể hiện quan điểm phản đối Tổng thống Assad của EU, mà còn nhấn mạnh rằng tiến trình chính trị ở Syria chắc chắn có liên quan đến nhiều quốc gia.
“Các cuộc tiếp xúc, tất nhiên sẽ diễn ra giữa những quốc gia có liên quan nhiều nhất, các nước trong khu vực, các nước Vùng Vịnh Persian, Iran”, Tổng thống Hollande phát biểu với báo giới. Ông nói thêm, Nga và Mỹ cũng sẽ có liên quan đến tiến trình này.
Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch không kích chống IS tại Syria từ tối 30/9 theo yêu cầu của Tổng thống Bashar al-Assad. Các mục tiêu được lựa chọn dựa trên thông tin tình báo thu thập được từ Nga, Syria, Iraq và Iran.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc không kích đã phá hủy đáng kể mạng lưới chỉ huy và hậu cần của IS, cũng như cơ sở hạ tầng được sử dụng để chế tạo bom liều chết.
Trong khi đó, từ tháng 9/2014, lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tổ chức tấn công căn cứ IS chiếm đóng ở cả Syria và Iraq, song không đạt được đột phá đáng kể nào trong cuộc chiến chống lực lượng cực đoan này. Moscow cũng chỉ trích liên quân đã hành động mà không có sự chấp thuận của chính phủ Syria hay Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Ủng hộ phe đối lập ở Syria và kêu gọi Tổng thống Assad từ chức, Mỹ buộc tội chiến dịch không kích của Nga đã nhằm vào đối thủ của Assad hơn là các căn cứ của IS. Moscow bác bỏ hoàn toàn, và nhấn mạnh đó là những cáo buộc thiếu bằng chứng xác thực.
Đầu tháng 10/2015, Đại sứ Syria tại Nga Riad Haddad khẳng định, chiến dịch không kích của Nga tại Syria chống lại các tổ chức khủng bố có vũ trang và không nhằm vào phe đối lập chính trị hay thường dân. Ông cho biết thêm, 40% cơ sở hạ tầng mà IS chiếm giữ tại Syria đã bị phá hủy trong chiến dịch không kích này.