Dự thảo Nghị định mới liên quan đến kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô đang chuẩn bị ban hành có quá nhiều bất cập mà bất cập lớn nhất là thả nổi thị trường.
Nguyên nhân theo chúng tôi là ôtô đang bị xem như một loại hàng hóa thông thường. Đó là một sai lầm vô cùng nguy hiểm.
Phải coi ô tô là một loại hàng hóa đặc biệt
Ô tô không phải là một loại hàng hóa thông thường như chiếc tivi, chiếc máy lạnh hay giàn máy tính để có thể bất kỳ ai cũng có thể nhập khẩu mà không làm hại đến thị trường hoặc xã hội. Ô tô thì khác. Ô tô là một loại hàng hóa đặc biệt mà nếu thả nổi thị trường thì sẽ đưa đến nhiều hệ lụy.
Trước hết với người tiêu dùng, nếu thả nổi thị trường, hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa có điều kiện bảo hành kém sẽ xâm nhập thị trường, gây thiệt hại lớn cho người sử dụng. Chúng ta cần lưu ý, đối với mặt hàng ô tô, giá rẻ không phải là một điều kiện hàng đầu. Giá rẻ phải đi kèm hậu mãi tốt mới là quan trọng. Ví dụ, xe máy Trung Quốc là một điển hình. Nếu người dân sở hữu những chiếc ô tô giá rẻ nhưng hoàn toàn không được bảo hành, lại có nhiều lỗi thì là một món nợ hơn là một tài sản.
Sản xuất ô tô
Đối với an toàn giao thông, nếu thị trường tràn ngập các loại ô tô kém an toàn vì không có chế độ bảo hành tốt, không được sửa chữa các lỗi do sản xuất, tỷ lệ tai nạn giao thông chắc chắn tăng lên nhiều.
Với các doanh nghiệp nhập khẩu, nếu là những loại hàng hóa thông thường, một chính sách mở cửa thông thoáng cho doanh nghiệp là điều đáng khuyến khích. Nhưng với một loại hàng hóa đặc biệt như ô tô, việc hạ tiêu chuẩn nhà nhập khẩu ô tô sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, hơn thế nữa còn tàn phá nền kinh tế. Chúng ta thấy hiện nay một số doanh nghiệp đã tàn phá nền kinh tế Việt Nam, ví dụ như các doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Do quy định lỏng lẻo, các doanh nghiệp này đã làm cho hàng vạn người dân rơi vào cảnh bần cùng vì cách làm “ăn xổi ở thì” của họ.
Quy định mới dễ nảy sinh cách làm “ăn xổi ở thì”…
Một trong những điểm đáng quan tâm trong Dự thảo Nghị định mới là việc nới lỏng điều kiện nhập khẩu xe ô tô. Điều này có nguy cơ dẫn đến cách làm “ăn xổi ở thì” của những doanh nghiệp nhỏ lẻ chưa có uy tín trên thị trường.
Điều 21 của Dự thảo Nghị định mới quy định một doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có ít nhất 01 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu.
- Có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu.
Như vậy theo quy định của dự thảo, doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần có 01 cơ sở bảo hành là đủ điều kiện nhập khẩu xe. Điều này hết sức vô lý. Vì một doanh nghiệp nhập khẩu xe có thể bán xe trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam nhưng nếu chỉ có 1 cơ sở bảo hành thì có thể phát sinh tình trạng người tiêu dùng phải đưa xe đi xa hàng ngàn km để bảo hành xe. Ví dụ nếu doanh nghiệp có 1 cơ sở bảo hành duy nhất tại TP.HCM thì người dùng xe tận Cao Bằng Lạng Sơn phải đưa xe đi vào TP.HCM để bảo hành. Đây là điều không thể thực hiện.
Tự động hóa sản xuất ô tô.
Đối với quy định về việc cam kết bằng văn bản với Bộ công thương “thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu” của Điều 21, trên thực tế không mang tính khả thi mà là một quy định lấy lệ. Vì cam kết bảo hành, nhưng một doanh nghiệp chỉ có 1 cơ sở bảo hành trên cả nước thì không thể thực hiện trách nhiệm.
Cũng như thế vấn đề triệu hồi xe bị lỗi, doanh nghiệp nhập khẩu xe cam kết với Bộ Công thương mà không có nhà sản xuất cam kết cũng hoàn toàn không khả thi. Vì nếu xảy ra sự cố, nhà sản xuất từ chối thì cũng không biết bấu víu vào đâu. Ở đây không hề có chế tài nếu cam kết mà không thực hiện thì doanh nghiệp phải bồi thường thế nào, lấy gì đảm bảo là sẽ triệu hồi xe? Đối với nhà sản xuất xe họ có thể giữ uy tín nhưng đối với một doanh nghiệp nhập khẩu xe nhỏ lẻ, họ có thể dùng kế “ve sầu thoát xác” bằng cách bỏ lại cái tên của doanh nghiệp cũ và lập doanh nghiệp mới để tiếp tục nhập khẩu.
Ngoài 2 quy định mang tính hình thức như trên đối với doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô, thì các điều kiện rất quan trọng là cần đảm bảo nhà sản xuất phải cung cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu những chủng loại xe phù hợp với cơ sở hạ tầng Việt Nam, đảm bảo việc cung cấp phụ tùng chính hãng và có cơ sở về cam kết bảo hành chính hãng. Các xe nhập khẩu về Việt Nam đều phải có giấy chứng nhận xuất xưởng do nhà sản xuất cung cấp nhằm đảm bảo chất lượng xe được lưu hành ra thị trường, tránh trường hợp một số xe được sản xuất theo dạng xe pilot, thử nghiệm chưa đảm bảo chất lượng được các doanh nghiệp nhập khẩu đưa về Việt Nam và đưa vào lưu hành. Ngoài ra quy định này cũng để bình đẳng với các xe sản xuất trong nước được yêu cầu cấp giấy chứng nhận xuất xưởng cho 100% các xe cũng bị bãi bỏ.
Tóm lại, với điều kiện nhập khẩu xe ô tô quá dễ dãi như Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô sẽ mọc lên như nấm sau mưa, gây hỗn loạn thị trường và hậu quả sẽ khó lường. Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần hết sức cân nhắc khi ban hành nghị định này.