Ngày 5/10/2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á- Âu (FTA Việt Nam - EAEU) chính thức có hiệu lực và đây là cơ hội lớn với doanh nghiệp Việt.
“Sân chơi” lớn đã mở
Liên minh kinh tế Á - Âu gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan. Đây là thị trường chung rộng lớn với tổng dân số hơn 183 triệu người và GDP 2.200 tỉ đô la Mỹ. Tài nguyên thiên nhiên của các nước trong Liên minh Kinh tế Á - Âu chủ yếu là dầu mỏ, than đá, quặng sắt,… Các sản phẩm chính mà Liên minh Kinh tế Á - Âu nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả,… Các sản phẩm xuất khẩu chính sang Việt Nam gồm xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị…
FTA Việt Nam - EAEU chính thức có hiệu lực đang mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt. Ảnh: Đình Huệ
Rõ ràng EAEU là một thị trường lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến. Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), Việt Nam đứng thứ 11 trong số các nước xuất khẩu sang khu vực này và đứng thứ 24 trong số các nước nhập khẩu từ Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực, việc xoá bỏ thuế quan được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhiều loại hàng hoá. Cụ thể hai bên sẽ cắt, giảm thuế cho gần 90% mặt hàng và mở cửa thị trường đối với một số lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư. Cùng với đó, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, bao gồm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép…
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu cho biết FTA Việt Nam - EAEU khá đặc biệt bởi hiệp định này là được ký ở cấp Nhà nước, còn các hiệp định khác ký ở cấp Chính phủ. Hiệp định này có những cam kết toàn diện không chỉ về mở cửa hàng hóa mà còn là vấn đề dịch vụ, đầu tư, những vấn đề mới mà ở các FTA trước chưa có.
Hiệp định này cũng có cách tiếp cận hoàn toàn mới, tức là tập trung vào những mặt hàng chủ lực mà 2 bên có lợi thế. Với Việt Nam, các ngành hàng có lợi thế khi hiệp định có hiệu lực gồm dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, điện tử.
Theo ông Ivan Gumnikov, đại diện Thương vụ Liên bang Nga tại Việt Nam, sau khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam vào Liên minh kinh tế Á – Âu sẽ tăng 50%. Ngoài ra, FTA này cũng xem xét vấn đề đầu tiên là giảm rào cản thuế quan cho hàng dệt may của Việt Nam, nên nhóm hàng này sẽ đến được người tiêu dùng cuối cùng tại thị trường Nga nhờ lợi thế lớn về ưu đãi thuế quan so với các nước không tham gia FTA này khi xuất khẩu sang Nga.
Đại sứ Nga tại Việt Nam, ông Konstantin Vnukov, cho rằng với hiệp định này, Việt Nam sẽ được tiếp cận có tính ưu đãi đối với một thị trường chung rộng lớn và đầy triển vọng của 5 nước.
Thách thức cần phải vượt qua
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận xét FTA Việt Nam - EAEU mang tính lịch sử, không chỉ vì Việt Nam là đối tác đầu tiên ký kết hiệp định này với EAEU mà còn đem đến cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, để tranh thủ được những lợi ích đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ hiệp định đối với từng dòng thuế, từng sản phẩm của doanh nghiệp mình xuất khẩu để tận dụng được tối đa ưu đãi.
Theo thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á - Âu; trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng: thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ…; số doanh nghiệp còn lại tham gia xuất khẩu nhưng kim ngạch không đáng kể. Và khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực, cơ hội của những doanh nghiệp này là rất lớn, nhưng bên cạnh đó cũng có những thách thức cần phải vượt qua. Đó là những trở ngại về giao thông, vận chuyển, thanh toán…
Theo các chuyên gia, trở ngại đầu tiên chính là vấn đề giao thông khi vận chuyển hàng hóa đến các nước trong EAEU khá xa xôi, khiến cho chi phí hàng hóa tăng lên. Theo ông Đặng Hoàng Hải, hiện nay, hàng hóa Việt Nam đi Nga mất 80 ngày, gây khó khăn cho hàng nhập khẩu vào các nước thuộc EAEU, đặc biệt là hàng nông sản. Tuy nhiên, ông Hải cũng kỳ vọng, sau khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực, việc mở cửa về vấn đề dịch vụ, đầu tư thì việc vận chuyển sẽ tốt hơn, giảm được chi phí, từ đó tạo “cú hích” để hàng hóa hai chiều tăng đột biến.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hệ thống tài chính ngân hàng của các nước trong EAEU và Việt Nam chưa hòa nhập, Việt Nam và các nước này chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường và hiện đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống thể chế. Với vấn đề thanh toán, để hỗ trợ doanh nghiệp, hai bên đã có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán bằng đồng nội tệ. Phương thức thanh toán này an toàn, đảm bảo lợi ích cho hai bên, đồng thời giảm thiểu rủi ro bằng việc thanh toán bằng USD.
Riêng với vấn đề hàng rào kỹ thuật, với những nỗ lực của Chính phủ thì hàng rào này đã cải thiện nhiều. Cụ thể, trong cuộc họp Ủy ban Liên minh Chính phủ Việt Nam - Nga, vấn đề hàng rào kỹ thuật đã được đặt ra và đạt cam kết rõ ràng khi hai bên cũng thống nhất dỡ bỏ hàng rào mà hiện nay đang gây cản trở thương mại.
Theo ông Đặng Hoàng Hải: “Để tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định mang lại, hai bên cần đưa ra những biện pháp hỗ trợ cụ thể về vận tải, hải quan, chính sách, linh động giúp Hiệp định mang lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu.”
Thương mại song phương đạt 10 tỉ USD vào năm 2020 Theo tính toán của Ủy ban kinh tế Á - Âu, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU với Việt Nam có thể làm tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên đến 8-10 tỷ USD vào năm 2020. Trong năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế. |