Theo luật sư, hành vi cướp, giật túi xách là phạm tội, nhưng không nên khuyến khích người dân truy đuổi theo đối tượng. Trường hợp đối tượng tử vong trong quá trình truy đuổi, người gây ra cái chết cho đối tượng có thể bị xử lý hình sự.
Rạng sáng ngày 26/4, anh H.Q.B. lái ô tô chở chị N.T.H.H (21 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) lưu thông trên xa lộ Hà Nội, hướng quận 2 (TP.HCM) về Đồng Nai. Khi đổ hết dốc cầu Rạch Chiếc (phường Phước Long A, quận 9), anh B. dừng xe đi vệ sinh. Lúc này Nguyễn Thế Ngọc cùng Nguyễn Hoàng Lâm (30 tuổi) đi trên xe máy chạy tới mở cửa ô tô, giật túi xách trên tay chị H. rồi tăng ga bỏ chạy.
Nghe chị H. hô hoán, anh B. lái ô tô truy đuổi. Hai tên cướp chạy vào đường Nam Hòa, rẽ phải vào đường Thủy Lợi. Chạy hết đường Thủy Lợi thì vào đường cụt nên hai tên cướp bị ô tô của anh B. tông thẳng từ phía sau.
Cú tông mạnh làm xe máy vỡ nát, bay vào vách tường, hai tên cướp ngã ra đường, Nguyễn Thế Ngọc bị thương nên bị anh B. cùng người dân gần đó bắt giữ giao cho Công an phường Phước Long A.
Trong lúc làm việc tại Công an phường Phước Long A, thấy Nguyễn Thế Ngọc có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nên công an đã đưa Ngọc đi bệnh viện cấp cứu. Sáng cùng ngày, Ngọc tử vong. Công an quận 9 cho biết nguyên nhân tử vong của Nguyễn Thế Ngọc (37 tuổi), nghi can giật túi xách, là do vỡ bàng quang.
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã nêu quan điểm về việc liệu lái xe có phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan tới cái chết của tên cướp trong tình huống trên?
Luật sư Quách Thành Lực cho biết, theo khoản 2 Điều 5 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm: “Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm".
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
Tuy vậy giới hạn của hành động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm được Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định tại Điều 111 bắt người phạm tội quả tang: “Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất".
Và Điều 112 bắt người đang bị truy nã “Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất”.
Pháp luật quy định công dân có nghĩa vụ đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng chỉ được giới hạn trong những trường hợp cụ thể chứ không phải mọi trường hợp công dân đều có quyền thực hiện hành vi đấu tranh, chống tội phạm.
Khi thực hiện hành động ngặn chặn, đấu tranh, tấn công người thực hiện hành vi phạm tội gây ra hậu quả thương tích, thiệt hại vật chất sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự khi thuộc trường hợp khoản 1 điều 24 "Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội": “Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm”.
Qua những gì mô tả của sự việc, Luật sư Lực nhận định hành vi phạm tội cướp giật đã chấm dứt, người truy đuổi đã sử dụng ôtô để truy đuổi đâm vào đối tượng khiến đối tượng tử vong. Như vậy người truy đuổi biết hành vi của mình là nguy hiểm cho đối tượng, hiểu được ôtô là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng đã đâm vào đối tượng gây ra thiệt hại sức khỏe, tính mạng của người phạm tội lớn hơn mức thiệt hại tài sản của tội cướp giật.
Hành vi gây thiệt hại trên thuộc khoản 2 điều 24 Bộ Luật hình sự “Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự".
Theo Luật sư Lực, nhiều khả năng trong trường hợp này người truy đuổi gây ra cái chết cho kẻ phạm tội trộm cắp sẽ bị xem xét xử lý về hành vi theo Điều 126: Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
“Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Ở góc độ lập pháp các nhà làm luật nên quy định cụ thể, chi tiết đơn giản hơn để người dân có thể dễ hiểu, dễ tiếp cận vận dụng trong lúc bảo vệ tài sản, đấu tranh phòng chống tội phạm. Ngoài ra người dân cũng nên giành thời gian tìm hiểu các quy định pháp luật giúp cho những hành động của mình phù hợp với pháp luật, tránh những rủi ro pháp lý.