Đỗ Trọng Nghĩa là một bị cáo khá đặc biệt, y chỉ đang ở độ tuổi “teen”, thân thể gầy gò nhưng lại vượt trội nhiều can phạm khác ở bản tính hung hăng lỳ lợm. Thân phận của Nghĩa gắn liền với trại giam: Lên ngôi “đại bàng” trong trại giam, giết người trong trại giam và giờ đây phải vào trại giam chờ ngày đi thi hành bản án tử hình…
Nhìn vào phần lý lịch bị cáo của Đỗ Trọng Nghĩa (ngụ cư xá Thanh Đa, phường 21, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh), nhiều người không khỏi lắc đầu ngán ngẩm vì chuỗi thành tích bất hảo. Khởi đầu, Nghĩa bị Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt về tội Trộm cắp tài sản nhưng y được gia đình bảo lãnh về nhà giáo dục. Không chịu cải tà quy chính, Nghĩa tiếp tục có hành vi giao cấu với trẻ em, tuy nhiên do y chưa thành niên nên được giáo dục tại địa phương theo Nghị định 19/CP của Chính phủ. Trong thời gian này, Nghĩa nhiều lần đánh người gây thương tích rồi bỏ trốn. Y bị Công an quận Bình Thạnh bắt theo lệnh truy nã, sau đó lãnh án 8 năm tù, chấp hành án tại trại tạm giam Công an Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.
Cùng ở chung phòng số 7 với Nghĩa còn có các bị can Phan Võ Tấn Lộc, Huỳnh Văn Cảnh, Lý Phong Phú, Hồ Quán Trung, Hoàng Phú Cường.
Nghĩa chia thứ bậc các can phạm trong phòng giam thành nhiều thành phần khác nhau, theo phân định của mâm cơm: mâm trên, mâm dưới và mâm mồ côi. Nghĩa nắm quyền hành cao nhất nên duy nhất ngồi mâm trên; 4 tên đàn em thân tín nhất của Nghĩa: Tấn Lộc, Văn Cảnh, Phong Phú, Quán Trung được ưu ái sắp ngồi vào hàng thứ 2: Mâm dưới; những can phạm còn lại phải ngồi ở hàng “hẻo” nhất: mâm mồ côi.
Theo quy định của Nghĩa, các can phạm ở mâm dưới phải phục vụ cho các can phạm ở mâm trên, cụ thể như xếp mùng, dọn chỗ nằm, lau miệng sau khi ăn cơm, lau nhà, giặt quần áo, rửa chén và rửa nhà vệ sinh… Nếu can phạm nào không chấp hành hay bày tỏ thái độ chống đối đều bị Nghĩa trực tiếp đánh đập hoặc sai 4 tên thuộc hạ thân tín: Lộc, Cảnh, Phú, Trung ra tay hành hạ. Khi đánh bất cứ một can phạm nào, Nghĩa đều tỏ ra cáo già, bắt các can phạm khác phải úp mặt vào tường hoặc xuống đất để không nhìn thấy, không thể khai báo.
Định mệnh của Nghĩa xảy đến khi phạm nhân Trần Ngọc Phúc (SN 1966, ngụ tại Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh can tội Tàng trữ trái phép các chất ma túy) nhập phòng số 7. Ngay trong ngày đầu, Phúc đã bị Nghĩa ra lệnh đàn em đánh đập nhiều trận cảnh cáo. Trong thâm tâm, Phúc nghĩ rằng mình là người lớn tuổi nhất phòng nên không phục “đại bàng” nhỏ tuổi, nhiều lần lơ là không làm đúng quy định của Nghĩa. Do đó Phúc trở thành đối tượng cho Nghĩa và đám thủ hạ của y thường xuyên gây hấn, đánh đập.
Cho đến một ngày Phúc không được Nghĩa cho ăn sáng nên rất đói. Thấy tô mì của Phan Tấn Vinh (thuộc mâm dưới) còn thừa, Phúc bưng lấy ăn ngấu nghiến. Lấy cớ tại sao Phúc không đổ mì sang chén của mình mà dám “hỗn xược” cầm tô của Vinh để ăn, Nghĩa ra lệnh cho Tấn Lộc, Phong Phú đánh Phúc.
Trong hai ngày liền, “đại bàng” Đỗ Trọng Nghĩa cùng đám cận đệ tử tiếp tục đánh đập Phúc mặc dù nạn nhân quỳ lạy van xin khiến nạn nhân sưng vù mặt mày, ho ra máu. Nhẫn tâm hơn, bọn chúng còn cấm không cho Phúc ho khạc. Mỗi khi bị ngạt thở, ôm ngực ho sặc sụa là Phúc bị bọn chúng đánh đòn. Dù đã bị chấn thương trầm trọng, nằm bất động trước những trận đòn của những kẻ không còn tính người nhưng Phúc tiếp tục bị đánh cho đến hôn mê.
Ban giám thị trại giam phát hiện đưa Phúc vào bệnh viện Gia Định cấp cứu nhưng nạn nhân chết sau 3 ngày nhập viện. Hải và đồng bọn lập tức bị khởi tố về tội Giết người.
Trại giam là nơi những con người có một thời lầm lỡ cải tạo, điều chỉnh bản thân. Những tháng ngày nhìn đời qua chấn song sắt của nhà tù giúp phạm nhân sám hối để khi hoà nhập cộng đồng họ sẽ sống tốt hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi ngồi trong trại giam, Nghĩa và những tên đàn em của y vẫn tiếp tục dấn sâu vào con đường tội ác, phạm thêm trọng tội. Toà nhận định Đỗ Trọng Nghĩa không còn khả năng cải tạo nên tuyên phạt y mức án tử hình. Chỉ đến khi lên xe về trại giam, nhận thức được hậu quả, Nghĩa mới sợ đến mức không lê nổi gót chân. Rồi đây trong thời gian chờ ngày ra pháp trường, Nghĩa sẽ phải sống trong sự sám hối muộn màng.
An Dương