Kết thúc phần tranh luận, khi được HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng, Dương Chí Dũng: 'cho bị cáo được sống để bị cáo đền đáp Đảng, Nhà nước và chăm lo cho gia đình'.
11h35: HĐXX tuyên bố nghỉ để nghị án. HĐXX sẽ tuyên án vào 14h chiều ngày 7/5/2014.
11h33: Riêng ba bị cáo trong nhóm hải quan, các bị cáo mong HĐXX xem xét việc xác định ụ nổi có phải là tàu biển hay không. Nếu ụ nổi không phải là tàu, các bị cáo xin HĐXX tuyên vô tội. Còn nếu có tội, các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và bồi thường dân sự.
11h29: Bị cáo Trần Hải Sơn: "Thưa HĐXX, bị cáo đã nhận thức được hành vi sai trái của mình. Được nói lời sau cùng, bị cáo kính mong HĐXX xem xét và bị cáo cũng mong trong thời gian tới, gia đình bị cáo sẽ giúp đỡ để khắc phục một phần hậu quả". Cũng được HĐXX cho phép nói lời sau cùng, các bị cáo còn lại đều mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Các bị cáo hứa sẽ cố gắng khắc phục một phần hậu quả mà mình đã gây ra.
11h23: Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Mai Văn Phúc xin HĐXX minh oan cho mình ở cả hai tội danh Cố ý làm trái và Tham ô tài sản. Mai Văn Phúc nói: "Bị cáo về nhậm chức chỉ có một động cơ mục đích duy nhất đó là hoàn thành tốt nhất công việc của mình tại Tổng công ty. Tuy nhiên, sự việc ngoài ý muốn vẫn xảy ra, bị cáo xin HĐXX xem xét khách quan cho bị cáo. Bị cáo cũng xin nhận một phần trách nhiệm của mình. Bị cáo cùng gia đình xin hứa sẽ tiếp tục khắc phục một phần hậu quả mình đã gây ra".
11h10: HĐXX kết thúc tranh luận. Các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án. Bị cáo Dương Chí Dũng nói: Bị cáo xin HĐXX cho bị cáo được sống để bị cáo đền đáp ơn Đảng, Nhà nước và chăm lo cho gia đình.
10h55: Luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo hải quan nêu quan điểm bào chữa. Luật sư cho rằng, HĐXX cần xem xét xác định khái niệm ụ là tàu bởi nó liên quan trực tiếp đến tội danh của nhóm bị cáo hải quan.
Các bị cáo đang lắng nghe phần nêu quan điểm tranh luận của luật sư
10h49: Luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng còn nhiều vấn đề phải bàn trong vụ án. Kết quả tái thẩm vấn theo ông Hưng rất có ý nghĩa chứ không như đánh giá của VKS. Các bị cáo theo đó không có sự cấu kết, liên hệ chặt chẽ với nhau để thực hiện các hành vi phạm tội. Trong vụ án này, theo ông Hưng, cần đánh giá chứng cứ trên nền nguyên tắc án hình sự, việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan điều tra, tố tụng.
10h45: Luật sư Lê Minh Công nêu quan điểm tranh luận trước HĐXX. Luật sư Công cho rằng, HĐXX cần xem xét đến việc các bị cáo đã ký nháy lên báo cáo. Thêm vào đó, cần phân biệt người ký nhận, người ký chính và người ký nháy.
10h30: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc nêu quan điểm. Luật sư Thiệp xin bảo lưu những nội dũng đã bào chữa cho bị cáo Phúc vào chiều ngày 23/4. Ngoài ra, ông Thiệp nêu thắc mắc, tại sao các tài liệu mới mà phía Nga cung cấp có từ năm 2013. Tuy nhiên, đến phiên tòa ngày hôm nay các tài liệu này mới được mang đến cho HĐXX phúc thẩm. "Đó là chưa kể những tài liệu mà phía Nga cho biết họ sẽ tiếp tục chuyển đến sau", luật sư Thiệp nói. Luật sư Thiệp cũng thắc mắc về hình thức, giá trị pháp lý và người dịch các tài liệu mới này. "Về hình thức đã không đảm bảo, về nội dung lại không có gì chứng minh tính xác thực thì không thể đưa ra làm chứng cứ được", luật sư nói.
Luật sư Thiệp cho rằng, tất cả các khâu ban đầu từ việc nhận chào giá, liên hệ, thỏa thuận và trao đổi, kể cả việc nhận khoản tiền 1,666 triệu USD đều là bị cáo Trần Hải Sơn chứ không phải hai bị cáo lãnh đạo (Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc).
10h15: Luật sư Triển nêu quan điểm tranh luận. Theo luật sư, bị cáo Dũng đi lúc 15h, máy bay cất cánh lúc 15h30 theo quy định của hàng không chứ không phải là lúc 15h. VKS cũng không căn cứ vào lời khai của lái xe Quỳnh để kết luận. Anh Quỳnh khai rằng, có một lần anh đến đón bị cáo Sơn (không nhớ thời gian, không nhớ rõ địa điểm) tại khách sạn và đưa anh đi ăn. Lời khai này của anh Quỳnh không rõ ràng, chưa đủ căn cứ làm chứng cứ.
10h05: Các luật sư nêu ý kiến bổ sung về bản kết luận mới của đại diện VKS. Luật sư Thủy: Tôi băn khoăn rằng tại sao phần bổ sung chỉ có 1 vị đại diện VKS, vị còn lại vắng mặt. Như vậy thì có hợp pháp hay không?
Luật sư Thủy cho rằng: Việc anh Quỳnh lái xe cho Sơn, được Tòa sơ thẩm cho là người chứng kiến sự kiện đưa tiền. Việc này HĐXX cần thẩm định lại, lấy lại lời khai của anh Quỳnh để làm rõ hành vi lái xe đưa bị cáo Sơn đi đưa tiền. Cho đến giờ phút này, vị đại diện của Ngân hàng Hàng hải cũng chưa đưa ra được các giấy tờ, chứng từ cho thấy bị cáo Sơn rút tiền tại ngân hàng này.
Tiếp theo, luật sư Thủy nêu quan điểm về các tài liệu mới từ phía Nga cung cấp. Các tài liệu này cũng mới chỉ ra được một phần của vụ án. Chúng ta cần làm rõ có sự thỏa thuận giữa công ty GS và công ty AP về việc ăn chia tiền hoa hồng,.. Cần làm rõ ai là người quyết định việc ăn chia số tiền 1,666 triệu USD từ dự án mua ụ nổi 83M. Bị cáo Sơn trong quá trình xét hỏi, lúc thì khai là không nhớ, lúc thì khai là nhớ không rõ. Như vậy chưa đủ căn cứ để buộc tội chết cho hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.
Cuối cùng, luật sư Thủy kết luận: Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, đề nghị HĐXX hoàn trả hồ sơ cho cơ quan công an, điều tra lại vụ án này.
10h00: Sau khi hỏi bị cáo Sơn, tòa tiếp tục hỏi bị cáo Khang: Bị cáo Khang có ý kiến gì tranh luận bổ sung gì thêm không?
Bị cáo Khang: Dạ có. Thưa HĐXX, sau khi nghe kết luận của VKS, bị cáo vẫn thấy rằng VKS không làm rõ được hành vi của bị cáo. Với bị cáo thì không có gì mới, vẫn là kết luận như vậy. Thưa HĐXX, đến giờ phút này thì VKS vẫn chưa đưa ra được rằng bị cáo có hành vi làm trái ở chỗ nào. Bị cáo có đủ bằng chứng chỉ ra rằng, hành vi của bị cáo là vô tình làm sai chứ không cố ý, cố tình làm trái.
Tòa hỏi: Bị cáo Dương có ý kiến gì bổ sung không?
Bị cáo Dương: Bị cáo không.
9h50: HĐXX hỏi bị cáo Sơn. Tòa hỏi: Bị cáo có tranh luận gì thêm không?
Sơn trả lời: Bị cáo không có ý kiến gì.
Tòa hỏi: Bị cáo Chiều, có tranh luận bổ sung gì thêm không?
Bị cáo Chiều: Bị cáo có rất nhiều ý kiến. Thưa HĐXX, những phần liên quan đến bị cáo thì để luật sư bào chữa cho bị cáo nêu quan điểm bào chữa. Bị cáo chỉ kính mong HĐXX xem xét làm rõ hành vi, thủ đoạn của công ty Phú Hà để chiếm đoạt số tiền 1,666 triệu USD do công ty AP gửi về. Bị cáo cũng mong HĐXX làm rõ rằng, có phải một mình bị cáo Sơn lập ra HĐ khống để lấy số tiền 1,666 triệu USD hay không? Hay là có thêm người khác chỉ đạo bị cáo Sơn lập ra bộ HĐ khống này. Bị cáo cũng mong HĐXX xác định rõ, ụ nổi có phải là tàu hay không?
9h43: HĐXX xét hỏi bị cáo Dũng, có tranh luận gì với phần công bố kết luận của VKS không? Bị cáo: Dạ không. HĐXX hỏi bị cáo Phúc cũng với câu hỏi trên. Bị cáo Mai Văn Phúc nói: Thưa HĐXX, bị cáo có rất nhiều điểm cần tranh luận với VKS. Bị cáo Mai Văn Phúc đề nghị HĐXX làm rõ các khoản tiền mà em gái bị cáo Sơn đã chuẩn bị cho Sơn. Mai Văn Phúc cho rằng, HĐXX cần làm rõ Sơn lấy đâu ra 6 tỷ để đưa cho bị cáo, trong khi Sơn khai không hề vay ai một khoản nào.
9h34: Về HĐLĐ của anh Quỳnh, luật sư có xuất trình 1 bản HĐLĐ với thời hạn thử việc 1 tháng, tại tòa, bị cáo Sơn cũng khai là Quỳnh lái xe cho Sơn từ khi thành lập công ty. Tuy bản HĐ mà luật sư cung cấp chưa có công chứng, tuy nhiên đại diện VKS cũng vẫn xem xét và cho rằng, bản HĐ cũng chưa phải là đủ căn cứ để xem xét là một chứng cứ trong vụ án. Về việc HĐXX có nhận được kết quả tương trợ tư pháp từ phía Nga, VKS cho rằng: Trình tự về việc nhận các kết quả tương trợ tư pháp như vậy là đúng quy định của pháp luật. Nội dung các tài liệu tương trợ tư pháp đề cập đến, VKS thấy nó cũng không có ảnh hưởng gì đến kết luận của VKS về hành vi phạm tội của các bị cáo. Quan điểm của VKS là giữ nguyên những kết luận mà VKS đã nêu trước đó tại phiên tòa phúc thẩm.
9h25: HĐXX công bố kết thúc phần xét hỏi các bị cáo và những người có quyền nghĩa vụ liên quan và chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKS kết luận các vấn đề mới thể hiện. Đại diện VKS cho rằng phần xét hỏi thêm tập trung vào các chứng cứ, tài liệu mới luật sư xuất trình lại phiên tòa để đánh giá hành vi các bị cáo, tiếp nhận kết quả tương trợ tư pháp, ngoài ra thì nhiều vấn đề lặp đi lặp lại.
Đại diện VKS: Về vấn đề luật sư Triển xuất trình vé máy bay của Dương Chí Dũng bay vào TPHCM và hợp đồng lao động của lái xe Quỳnh. Đại diện VKS cho rằng những vấn đề này chưa có cơ sở. Lúc đó Dương Chí Dũng đang ở trên máy bay nên việc Sơn gọi điện thoại hẹn gặp Dũng là không có cơ sở.
9h16: Đại diện Ngân hàng Hàng hải được yêu cầu trình bày kết quả xác minh việc rút tiền của Trần Hải Sơn. Ông này nêu rõ, đã tra soát suốt cả đêm qua cũng không tìm ra được giao dịch nào của người này. Ông này đề nghị xin cho thêm thời gian để có thể trả lời chắc chắn về việc này.
“Cho đến thời điểm này thì không có giao dịch nào như yêu cầu tra soát của tòa” – đại diện ngân hàng Hàng hải nêu rõ.
9h10: Luật sư Được đặt câu hỏi cho nhân chứng Trần Thị Hải Hà. Luật sư hỏi: Chị có nhớ là đã rút số tiền hơn 19 tỷ đồng tiền mặt chuyển cho anh trai là Trần Hải Sơn không? Chị Hà: Tôi không thể nhớ được. Những gì tôi đã khai tại CQĐT, tôi xin bảo lưu. Sau đó, Luật sư Được tiếp tục hỏi nhân chứng Huyền.
8h50: HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Trần Hải Sơn. Tòa hỏi: Bị cáo có nhớ các khoản tiền mà bị cáo đã rút được rút ở đâu không? Trần Hải Sơn: Bị cáo không nhớ hết. Tòa hỏi: Thực tế bị cáo có ký HĐ hàng tháng với lái xe Quỳnh không? Bị cáo Sơn xác nhận: Có ký.
8h45: Luật sư Hưng không đồng tình với quan điểm của VKS. Theo ông Hưng các tài liệu mới là được dịch bởi một người nào đó chưa được chứng thực khả năng dịch thuật.
8h37: Sau khi các luật sư nêu ý kiến, HĐXX cho rằng: Toàn bộ hồ sơ gốc tòa đã nhận được thông qua VKSND Tối cao. Thông qua ý kiến của các LS, HĐXX sẽ xem xét nội dung này hợp pháp hay không hợp pháp. Đại diện VKS cho biết: Sau khi nghiên cứu tài liệu mới, đại diện VKS nhận xét, việc chuyển các tài liệu mới đã được tiến hành đúng trình tự của VKSND Tối cao, phù hợp với quy định của pháp luật. Đại diện VKS cho biết: Sau khi nghiên cứu tài liệu mới, đại diện VKS nhận xét, việc chuyển các tài liệu mới đã được tiến hành đúng trình tự của VKSND Tối cao, phù hợp với quy định của pháp luật. Còn tài liệu này nếu tòa thấy thiếu, cho rằng không có thì không thể đủ cơ sở tuyên các bị cáo có tội thì VKS cũng sẵn sàng đề nghị tuyên hủy án sơ thẩm, điều tra lại.
8h35: Cuối cùng, các Luật sư đề nghị HĐXX bỏ các tài liệu mới ra ngoài, không sử dụng làm chứng cứ để tiếp tục xét xử.
8h30: Tiếp lời luật sư Thiệp, luật sư Triển cho rằng: Các tài liệu mới này không có công chứng, không có bản gốc để đối chiếu. Đặc biệt, nếu theo nội dung các tài liệu mới này thì rõ ràng Dương Chí Dũng không hề có mối liên hệ nào với phía Nga. Điều này rất có lợi cho Dương Chí Dũng. Các luật sư còn lại cũng đồng tình, cho rằng bộ tài liệu mới chỉ bao gồm bản dịch ra tiếng Việt, không theo một trình tự nào theo luật Tố tụng. Quan điểm của luật sư cho rằng cần phải có bản gốc để đối chiếu nhằm xác định tính chính xác. Ngoài ra, cần có một cơ quan có thẩm quyền dịch thuật, xác định tính pháp lý của bộ tài liệu mới này.
Toàn cảnh phiên xét xử Dương Chí Dũng sáng 29/4
8h25: Sau khi công bố nội dung các tài liệu mới, Luật sư Thủy đặt câu hỏi: Tòa sẽ tiếp nhận hồ sơ mới này là loại hồ sơ gì của vụ án? Là hồ sơ gì về mặt tố tụng của vụ án? Cá nhân luật sư Thủy cho rằng, các tài liệu mới này tuy đã có cam kết của người dịch nhưng lại chưa có công chứng chứng thực. Ông cũng thắc mắc rằng họ không có được bản gốc tiếng Nga để đối chiếu, cho nên tính xác thực của các tài liệu mới này cần được xem xét.
Tiếp đó, luật sư Thiệp nêu ý kiến: Ông cũng đề nghị HĐXX xem lại về mặt hình thức theo quy định lại Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai quốc gia. Các tài liệu mới này không thỏa mãn về mặt hình thức về mặt chứng cứ.
8h15: Cũng trong số tài liệu mới phía Nga cung cấp, có biên bản thẩm vấn Tổng GĐ Công ty CP Nakhodka. Ông này nói rằng chính ông Goh là người đại diện công ty AP đàm phán, ký HĐ và mua ụ nổi của công ty Nakhodka. HĐ được ký giữa ông Goh và ông Tổng GĐ Công ty Nakhodka, ký tại VP làm việc của ông tại thành phố Nakhodka (Nga).
8h10: Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn công bố nội dung tóm tắt của các tài liệu mới mà HĐXX nhận được từ phía Nga. Trong đó, tài liệu đề cập đến một công dân Nga, là đại diện của công ty môi giới GS tại Nga. Công dân này là người đã tham gia ký HĐ với công ty AP. Khi được hỏi, công dân này đã trả lời rằng, ông không hề biết về khoản tiền được chuyển về Việt Nam thông qua công ty Phú Hà. Nghĩa là, công dân này đã khai rằng không hề biết về số tiền 1,666 triệu USD từ dự án mua ụ nổi.
Dương Chí Dũng và các bị cáo đã có mặt đầy đủ tại phiên xử phúc thẩm ngày thứ 6 (29/4)
Ngày hôm nay (29/4), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xét xử Dương Chí Dũng và các bị cáo trong vụ án Vinalines.
Kết thúc ngày hôm qua (28/4), trong khi phiên tòa đang tiếp tục thì HĐXX nhận được các tài liệu về kết quả tương trợ tư pháp từ Nga do Viện KSND tối cao vừa cung cấp.
Trong các tài liệu này có biên bản thẩm vấn các nhân chứng ở Nga, bản xác nhận của phòng nội vụ Nakhodka, Nga về ụ nổi và các hợp đồng mua bán. Do các tài liệu này nhiều nội dung và mới nhận, các luật sư chưa có điều kiện để nghiên cứu nên tòa phô tô để cho các luật sư nghiên cứu và tạm dừng phiên tòa.
Dự kiến, sáng ngày hôm nay HĐXX sẽ tiếp tục phần xét hỏi và tranh tụng. Nội dung chủ yếu sẽ tập trung vào những tài liệu mà HĐXX mới thu thập được.
10 bị cáo bị TAND Hà Nội tuyên phạt ở cấp sơ thẩm: 1. Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.Tổng án phạt là tử hình. 2. Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là tử hình. 3. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines) 14 năm tù về tội Tham ô, 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 22 năm tù. 4. Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 19 năm tù. 5. Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. 6. Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) 4 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. 7. Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên - Cục đăng kiểm Việt Nam) 7 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. 8. Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) 8 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. 9. Lê Ngọc Triện (Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. 10. Lê Văn Lừng (Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Ngoài ra, HĐXX buộc các bị cáo trả lại số tiền 28 tỷ đồng tham ô, liên đới bồi thường số tiền hơn 366 tỷ đồng do hành vi làm trái quy định nhà nước. Trong đó, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người phải bồi thường 110 tỷ đồng. |