Các em tuổi mới lớn rất nhạy cảm, hành vi vỗ mông, sờ đùi của thầy giáo sẽ để lại ảnh hưởng tâm lý nặng nề về sau. Đó là những ký ức đáng sợ và không dễ xóa nhòa qua thời gian, ảnh hưởng tâm, sinh lý của các em.
Cần xác định “ranh giới” giữa thầy và trò
Những ngày này, dư luận cả nước xôn xao và phẫn nộ vì chỉ trong vài ngày liên tiếp, 3 vụ việc thầy giáo dâm ô và gạ tình học sinh ở Bắc Giang và Thái Bình. Ngày 4/3, một phụ huynh của học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) phản ánh về việc ông D.T.M., giáo viên chủ nhiệm lớp 5A có hành vi xâm hại tình dục với hàng loạt cháu bé của lớp này.
Thông tin này gây bức xúc và hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh. Theo phản ánh của phụ huynh này, giáo viên M. đã có hành vi "sờ nắn, bóp..." vào vùng nhạy cảm của 15 em học sinh nữ trong lớp, vì sự việc nhạy cảm nên đã phản ánh đến cơ quan chức năng ngành Giáo dục địa phương.
Sự việc trên chưa nguôi ngoai, thì trên mạng xã hội lại bất ngờ xuất hiện những đoạn chat qua lại được cho là của một thầy giáo “gạ tình” nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ở Thái Bình gây xôn xao dư luận. Theo như chia sẻ, giáo viên nhắn tin cho nữ học sinh này tên là T. đã ngoài 40 tuổi. Hiện đang là chủ nhiệm lớp 10 và đã có gia đình. Đặc biệt, có những tin nhắn rủ đi chơi riêng, gạ gẫm nữ sinh "quan hệ người lớn".
Từ trước Tết Kỷ Hợi tại thị xã Lagi (Bình Thuận) đã lan truyền thông tin về cô giáo H. công tác tại một trường THPT trên địa bàn thị xã có quan hệ tình cảm trái đạo đức với nam sinh lớp 10 sinh năm 2003 (chưa đủ 16 tuổi). Bất ngờ nhất là cô H. bị chính người chồng của mình tố cáo có quan hệ tình cảm trái đạo đức, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự với nam sinh do cô này phụ trách dạy dỗ.
Thời gian qua đã xảy ra không ít vụ việc trẻ em bị chính giáo viên của mình xâm hại
Trước đó, là Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú ở Phú Thọ lạm dụng tình dục học sinh nam và xa hơn, ở Đức Cơ, Gia Lai, thầy giáo thể dục hiếp dâm một nữ sinh. Thêm một vụ nữa ở Hoài Đức - Hà Nội cũng gây phẫn nộ khi thầy giáo 46 tuổi dâm ô 3 nữ sinh mới chỉ học lớp 3.
Mặc dù các vụ việc trên đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nhưng lại gióng lên một hồi chuông báo động về vấn đề đạo đức nhà giáo, quan hệ thầy- trò; Những “tấm gương mờ” này không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người giáo viên mà còn tác động xấu tới thế giới quan của học sinh; khiến nhiều người tỏ ra hoang mang và bất an về môi trường giáo dục ngày nay có thực sự trong sạch, nghiêm túc như đúng nghĩa.
Đừng để con trẻ cô độc
Các sự việc xảy ra đều mang tính nhỏ lẻ, xuất phát từ sự suy đồi đạo đức của một vài cá nhân, nhưng qua đó có thể thấy lỗ hổng từ công tác quản lý và bảo vệ học sinh. Sau khi cảm xúc phẫn nộ qua đi, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về vai trò của phòng tư vấn tâm lý trong việc giải quyết các vấn đề của học sinh.
Thêm vào đó, mối liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh càng trở nên báo động, khi hàng loạt vụ xâm hại được phát hiện đều xuất phát từ sự tố cáo thông qua bạn bè hoặc từ chính sự bế tắc, đơn độc của học sinh. Đã có nhiều ý kiến đề nghị các sở/ngành lập đường dây nóng bảo vệ học sinh, nhưng nếu như các em không tìm được sự tin tưởng từ chính những người thầy đang hàng ngày dạy dỗ mình thì tiêu cực (nếu có) cũng rất dễ bị che lấp.
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội), hiện nay tại Bộ luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em có các phần xử lý những kẻ xâm hại trẻ em, gồm các độ tuổi khác nhau: trẻ dưới 16 tuổi , trẻ dưới 13 tuổi. Thế nhưng, xử lý dâm ô thường rất nhẹ, tối đa là 2 năm; còn đối với xâm hại sẽ nặng hơn. Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là định nghĩa "dâm ô" và "xâm hại" hiện chưa rõ ràng. Vậy nên nhiều trường hợp kẻ dâm ô đã "lách luật".
Vụ việc vừa xảy ra ở Bắc Giang chính là một ví dụ cụ thể. Dâm ô sẽ không bao giờ để lại bằng chứng. Thêm nữa, lời khai của trẻ con lại rất khó để xác định. Duy nhất chỉ có vụ án ở Vũng Tàu, vì có ảnh chụp nên mới xử lý được.
Trong khi đó, hiện nay học sinh vì thiếu kỹ năng sống nên bản thân các em cũng chưa hình dung được các hành vi của người khác, thậm chí các em không dám nói lên sự thật vì lo sợ… Do đó, để bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa tình trạng dâm ô, xâm hại đối với trẻ em cần có những biện pháp triệt để, có tính răn đe đủ mạnh.
Cho rằng hành vi sờ má, mông, đùi của nữ sinh cũng là dâm ô trẻ em, TS Hương kiến nghị: "Quốc hội có những hình thức tăng nặng nếu như hành vi dâm ô và xâm hại trẻ em diễn ra với những người rất thân thiết có trách nhiệm bảo vệ các em (ví dụ thầy cô giáo, cha mẹ đẻ), để có tính chất răn đe. Cũng cần xây dựng lộ trình khi xảy ra sự việc thì xử lý thế nào, tránh tình trạng có những buổi gặp mặt phụ huynh để “dàn xếp” cho qua".
“Cần có thêm thật nhiều những buổi giáo dục giới tính, kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ em. Cùng với đó là cung cấp số điện thoại “đường dây nóng” để các em có thể kêu cứu với người thân, nhà trường và những cơ quan cao cấp hơn để có biện pháp bảo vệ”, TS Hương chia sẻ thêm.
Theo TS Trần Thành Nam - ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), từ vụ việc ở Bắc Giang cũng chỉ ra một thực tế, vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ đang bị bỏ ngỏ. Chính người lớn cũng thiếu hiểu biết và không trang bị cho trẻ những kỹ năng để biết bảo vệ mình.
“Không ít người nghĩ rằng vỗ mông trẻ là chuyện bình thường, thực ra đó cũng là một hành vi xâm hại. Chúng ta cần mở ra một khái niệm cho thấy hành vi xâm hại bao gồm cả sờ soạng phía bên ngoài cơ thể. Những hành vi này đều vi phạm pháp luật và để lại thương tổn tâm lý cho nạn nhân", TS Nam nhấn mạnh.
Gia đình, cha mẹ cần dạy trẻ biết về giới tính. Đơn giản nhất là biết gọi tên từng bộ phận trên cơ thể của mình, bộ phận nào trên cơ thể thì tuyệt đối không được cho ai động chạm đến và các biện pháp tự vệ... Và quan trọng là cần lên tiếng tố cáo những hành vi sai trái. Đó là cách để giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại.
Ông cũng cho rằng, khi pháp luật về vấn đề dâm ô vẫn còn chung chung, cách tốt nhất là cần tuyên truyền, giáo dục đạo đức thầy cô giáo và giới tính cho học sinh. Đã đến lúc ngành giáo dục phải có những biện pháp quản lý căn cơ hơn, phối hợp chặt chẽ hơn với các tổ chức đoàn, hội tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ học sinh. Xin đừng để các em cô độc trong chính môi trường mà xã hội dành trọn sự kỳ vọng và tin tưởng!