Sáng 1/12, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ CCTPTW) tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp đưa chủ trương CCTP của Đảng vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có liên quan”.
Tới dự Hội thảo có đại diện của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an và một số cơ quan, đơn vị liên quan. Bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ CCTPTW chủ trì Hội thảo.
Đào tạo lồng ghép nội dung CCTP
Phát biểu khai mạc, bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ CCTPTW cho biết: Chiến lược CCTP đến năm 2020 được xác định tại NQ số 49 rất quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng. Việc thực hiện chiến lược CCTP có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Ngoài các hình thức thông tin tuyên truyền, có một kênh quan trọng làm “cầu nối” đưa chủ trương, nhiệm vụ CCTP đi vào cuộc sống, đó là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chính trị; các cơ sở đào tạo luật; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp… Và, mục tiêu của Hội thảo này nhằm tìm ra cách tốt nhất để đưa chủ trương CCTP vào các cơ sở đào tạo nói trên.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết phải lồng ghép nội dung CCTP vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng, có thể ở các cấp độ, ngành đào tạo khác nhau. Hiện nay, nội dung này được đưa vào các cơ sở đào tạo thông qua nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, với các mức độ khác nhau, phù hợp với đối tượng đào tạo, bồi dưỡng đặc thù của từng trường.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân phát biểu tại Hội thảo
Bà Lê Đinh Mùi, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Đa số các học viên tại Học viện là lãnh đạo, quản lý các cơ quan Nhà nước về ngành Luật. Chính vì vậy, trong nội dung đào tạo những năm gần đây, Học viện đã lồng ghép nội dung CCTP vào chương trình đào tạo các môn chuyên ngành Luật, về Nhà nước pháp quyền… Bà Mùi cho rằng, đây là biện pháp cần thiết, nhất là từ khi triển khai Hiến pháp 2013 đến nay và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức về CCTP và vị trí, vai trò của các Cơ quan tư pháp hiện nay; đặc biệt là vị trí, vai trò của Tòa án theo tinh thần CCTP.
PGS.TS Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Học viện Khoa học - Xã hội cũng cho biết: Năm 2012, Học viện đã đưa vấn đề tư pháp hình sự vào giảng dạy cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh; Luật Phòng, chống tham nhũng cũng được đưa vào giảng dạy và bước đầu lồng ghép nội dung CCTP vào các mã ngành đào tạo như: Quyền con người, quản lý hành chính Nhà nước…
GS.TS Nguyễn Quý Khoát, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân cũng khẳng định, Đảng ủy Học viện đã đưa vào Nghị quyết của nhà trường về lồng ghép đào tạo nội dung CCTP đối với sinh viên. Tuy nhiên, ông Khoát cũng đề nghị không nên đưa nội dung này là môn học độc lập trong các nhà trường mà chỉ nên lồng ghép sẽ hợp lý hơn.
Còn theo quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Trương Quang Vinh, tới đây cần đổi mới giáo trình, tài liệu giảng dạy tại nhà trường vì Quốc hội vừa thông qua các luật về tố tụng, Hiến pháp, Luật Tổ chức các cơ quan tư pháp… đã thể chế khá sâu sắc tinh thần CCTP theo NQ số 49 của Bộ Chính trị.
Xây dựng khung pháp lý về đào tạo CCTP
Học viện Tòa án cũng là cơ sở đào tạo, lồng ghép khá tốt nội dung CCTP vào đào tạo cán bộ. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ là đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và công chức Tòa án, Học viện Tòa án có nhiều thuận lợi trong việc chủ động xây dựng nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ khác nhau. Hàng năm Học viện tổ chức khoảng 35 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho khoảng 500 học viên là lãnh đạo quản lý, Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án trong cả nước.
Hiện nay, các chương trình đào tạo được xây dựng theo yêu cầu cụ thể của từng chức danh. Các chuyên đề về CCTP cũng được xây dựng đa dạng bằng các buổi nói chuyện hay giảng bài của các chuyên gia trong và ngoài hệ thống Tòa án, đặc biệt là những chuyên gia, lãnh đạo trực tiếp hoặc tham mưu xây dựng các Nghị quyết của Đảng. Mục tiêu của việc tuyên truyền nội dung NQ số 49 trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Tòa án là tăng cường nhận thức cho Thẩm phán và cán bộ Tòa án về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống tư pháp Việt Nam; vị trí, vai trò, nhiệm vụ của TAND trong thực hiện quyền tư pháp; đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử; đổi mới mô hình tố tụng theo hướng kết hợp mô hình tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng; đảm bảo quyền được xét xử công bằng trước Tòa án.
Từ thực tiễn nêu trên, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân cho rằng, cần phải phân biệt đào tạo lồng ghép hay không ở từng cơ sở đào tạo. Đối với cơ sở đào tạo trực tiếp cán bộ tư pháp cần coi đây là nội dung đào tạo chính, còn các cơ sở khác thì có thể đào tạo lồng ghép nội dung này. Bên cạnh đó, việc trang bị tư duy nhận thức về CCTP tại các cấp ủy, chính quyền địa phương làm thay đổi nhận thức của các cán bộ về vấn đề này là điều cần thiết. Về chương trình giảng dạy tại Học viện Tòa án, TANDTC đã xây dựng các chuyên đề về CCTP như vấn đề tranh tụng trong xét xử, nhiệm vụ thực hiện quyền tư pháp của Tòa án… Và tới đây sẽ xây dựng thành môn học hay giáo trình để đưa vào chương trình đào tạo tại Học viện.
PGS.TS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, nếu chúng ta xác định là môn học chính thức để đưa vào giảng dạy bắt buộc tại các trường ĐH là khó khả thi. Bởi vì, để làm được điều đó phải xây dựng giáo trình giảng dạy, và để xây dựng giáo trình môn học này cần rất nhiều yếu tố. Chúng ta đang trong quá trình CCTP, trong khi quá trình nghiên cứu đối tượng đưa vào giáo trình giảng dạy phải ổn định. Vì vậy, chỉ nên đào tạo lồng ghép tại cơ sở đào tạo là phù hợp.
Ngoài ra, các ý kiến cũng đề xuất, cần phải xây dựng khung pháp lý cho việc đưa chủ trương CCTP của Đảng vào giảng dạy, nhằm tạo sự nhất quán trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận và thực tiễn về CCTP trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; thu hút học viên tham gia nghiên cứu khoa học, tăng tính ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong tổ chức và hoạt động các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát…