EAEU đưa Việt Nam ra khỏi danh sách ưu đãi GSP

Trang Nhi| 01/06/2021 14:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga thông báo, Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) sẽ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ tháng 10/2021.

Theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EAEU, ưu đãi thuế quan GSP của EAEU đã chấm dứt ngay sau khi FTA giữa Việt Nam và EAEU có hiệu lực từ năm 2016. Tuy nhiên, EAEU đã chấp thuận cho Việt Nam tiếp tục hưởng GSP thêm 5 năm nữa sau khi hiệp định này có hiệu lực.

euea-fta.jpg
EAEU đưa Việt Nam ra khỏi danh sách ưu đãi GSP

Cùng với Việt Nam, EAEU cũng đưa một số nước khác khỏi danh sách được hưởng ưu đãi thuế, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Brunei…

Bởi vậy, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo sau thời điểm ngày 12/10/2021, các doanh nghiệp xuất cần chú ý đến thời hạn, tìm hiểu về mức thuế ưu đãi và quy tắc xuất xứ tương ứng để tận dụng ưu đãi thuế quan; đáp ứng điều kiện về ưu đãi xuất xứ và cả điều kiện hạn ngạch của từng nhóm hàng để điều chỉnh chiến lược xuất khẩu cho phù hợp.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Về cơ bản chúng ta đã có Việt Nam – EAEU FTA nên diện mặt hàng nằm trong GSP rất nhỏ, trị giá không lớn. Các ưu đãi trong FTA bền vững hơn, quy mô rộng hơn, nhiều mặt hàng hơn. Vì vậy, dỡ GSP không có tác động lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. 

Về các mức thuế đối với các mặt hàng trong danh mục được hưởng ưu đãi GSP, tính từ 1/1/2022 hầu hết các mặt hàng này đều có thuế suất trong Việt Nam - EAEU FTA thấp hơn thuế suất GSP của EAEU.

Chẳng hạn, năm 2021, thuế suất đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản (thịt động vật, cá, rau củ, trái cây, cà phê...) hầu hết đều đang được hưởng thuế suất 0% trong Việt Nam - EAEU FTA. Trong khi thuế suất GSP của những mặt hàng này hiện đang dao động từ 3,75%-18,75%.

Ngoài ra, mặt hàng dệt may cũng thuộc các nhóm hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh và được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định nhưng không nằm trong danh sách mặt hàng được hưởng ưu đãi GSP.

Tuy nhiên, để vào những thị trường EAEU, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp không ít thách thức và cần có sự chuẩn bị kỹ đặc biệt trong vấn đề tiêu chuẩn hàng nông, thủy sản xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, thông qua các cơ chế Ủy ban Hỗn hợp, Ủy ban Liên Chính phủ...; tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thiết lập các khung khổ pháp lý thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EAEU đưa Việt Nam ra khỏi danh sách ưu đãi GSP