Đừng để gió vào nhà trống

Bảo Dân| 30/11/2016 07:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyện nợ công của xã, của huyện, của tỉnh và của cả nước đáng báo động cũng có nguyên nhân do bóc ngắn cắn dài, nghèo mà xài sang, ném tiền qua cửa sổ mới là lỗ hổng lớn nhất, mới thật nguy nan.

Các cụ ta từng nhắc nhở xem chừng kẻo làm ăn như “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Hiểu nôm na câu thành ngữ này nghĩa là nếu công lao vất vả kiếm được bao nhiêu tiền cũng không thấm tháp gì bởi cung cách tiêu pha lãng phí, vung tay quá trán. Bây giờ “thì gió vào nhà trống” không chỉ là chuyện của một người một nhà, một doanh nghiệp, một đơn vị hành chính mà đã trở thành chuyện quốc gia đại sự. 

Sinh thời Bác Hồ luôn nhắc nhủ phải cần kiệm, triệt để tiết kiệm trong chi tiêu, từ  gia đình đến xã hội. Tham gia giao thông, thấy đèn đỏ là phải dừng. Nợ công đã tới ngưỡng rồi, không được để vượt .

Vì thế cử tri yêu cầu Quốc hội phải giám sát chặt, cân nhắc kỹ các khoản đầu tư, dù là đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng. Cung cách làm đường sá, sân bay, bến cảng, tượng đài, trụ sở hành chính hoành tráng, mua sắm xe công quá tiêu chuẩn... chính là nguyên nhân làm nợ công tăng cao. Vì thế mà phải giám sát chặt.

Việc Quốc hội vừa quyết định tạm dừng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân chính là cân nhắc đầu tư bởi nếu dồn vốn cho điện hạt nhân sẽ không hiệu quả và sẽ chậm có đường cao tốc Bắc Nam, chậm có đường sắt để có thể “sáng ăn phở Bát Đàn, tối ăn cơm Chợ Lớn” .

Nghị quyết XII của Đảng đã yêu cầu triệt để tiết kiệm. Chính phủ đã làm gương trong việc tiết kiệm khi không sắm xe mới, Thủ tướng đi viếng lễ tang Nhà vua Thái Lan bằng máy nay thương mại, Thứ trưởng Bộ Tài chính không dùng xe công đi làm hàng ngày.

Hàng loạt chính sách thực hành tiết kiệm đang được thực hiện. Tuy nhiên, vẫn đang có cảnh phát mà không động, trên “quyết” dưới “liệt”. Ngoài Bộ Tài chính chưa thấy đâu rục rịch làm theo. Ngay ở Quốc hội cũng có vị lăn tăn này nọ rằng Thứ trưởng đi taxi là “tâm tư” lắm vì e mất thiêng. Thế nhưng các cụ hưu thì huỵch toẹt ra rằng trả lại xe biển xanh là vợ con mất nhờ đi lễ, đi hội, đi việc riêng. Lăn tăn là tiếc đặc quyền đặc lợi. Cứ xem như ở Bộ Tài chính, một Thứ trưởng chỉ tốn 60-70 triệu đồng tiền khoán trong khi nuôi một xe là 320 triệu đồng. Tiết kiệm nhỡn tiền là đây chứ còn đâu xa.

Tiết kiệm là quốc sách. Các vị đứng đầu cấp nào cũng nói vậy. Khẩu hiệu hô tới hô lui nhiều lần nhưng vẫn là tiết kiệm chung chung vì đặc thù nên xin du di! Nghe nói có doanh nghiệp kỷ niệm năm chẵn đã tốn mấy chục tỷ đồng để làm kỷ niệm chương. Trong khi Tập đoàn Điện lực cũng "stop" vĩnh viễn một dự án tượng đài tiền tấn được dư luận hoan nghênh.

Tiết kiệm phải chống lãng phí, kẻo người cần kiệm, kẻ hoang phí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhắc nhở phải tiết kiệm từng đồng tiền thuế của dân là vì vậy.Và nhất thiết phải chống tham nhũng một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Hiện tượng chợ bỏ hoang, trường mốc  thếch, nhà hát rêu phong khá phổ biến trong khi các công trình cứ mọc lên như nấm. Không chỉ ở TP HCM, Hà Nội, tài sản công không sử dụng gây lãng phí là câu chuyện có thật. Ở TP HCM có nhiều trụ sở bỏ trống cả mấy chục năm, nhưng không cách gì thu hồi được.

Đã đến lúc phải tập trung xử lý quyết liệt các “cục máu đông” lãng phí này bằng cách thu hồi, đấu giá kèm theo đó là xử lý người đứng đầu gây ra tốn phí vô bổ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để gió vào nhà trống