Charlie Hebdo, tờ báo trào phúng của Pháp, vừa cho đăng 2 bức tranh biếm họa được cho là nhằm nhạo báng vụ máy bay Nga rơi ở Sinai, Ai Cập, truyền thông Nga đưa tin.
Đầu năm 2015, toàn nước Pháp và cộng đồng quốc tế rúng động bởi vụ tấn công trụ sở tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo ở Thủ đô Paris khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 10 nhà báo và 2 sĩ quan cảnh sát bảo vệ tòa nhà; 11 người khác bị thương, trong đó có 4 người bị thương rất nặng.
Diễn biến liên quan sau đó có thêm 1 cảnh sát và 4 con tin ở một siêu thị bị bắn chết. Trong chiến dịch đột kích của cảnh sát Pháp, 3 nghi phạm đã bị bắn chết, 1 cảnh sát bị thương.
Nguyên nhân dẫn đến vụ thảm sát này được xem như hành động trả thù của những tín đồ Hồi giáo vì Charlie Hebdo “dám nhạo báng” đấng tối cao của họ - Nhà tiên tri Muhammad.
Thế nhưng, bất chấp vụ việc đã xảy ra, mới đây, hồi tháng 9, khi châu Âu nóng lên bởi cuộc khủng hoảng di cư, hình ảnh một cậu bé người Syria Aylan Kurdi bị chết đuối trong hành trình nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải lại bị Charlie Hebdo dùng là “ý tưởng” cho tranh biếm họa của mình.
Trước đó, MH370 cũng không nằm ngoài “tầm ngắm” của tờ tạp chí trào phúng này.
Thảm kịch trở thành “ý tưởng sáng tác”… tranh biếm họa
Mặc dù đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nặng nề, thế nhưng, ngay tại thời điểm nay, trong khi Ủy ban điều tra đang tích cực giải mã dữ liệu hộp đen chiếc máy bay A321 để tìm ra nguyên nhân thảm họa nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành hàng không Nga xảy ra hôm 31/10 vừa qua, mới đây, Charlie Hebdo lại tiếp tục đăng tải 2 bức tranh biếm họa được cho là nhằm nhạo báng vụ tai nạn này.
News 4 U - trang tin tổng hợp tin tức mới nhất của Nga bản tiếng Anh - dẫn lại bài viết đăng trên Life News (tiếng Nga) cho biết: Bức tranh thứ nhất vẽ một trong số những hành khách và mảnh vỡ máy bay đang từ trên trời rơi xuống; phía dưới là một người đàn ông có râu trong trang phục dân Arập du cư, sau lưng đeo súng, hai tay đang ôm đầu. Bức tranh được chú thích: “Daesh (tức IS): Máy bay Nga tăng cường ném bom”.
Bức tranh thứ nhất vẽ một trong số những hành khách và mảnh vỡ máy bay đang từ trên trời rơi xuống, một người đàn ông đang ôm đầu. Ảnh: Twitter
Bức thứ hai vẽ một cái sọ đầu lâu đeo kính đen, một con mắt mở to trên nền chiếc máy bay bị vỡ nát đang bốc cháy. Ảnh: Twitter
Bức thứ hai với tựa đề “Sự nguy hiểm của hàng không giá rẻ Nga” nhưng lại liên hệ tới scandal tai tiếng từng xảy ra với một máy bay của Pháp, khi hơn 600kg cocain được tìm thấy trên khoang máy bay ở nước Cộng hòa Dominica, và được truyền thông gọi bằng cái tên “Air Cocaine”.
Trong bức tranh này còn vẽ một cái sọ đầu lâu đeo kính đen, một con mắt mở to trên nền chiếc máy bay bị vỡ nát đang bốc cháy, cùng dòng chữ: “Đáng ra mình nên bay của Air Cocaine”.
Theo TASS, thông điệp của thảm kịch máy bay Nga rơi ở bán đảo Sinai đã được thể hiện trong hai bức tranh. Chúng xuất hiện ở trang cuối dưới tiêu đề “Chỗ ẩn nấp, bạn đã thoát”. Như tên gọi của nó, khu vực này thường đăng các bức tranh mà ban biên tập đã đề xuất họa sĩ thiết kế dùng làm trang bìa, nhưng bị từ chối.
Tranh biếm họa thảm họa: Nhạo báng, báng bổ, xúc phạm!
Thư ký báo chí Văn phòng Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho đây là sự báng bổ mà không được phép làm ngay cả với chế độ dân chủ.
“Dù là dân chủ, tự do thể hiện, hay bất kỳ điều gì khác cũng không được làm điều này. Đó rõ ràng là sự báng bổ”, TASS dẫn lời ông Peskov.
Phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết sẽ cùng với các nhà chức trách khác tìm ra những bức tranh này. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Chúng tôi có thể không tìm ra chúng. Song nếu chúng đã từng được đăng tải, thì đó chắc chắn là sự nhạo báng”.
Trong khi Tổng thống Putin ban hành sắc lệnh tổ chức quốc tang trong 1 ngày, trong khi người nhà đang tiếc thương những nạn nhân xấu số...
... thì bức tranh biếm họa với "ý tưởng" từ thảm họa như thế này là một sự nhạo báng và xúc phạm. Ảnh: LifeNews
Ông khẳng định: “Ít nhất đây là cách mà chúng tôi làm ở đất nước này. Tôi không bình luận về tiêu chuẩn đạo đức của người Pháp, đó là vấn đề của họ, nhưng ở đây nước này thì nó là sự báng bổ rõ ràng”.
Nga sẽ không từ bỏ nỗ lực làm rõ vấn đề trong khi liên lạc với Paris, ông Peskov tuyên bố.
Khi được hỏi liệu bức tranh biếm họa này được công bố có ảnh hưởng đến quan hệ hai nước hay không, ông cho biết: “Charlie Hebdo không phải là một tạp chí chính thức. Thông tin của nó không có giá trị cao, không có quá nhiều vấn đề phải bàn đến. Nhiều người sẽ không phản ứng với tờ tạp chí này, nhưng cũng có nhiều người coi đó là sự sỉ nhục”.
Thế nhưng, theo ông, “những tờ tạp chí loại này hầu như không thích hợp trong xã hội Nga, ở đất nước có nhiều quốc tịch, nhóm đức tin”.
Bình luận về hành động của tờ báo trào phúng Pháp trên kênh Ren TV, ông Igor Morozov, thành viên Ủy ban Hội đồng Liên bang phụ trách các vấn đề quốc tế gọi đây là “sự xúc phạm và báng bổ đối với ký ức về nạn nhân thảm họa”. Theo ông, điều này không được phép xảy với bất kỳ phương tiện truyền thông hoặc ấn phẩm nào, dưới bất cứ hình thức hay thể loại nào.
Ông cũng cho rằng, cần phải thảo luận việc xây dựng một đạo luật nghiêm cấm nhạo báng với những thảm kịch như vậy trên các phương tiện truyền thông.