Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nội dung trên và lưu ý Bộ Ngoại giao cũng cần tạo cho các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện các cơ chế thuận lợi để mở rộng hợp tác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam mới được bổ nhiệm trước khi lên đường nhận nhiệm vụ
Chiều 4/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam mới được bổ nhiệm trước khi lên đường nhận nhiệm vụ.
Đại diện các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam bày tỏ xúc động được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, tin tưởng giao trọng trách lớn lao; đồng thời xin hứa nỗ lực hết sức mình, đem hết khả năng, kinh nghiệm, tuân thủ chặt chẽ sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, vượt mọi khó khăn, phối hợp với các bộ, ngành, nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc đảm nhiệm vị trí đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam là hết sức vinh dự, nhưng trách nhiệm cũng rất lớn lao. Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm nay rất nặng nề, “các đồng chí cũng phải cập nhật tình hình, tìm kiếm, giới thiệu các tập đoàn lớn vào Việt Nam”.
Thủ tướng nêu rõ, thế giới đang phát triển nhanh và khó lường, do đó, các đồng chí cần sáng tạo, linh hoạt, khôn khéo trong các biện pháp ngoại giao. Chúng ta cũng cần thấy rõ quy mô của nền kinh tế còn chưa lớn, thu nhập bình quân còn thấp; cần phấn đấu tiếp. Trong bối cảnh đó, việc dự báo, xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực là hết sức quan trọng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải xử lý công việc với chất lượng cao. Thủ tướng cho rằng, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm của các đồng chí là hết sức quan trọng. Thứ nhất là quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và thứ hai là năng lực, trí tuệ, mang lại kết quả tốt.
Thủ tướng cho rằng nhiệm kỳ 3 năm công tác là rất nhanh, do đó phải có kế hoạch cụ thể, bám sát yêu cầu, quán triệt các nhiệm vụ đối ngoại, các nhiệm vụ then chốt được Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao giao; quan tâm tình hình cộng đồng người Việt Nam ở địa bàn sở tại. Thủ tướng cũng lưu ý không được coi nhẹ lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam đều có vị thế quan trọng trong việc thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác phát triển. Thủ tướng cũng nêu bài học thu hút khách du lịch của Thái Lan để nhận thức quy mô đầu tư, kinh tế, du lịch của chúng ta còn khiêm tốn, để từ đó các đồng chí phải xắn tay vào việc cụ thể.
Bám sát nhiệm vụ đối ngoại, trong đó ngoại giao kinh tế là quan trọng, cụ thể là thu hút công nghệ hiện đại cho phát triển.
Đưa hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất. Đây chính là sứ mệnh lớn lao của các đồng chí. Bộ Ngoại giao cũng cần tạo cho các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện các cơ chế thuận lợi để mở rộng hợp tác.
Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế đang trở thành trọng tâm của ngoại giao, cần phục vụ tốt các địa phương, doanh nghiệp. Sau khi lãnh đạo cấp cao hai nước gặp gỡ thì đại sứ, trưởng cơ quan đại diện chính là người góp phần triển khai thoả thuận đạt được. Muốn vậy phải nắm rõ tình hình trong nước đang cần gì. Thủ tướng mong các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện cần sáng tạo, bền bỉ, quyết tâm cao. Việc nghiên cứu nước sở tại là rất quan trọng, nhất là học tập kinh nghiệm phát triển đất nước của họ. Làm tốt công tác cộng đồng người Việt Nam ở địa bàn sở tại để đóng góp vào phát triển quan hệ hai nước. Xây dựng cộng đồng lớn mạnh, giữ gìn văn hoá, phát triển dạy tiếng Việt; giữ gìn đoàn kết nội bộ.
Thủ tướng mong các đồng chí phát huy vai trò là anten quan trọng, tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đường lối, công tác đối ngoại.