Dung sai thực phẩm: Cần minh bạch với người tiêu dùng

Bảo Anh| 13/09/2016 15:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sai lệch giữa hàm lượng trên sản phẩm thực tế và thông tin trên văn bản đăng ký (dung sai) là chuyện bình thường, nhưng dung sai ở mức độ nào đang là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Việc xây dựng một khung dung sai chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm đã được đưa ra bàn thảo tại hội thảo Đối thoại chính sách quản lý an toàn thực phẩm thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết 35- 2016/NQ-CP” tổ chức hôm 12/9. Cũng tại đây, nhiều quan điểm trái chiều đã được đưa ra.

Dung sai thực phẩm: Cần minh bạch với người tiêu dùng

Cần có quy định về khoảng dung sai cho các sản phẩm thực phẩm. Ảnh minh họa

Từ góc độ doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng trên thực tế hiện nay, với mỗi vòng đời của sản phẩm thực phẩm không thể tránh khỏi sự biến đổi của các chất, ngoài ra còn có sự khác nhau giữa phương pháp thử và người phân tích… nên không thể ra một giá trị tuyệt đối. Do đó, đã có doanh nghiệp đề xuất dung sai đối với các vitamin và khoáng chất là 30%; đối với các chất sinh năng lượng là 20%.

Nhìn từ phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng nếu các doanh nghiệp đề xuất khoảng dung sai trong công bố chất lượng và ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm lớn như vậy thì người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi. Ông Hùng đặt câu hỏi: “Một sản phẩm có dung sai cao tới 20% thì có được coi là sản phẩm có chất lượng?”.

Rõ ràng thực tế hiện nay đang đòi hỏi phải xây dựng một khung pháp lý cụ thể về khung dung sai chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm. Và trước khi làm được điều này, thì vấn đề thông tin phải minh bạch với người tiêu dùng.

TS E-Song Tee, Nguyên Trưởng Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch, Dinh dưỡng và Tiểu đường, Viện Nghiên cứu Y khoa, Bộ Y tế Malaysia chia sẻ: “Các sản phẩm thực phẩm chế biến thường có thời gian sử dụng nhất định, phần lớn là trong khoảng 1 năm. Trong thời gian đó, hàm lượng dưỡng chất sẽ có sự suy giảm dần trong quá trình lưu kho và bảo quản, đặc biệt là những dưỡng chất. Tuy nhiên mức độ suy giảm này thường không vượt quá 20% tổng lượng dưỡng chất vốn có của sản phẩm. Cần có quy định về khoảng dung sai để các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài cũng như các sản phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam lưu thông một cách thuận lợi”.

Chia sẻ quan điểm về việc xây dựng khung dung sai, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Vinastas đề xuất khi xây dựng khung dung sai chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm thì sai số càng nhỏ, càng có lợi cho người tiêu dùng. Thực phẩm, chất dinh dưỡng thay đổi, không ổn định trong suốt dòng đời của nó. Để đảm bảo quyền thông tin chính xác về hàng hóa thì dung sai là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, mức dung sai phải được ghi trên nhãn. Mức công bố phải trên cơ sở khoa học và được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận chứ không phải do doanh nghiệp tự nghĩ ra mà in trên nhãn.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chia sẻ rằng hiện nay các doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm cũng như thực hiện việc ghi nhãn mác theo luật quy định. Do vậy, cơ quan quản lý phải tăng cường công tác hậu kiểm, để quản lý doanh nghiệp có ghi dung sai đúng với kết quả kiểm nghiệm không. nếu doanh nghiệp nào vi phạm, không thực hiện đúng việc công bố chất lượng sản phẩm cũng như quy định ghi nhãn mác sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Ngoài ra TS. Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, kiến nghị dung sai 20% giữa thực tế và công bố sẽ được xin ý kiến nhiều ngành, đơn vị liên quan trước khi có quyết định cuối cùng. Bởi quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước là phải minh bạch thông tin với người tiêu dùng. Trước mắt, chưa có qui định, thì doanh nghiệp phải ghi rõ trên nhãn là hàm lượng trên nhãn có thể dung sai 20%, để minh bạch thông tin. Nguyên tắc là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dung sai thực phẩm: Cần minh bạch với người tiêu dùng