Sức Khỏe

Đưa giao dịch trực tuyến vào Luật Dược – hướng đi bắt kịp xu thế

Nguyễn Cúc 02/12/2023 06:15

Việc đưa vấn đề kinh doanh thuốc online qua sàn thương mại điện tử vào dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đã nhận được sự đồng tình của lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y dược cổ truyền và các chuyên gia đầu ngành. Đây là xu thế tất yếu giúp mở rộng thị trường dược, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành.

Luật Dược hiện hành và Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược đều chưa quy định các vấn đề liên quan đến kinh doanh thuốc online hay kinh doanh thuốc qua các sàn thương mại điện tử. Vì theo quy định tại Điều 33 Luật Dược 2016, muốn kinh doanh dược phải có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược, mà để có được Giấy này thì cơ sở kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự theo quy định nhưng khi kinh doanh online, trên sàn thương mại thì rất khó thể kiểm soát được việc này.

Trên thực tế, khi quầy thuốc mở cửa thì dược sĩ cần có mặt để thực hiện công tác chuyên môn, tư vấn cho người bệnh. Các loại thuốc bán phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc, được cấp giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc/quảng cáo thuốc và hiện nay chưa có văn bản quy định các hình thức bán thuốc qua mạng.

Tuy nhiên mới đây, tại cuộc họp của Bộ Y tế về Luật Dược sửa đổi, việc kinh doanh thuốc online đã thật sự trở thành vấn đề mới trong Luật Dược (sửa đổi).

Cụ thể, ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược nhận định: Tuy Việt Nam chưa có quy định về bán thuốc online, nhưng thực tế đã xảy ra, nhất là trong giai đoạn COVID - 19. Trên mạng đã có các trang thương mại điện tử bán dược phẩm

ong-le-viet-dung-pho-cuc-truong-cuc-quan-ly-duoc.jpg
Ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho rằng thương mại điện tử là tất yếu

Thực tế theo “Báo cáo Xu hướng số của người dùng trên không gian mạng” do Cốc Cốc công bố hồi cuối năm 2022, các nhà thuốc đang tăng cường sự hiện diện trực tuyến, dù ngành dược nhiều năm qua vốn gắn liền với các hiệu thuốc và bệnh viện.

Theo dữ liệu của Cốc Cốc, trong số các nhà thuốc online hàng đầu tại Việt Nam, Jio Health dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lưu lượng truy cập website với 172,1%, thứ hai là Nhà thuốc Long Châu với 150,22%, sau đó là Nhà thuốc Việt, Pharmacity và Nhà thuốc An Khang. Những từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trong các nhà thuốc online là “khẩu trang”, “covid test kit”, “vitamin”…

thuoc-1-.jpg
Mua thuốc online trở thành nhu cầu tất yếu của người dân trong dịch

Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quảng Ninh cũng đề nghị có loại hình kinh doanh trực tuyến trong lĩnh vực dược. Theo ông, thương mại điện tử là xu thế tất yếu, vì thế, kinh doanh thuốc điện tử cần được kiểm soát. Kinh nghiệm của nhiều nước là các thuốc OTC (không cần đơn) được bán online.

Đồng tình nội dung này, PGS-TS. Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cho rằng, không thể không đưa thương mại điện tử vào Luật Dược, vì việc kinh doanh thuốc vẫn diễn ra trên môi trường ảo. Vì thế, phải có quy định danh mục và quy định trách nhiệm. Doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh thuốc mới được phân phối và quảng cáo tại các trang thương mại điện tử.

Đối với vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Đăng Hoà - nguyên Hiệu trường Trường Đại học Dược, chuyên gia cao cấp dược học - cho rằng, cần tiếp cận kinh doanh thuốc điện tử, nhưng phải có đơn thuốc của bác sĩ. Nếu bệnh nhân gặp vấn đề gì, thì nhà thuốc điện tử phải cung cấp trách nhiệm tư vấn cho người dân. Bước đầu sẽ cho kinh doanh điện tử các loại thuốc OTC.

Ông Lê Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền cũng đồng tình với việc đưa kinh doanh thuốc online vào Luật. Tuy nhiên ông cho rằng chế tài xử phạt các vi phạm còn quá nhẹ trong lĩnh vực thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền.

Tiếp nhận những ý kiến đóng góp trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo phải kiểm soát chặt việc kinh doanh thuốc trên giao dịch điện tử, nhất là với các thuốc thuộc dạng kiểm soát đặc biệt. Các loại thuốc sau cấp đăng ký mà không lưu hành, sẽ phải thu hồi.

Cùng với đó yêu cầu Vụ Pháp chế dự thảo kế hoạch triển khai Luật song trùng với việc chuẩn bị Luật Dược; Cục Quản lý Dược và Cục Y dược cổ truyền chuẩn bị dự thảo Nghị định triển khai Luật Dược với các nội dung do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, để ban hành cùng Luật.

Dự kiến, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng Luật Dược sửa đổi để tháng 2/2024 trình Chính phủ, tháng 3/2024 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 5/2024 trình Quốc hội. Khi được thông qua, Luật Dược sửa đổi kỳ vọng sẽ mang tới nhiều điểm mới tích cực, thúc đẩy sự phát triển của thị trường dược nói chung và doanh nghiệp dược Việt Nam nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa giao dịch trực tuyến vào Luật Dược – hướng đi bắt kịp xu thế