Sức Khỏe

Đưa kỹ thuật cao giá 3,5 tỷ về Việt Nam điều trị bệnh khó

Nguyên Thảo 08/09/2023 - 21:54

Bé gái 6 tuổi (Hưng Yên) bị động kinh kháng thuốc, có ngày trải qua 50-100 cơn co giật. Tuy nhiên với các kỹ thuật hiện có các bác sĩ không thể xác định chính xác vùng gây động kinh để phẫu thuật.

Căn bệnh động kinh xảy ra với bé N.N.M. (6 tuổi, quê Hưng Yên) khi em mới 21 tháng. Ban đầu gia đình nghĩ con co giật do sốt, đưa con lên bệnh viện tỉnh, can thiệp hết cơn thì về. 7 tháng sau, tình trạng này lặp lại với bé gái nhưng vẫn chưa tìm ra sóng động kinh.

Đến 3 tuổi, M. được chẩn đoán chính xác mắc động kinh thể kháng trị. Các loại thuốc chống động kinh khác không có tác dụng, có ngày bé lên cơn liên tục.

be1.jpeg
Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương tương tác với bé M. tại phòng bệnh của Khoa Ngoại Thần kinh

Vừa trở về từ Mỹ sau một tháng học tập kỹ thuật mới nhất phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh, TS.BS Lê Nam Thắng - Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Trung tâm thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương đã bắt tay ngay vào triển khai ca phẫu thuật cho bệnh nhi M.

Để tiến hành phẫu thuật cho bé, các bác sĩ đã phải đặt điện cực trước 36-48 tiếng để theo dõi. Sau đặt điện cực, M. rơi vào tình trạng động kinh liên tục cả trăm cơn, có cơn ngừng thở ngắn, phải chuyển xuống hồi sức và điều trị thuốc ngủ liều cao để khống chế cơn giật, chuẩn bị bước vào ca phẫu thuật đặc biệt.

Ngày 7/9, các bác sĩ trải qua hơn 4 giờ phẫu thuật, TS.BS Lê Nam Thắng cùng các cộng sự, với sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Mỹ, đã mang lại cuộc đời mới cho bé M. sau khi loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây ra cơn động kinh cho bé.

pthuat.png
Bé trai 6 tuổi chuẩn bị được phẫu thuật cắt bỏ vùng não gây động kinh

Chia sẻ về kỹ thuật, GS Brandon Rocque - Bệnh viện Trẻ em Alabama (Mỹ) cho biết, phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh thực hiện ở Mỹ và châu Âu được 5 năm và lần đầu tiên thực hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Đây cũng là cơ sở y tế đầu tiên của Đông Nam Á nhận chuyển giao kỹ thuật này.

Theo GS Brandon Rocque, tại các trung tâm phẫu thuật thần kinh ở Mỹ và châu Âu, kỹ thuật này giúp phẫu thuật viên, bác sĩ nội khoa quyết định chính xác cắt vùng tổn thương một cách tuyệt đối, bệnh nhân không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ.

"Chúng tôi hy vọng việc chuyển giao kỹ thuật này sẽ đạt kết quả tốt. Chúng tôi đánh giá rất cao trình độ của các y bác sĩ Việt Nam", GS Brandon Rocque nói.

Theo TS Thắng, kỹ thuật này được chỉ định trên những bệnh nhân có cơn co giật đặc biệt, vùng gây động kinh khó xác định trên chụp MRI, PET/CT, gần các vùng chức năng quan trọng của não như ngôn ngữ, vận động…

Để đưa kỹ thuật mới về Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã có gần 2 năm chuẩn bị. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thắng, đây là một kỹ thuật phức tạp, khó, tốn kém và rất khó làm đại trà. Tại Mỹ, riêng phẫu thuật đã "ngốn" 150.000 USD (tương đương hơn 3,5 tỷ đồng) chưa kể chi phí cho quá trình điều trị và thuốc. Một điện cực sâu có giá khoảng 1.500 USD. Một ca tại Việt Nam tối thiểu cũng phải tốn khoảng 1 tỷ đồng, chưa được BHYT chi trả.

Ngay sau thành công của ca đầu tiên, sáng 8/9 các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật khó can thiệp cho bệnh nhi 5 tuổi, có biểu hiện động kinh từ lúc 17 tháng. Bé trung bình có 2-3 cơn giật động kinh trong ngày, đồng thời là trường hợp bệnh nhi mắc động kinh phức tạp có vùng động kinh không rõ ràng và kháng tất cả các thuốc điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa kỹ thuật cao giá 3,5 tỷ về Việt Nam điều trị bệnh khó