Những ngày này, ở hầu hết các trại cải tạo giam giữ, các cơ sở giáo dục bắt buộc đang hối hả, khẩn trương cho các hoạt động chuẩn bị cho ngày trở về của những phạm nhân được đề nghị đặc xá đợt trong dịp 2/9 năm nay.
Song, trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước KX.04.14 năm 2014 của Bộ Công an cho thấy, tỷ lệ tái phạm tội trung bình ở Việt Nam là 27% - một con số đáng lo ngại.
Vậy, làm thế nào để người chấp hành xong án phạt tù có thể tái hòa nhập thành công thực sự là bài toán không hề đơn giản với các cơ quan chức năng. Nhưng, tại trại giam Thủ Đức, hơn 10 năm qua, Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ đang cùng những phạm nhân nơi đây viết nên những câu chuyện về lòng nhân ái, nghị lực sống và khát vọng hoàn lương.
Xây tương lai trên chính lỗi lầm
Năm 2005, khi nhận được quyết định đặc xá, anh Hoàng Tú Mai đối diện với thực tế đớn đau: Nhà cửa tan nát, vợ bỏ đi, con gái phải gửi người em ruột nuôi dưỡng mãi tận Hà Nội. Muốn làm lại cuộc đời, anh đã xin việc tại nhiều nơi, song chỉ được một thời gian ngắn là người ta phát hiện ra anh đã từng ở tù liền cho anh thôi việc. Lang thang vô định trên bãi biển, anh thấy một cụ già đang đi lượm rác để bán phế liệu. Anh cay đắng tự nhủ, không lẽ mình cũng là rác rưởi làm vấy bẩn cuộc đời như những đống rác kia hay sao?
Cũng giống như anh Mai, năm 2012, chị Nguyễn Thị Thu Thủy cũng đã rất hoang mang khi mình được đặc xá. Điều kiện kinh tế khó khăn, lại thêm mặc cảm, tự ti về những lỗi lầm mà mình đã gây ra, chị đã rất thấp thỏm, âu lo bởi không biết sẽ phải về đâu, làm gì và bắt đầu cuộc sống mới ra sao? Có lúc chị từng nghĩ sẽ xin ở lại luôn trong trại đến hết đời…
Hướng nghiệp, dạy nghề ở Trại giam Thủ Đức
Câu chuyện của họ cùng những gì mà họ đã và sẽ phải đối mặt trong hành trình tái hòa nhập cộng đồng của mình là hoàn cảnh chung, tâm trạng chung của hàng vạn phạm nhân chấp hành xong án phạt tù mỗi năm trên cả nước. Là người dành cả đời mình cho ngành Cảnh sát trại giam, từ trực tiếp tham gia giáo dục cải tạo phạm nhân, nắm bắt được tâm tư của họ trong suốt quá trình thụ án đến công tác quản lý vĩ mô, hoạch định phương hướng, biện pháp cải tạo theo quy luật phát triển của xã hội nên đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị trại giam Thủ Đức hiểu rằng, tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta với nhiều quy định cụ thể của pháp luật đã và đang phát huy được hiệu quả trong hoạt động thực tiễn.
Tại Thủ Đức, mỗi khi có thêm một đợt phạm nhân mới nhập trại, là đội công tác giáo dục lại tất bật chuẩn bị cho các hoạt động giáo dục dành riêng cho họ. Chương trình giáo dục công dân vào các tối thứ Bảy hàng tuần tại các phân trại, khu giam giữ được lên lớp với nhiều hình thức sinh động, tránh lý thuyết suông và những so sánh nhạy cảm để giúp cho phạm nhân dễ tiếp nhận mà không chạnh lòng mặc cảm.
Thủ Đức cũng là đơn vị đi đầu của ngành trại giam trong việc phát động các phong trào thi đua trong phạm nhân như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; đọc sách và làm theo sách với chủ đề "Nói lời hay, hành động đẹp", cuộc thi vẽ tranh với chủ đề "Khát vọng hoàn lương", cuộc thi viết "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện... Các mô hình như "Xây dựng tổ đội phạm nhân văn hóa", "Tổ chức nếp sống kỷ luật, trật tự văn minh cho phạm nhân" hay các buổi tọa đàm, giao lưu "Hạt giống tâm hồn - Gieo niềm tin cuộc sống", "Thắp sáng ước mơ hoàn lương", "Ký ức hôm qua, niềm tin hôm nay"... đã mang lại những bài học cuộc sống có giá trị và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều phạm nhân tham gia thi đua tiến bộ.
Từ những phong trào thi đua, nhiều phạm nhân đã phát huy được năng khiếu của mình và giúp cho Ban Giám thị cùng Hội đồng quản giáo có thêm nhiều sáng kiến trong cải tạo giáo dục phạm nhân. Sau 7 năm kể từ ngày rời trại, anh Nguyễn Xuân Bàn ở xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La mới có dịp quay lại nơi mình cải tạo sau khi vượt quang đường gần 2000 cây số. Từ một tử tù được Chủ tịch nước ân xá, hiện anh là chủ một trang trại cây giống và còn đảm nhận chức danh Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc thôn Tông Lạnh, nơi anh cư trú.
Thiếu tá Võ Hồng Kiên, Đội trưởng Đội giáo dục trại giam Thủ Đức đưa chúng tôi đi tham quan các xưởng sản xuất của trại. May mặc, đan lát, tin học văn phòng, điện tử - điện lạnh, xây dựng dân dụng, trồng thanh long... Gần 30, nghề và loại hình lao động thủ công đã được dạy và tổ chức lao động trong nhiều năm qua tại trại giam Thủ Đức với mong muốn giúp phạm nhân có thêm kỹ năng, tay nghề vững để tìm được việc làm ổn định sau khi hết án. Mỗi năm có hàng ngàn phạm nhân được học nghề và lựa chọn nghề phù hợp với sở trường của mình. Đây là việc làm rất cần thiết bởi trong trại giam, đó là cải tạo con người thông qua lao động, tìm thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống của phạm nhân trong trại.
Từ trại giam đến niềm kiêu hãnh
Chính những bài học từ lớp học may công nghiệp trong trại giam và khoản tiền hỗ trợ từ Quỹ tái hòa nhập cộng đồng đã giúp chị Nguyễn Thị Thu Thủy có được thành công như ngày hôm nay. Vào trại với mức án 18 năm tù, chị đã nghĩ, đời mình đã hết cơ hội vươn lên. Nhưng, từng lời lành của các nữ quản giáo đã khiến chị tự mình vực dậy, tích cực học nghề và có được tay nghề cao. Năm 2013, được ra tù trước thời hạn, gom góp số tiền tích lũy được trong những ngày lao động tại trại và sự giúp đỡ của người thân, chị mua 10 chiếc máy khâu mở xưởng may gia công cho các doanh nghiệp tại tỉnh Trà Vinh. Công việc thuận lợi, chị mạnh dạn thành lập công ty và trở thành chủ một doanh nghiệp tư nhân với 70 công nhân, trong đó có 12 người từng là phạm nhân.
Còn sự thành công của anh Ngô Liên Hoàn, hiện là Giám đốc Công ty xây dựng Liên Hoàn tại phường Xuân An, TP. Phan Thiết lại minh chứng cho sự vào phối hợp chặt chẽ giữa trại giam và địa phương - nơi người chấp hành xong án phạt tù cư trú. Nhờ sự đồng thuận này, trong đó, đặc biệt phải kể đến vai trò của Công an phường Xuân An và thiếu tá Ngô Chiến Thắng, Cảnh sát khu vực phường Xuân An, anh Ngô Liên Hoàn đã dần lấy lại sự tự tin và hòa nhập thành công. Nhờ nghề xây dựng được học trong trại giam, sự giới thiệu, bảo đảm của Công an phường, anh đã lập đội xây dựng và nhận được những công trình nhỏ. Không lâu sau đó, anh đã là chủ của Công ty xây dựng Liên Hoàn với hơn 200 công nhân, trong đó có 50 người cùng hoàn cảnh như anh trước đây.
Anh Nguyễn Xuân Bàn chia sẻ những câu chuyện của mình về quá trình hoàn lương
“Rác còn có ích, không lẽ mình không có ích” - bài học không lời từ cụ già lượm rác đã khiến cho anh Hoàng Tú Mai bừng tỉnh. Quên đi những tháng ngày nhàn hạ, giàu sang nhờ những đồng tiên buôn bán ma túy, anh bắt đầu lại cuộc sống mới với hai bàn tay trắng. 10 năm dài với biết bao tháng ngày lấm lem, cực khổ bốc vác than đã gây dựng cho anh 2 cơ sở kinh doanh phế liệu và sản xuất chất đốt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh hôm nay. Những đồng tiền đẫm mồ hôi, nhọ nhem bùn than mang lại cho anh hạnh phúc hơn nhiều so với những tập tiền mệnh giá lớn khi buôn bán ma túy trước đây.
Sau 10 năm trở lại, anh Hoàng Tú Mai cùng 30 gương mặt tiêu biểu trong công tác tái hòa nhập cộng đồng của Trại giam Thủ Đức như anh Ngô Liên Hoàn, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, anh Nguyễn Xuân Bàn, Anh Nguyễn Văn Hậu… đã cùng chia sẻ những bài học cuộc sống, những buồn vui trong quá trình hoàn lương của mình. Phía sau thành công của họ là sự ủng hộ, hỗ trợ về tinh thần của người thân, của những người quản giáo của trại giam, chính quyền địa phương, công an khu vực và hang xóm, láng giềng…
Trở lại với trại giam Thủ Đức những ngày này, không khí làm việc tại các phân trại và các đội chức năng rất khẩn trương, tập trung chuẩn bị cho ngày trở về với những phạm nhân được đề nghị đặc xá đợt trong dịp 2/9. Các lớp tái hòa nhập cộng đồng, tư vấn pháp luật cũng đang vào những ngày cuối cùng. Các vấn đề mà hầu hết phạm nhân quan tâm như chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các thủ tục hành chính về đăng ký thường trú, tạm trú, làm CMND, xóa án tích; các vấn đề liên quan đến hướng nghiệp, quy định về điều kiện, thủ tục vay vốn để tạo việc làm; các thông tin về các cơ quan, doanh nghiệp cần tuyển việc làm… được các cán bộ giáo dục của trại và các giảng viên đến từ Trung tâm tư vấn pháp lý và đào tạo ngắn hạn trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Hội Luật gia tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Bình Thuận… giải đáp cặn kẽ.
Suốt buổi học, các phạm nhân chăm chỉ học tập, quyết bỏ lại quá khứ một thời lầm lỗi, bởi trước mắt họ là một tương lai tươi sáng với biết bao dự định của ngày về đang rộng mở. Từ những bài học hôm nay, các phạm nhân hiểu được rằng, trong mỗi hành trình tái hòa nhập trong tương lai của các phạm nhân, các cán bộ quản giáo, các cơ quan chức năng, gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh sẽ luôn đồng hành và ủng hộ các anh, chị. Bởi chỉ có tình thương yêu, thông cảm, sự giúp đỡ chân thành mới có thể giúp cho người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng trở lại với đời, hoàn thiện mình, trở thành một công dân lương thiện và có ích.