Ngày 4/6, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với 3 bị cáo nguyên là Tổng Giám đốc và Giám đốc của các công ty cùng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo trong vụ án gồm: Lê Quốc Dương (SN 1971, trú tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Inox Châu Âu; Trần Thị Nhung (SN 1975, trú tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Châu Âu và bị cáo Trần Thị Kim Dung (SN 1973, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nguyên Giám đốc Công ty CP Hoàng Lân.
Các bị cáo này cùng bị cơ quan công tố truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng truy tố, trong quá trình điều hành Công ty, Lê Quốc Dương vay vốn nhiều ngân hàng. Đến năm 2011, công ty nợ các ngân hàng với số tiền đặc biệt lớn và không có khả năng thanh toán.
Tiếp đó, nguyên Tổng Giám đốc Lê Quốc Dương đã thành lập các công ty khác nhờ người thân đứng tên giám đốc, đại diện theo pháp luật, trong đó có Trần Thị Kim Dung và Trần Thị Nhung và để tiếp tục vay vốn đáo nợ, Dương đã lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các công ty này để đưa vào hồ sơ, tài sản đảm bảo là inox được mua từ nguồn vốn vay.
Khối lượng hàng hóa là inox thế chấp cho các ngân hàng là hơn 5.400 tấn nhưng thực tế trong kho chỉ có 632 tấn. Để che giấu việc thiếu hụt hàng hóa, Dương đã làm các cuộn inox giả để vào kho nhằm đối phó khi các ngân hàng đi kiểm tra.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Dương sử dụng các thanh sắt chữ V, các tấm tôn, inox phế liệu và một số nguyên liệu khác để sản xuất các cuộn inox giả 3 dạng. Về cơ bản, Dương dùng thanh sắt chữ V để cuộn thành hình trụ tròn rồi đổ bê tông, đổ cát hoặc không cho gì vào bên trong, bên ngoài dùng một lớp inox bọc tạo hình giống như thật.
Theo cáo buộc của cơ quan chức năng, bị cáo Dương làm giả 930 cuộn inox, diễn ra trong nửa năm, từ tháng 6/2012 - 12/2012. Trong đó, Dương lấy 532 cuộn inox giả đưa về kho Công ty Inox châu Âu thế chấp cho các ngân hàng.
Có 398 cuộn inox giả được đưa về kho Công ty Âu Mỹ do Lê Thị Hồng Vân - chị gái của Lê Quốc Dương - làm Giám đốc. Các cuộn inox giả này đã được Vân sử dụng đưa vào thế chấp cho 8 ngân hàng trong vụ án khác.
Mỗi khi cán bộ một ngân hàng đi kiểm tra, Dương dồn các cuộn Inox trong kho cho đủ số lượng. Sau khi ngân hàng này đi, ngân hàng khác đến kiểm tra, Dương lại đưa số lượng cuộn inox đó ra cho cán bộ kiểm đếm. Thực chất một tài sản được thế chấp nhiều lần cho nhiều ngân hàng.
Với thủ đoạn tinh vi nêu trên, bị cáo Dương chiếm đoạt của 5 ngân hàng với tổng số tiền lên đến 204 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền chiếm đoạt, bị cáo này khai đã sử dụng để đầu tư nhà xưởng, máy móc, mua phương tiện vận tải, mua bất động sản, trả lãi cho các ngân hàng, trả lãi vay ngoài... Tuy nhiên, bị cáo không trình ra được bằng chứng.
Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Dương thừa nhận hành vi sai phạm và khai, việc làm giả các hồ sơ để vay tiền và trả cho chính ngân hàng đó, các ngân hàng, bị cáo đều làm cùng phương thức "đáo nợ" như vậy. Bị cáo này khai: "Bị cáo trả hết số nợ cũ, còn thừa mới để kinh doanh. Tuy nhiên, việc kinh doanh không có lãi nên công ty dần mất khả năng thanh toán".
Đại diện ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank), đơn vị thiệt hại gần 55 tỷ đồng, cho hay, có quan hệ với Công ty Châu Âu từ năm 2007, đôi bên có nhiều hợp đồng tín dụng (ngắn, trung, và dài hạn).
Chủ tọa chất vấn: "Có quy định nào thu hồi nợ trước hạn?". "Có trong trường hợp vi phạm hợp đồng như chậm trả lãi và gốc", đại diện SeAbank nói. "Vậy những dư nợ trước chưa trả được nhưng ngân hàng vẫn giải ngân tiếp, có vi phạm hay không", chủ tọa tiếp tục thẩm vấn đại diện này. Không nhận được câu trả lời, vị chủ tọa phiên tòa cho hay, công ty Châu Âu liên tục vi phạm vì chậm trả lãi, gốc, song trong hợp đồng tín dụng 100 tỷ đồng, SeAbank giải ngân tới 75 lần, điều này dẫn đến việc thất thoát số tiền lớn trên.
Với hợp đồng vay cốn 50 tỷ đồng, SeAbank cũng giải ngân 14 lần, trong khi Công ty châu Âu không thanh toán lãi hàng tháng. Mặt khác, khi thế chấp, ngân hàng cũng chỉ kiểm tra qua loa nên không phát hiện được Dương đã làm giả các cuộn inox. Vị chủ tọa phiên tòa nói: "Công ty không trả lãi thì ngân hàng phải thực hiện việc ngừng cho vay mới đúng quy định pháp luật".
Lời khai của đại diện SeAbank cho thấy, khi Dương vay tiền, ngân hàng này chỉ căn cứ vào các hồ sơ mua bán hàng hóa của bị cáo với các công ty. Vì vậy, đến nay ngân hàng đã mất số tiền lớn.
PGBank là ngân hàng thiệt hại số tiền lớn thứ hai, với tổng số tiền gốc bị Dương chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng. Ngân hàng này ký hợp đồng với công ty châu Âu cho vay hạn mức 40 tỷ đồng, giải ngân bằng 34 khế ước. Tuy nhiên, khi công ty mới tất toán 21 khế ước, ngân hàng tiếp tục ký hợp đồng hạn mức khác là 80 tỷ đồng.
Tài sản công ty châu Âu thế chấp cũng bằng các cuộn inox do Dương làm giả.
Tại phiên tòa xét xử chiều nay, trong phần thẩm vấn đến một số người và tổ chức liên quan, HĐXX xác định do họ vắng mặt nên đã thông báo tạm hoãn phiên tòa để triệu tập thêm một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.