Đưa bài hát “Lạc trôi” vào đề Văn có mang tính giáo dục?

Hải Vân(TH)| 16/02/2017 15:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, đề thi môn Ngữ văn của học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đưa một đoạn trích trong bài hát “Lạc trôi” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP vào phần đọc hiểu đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Đưa bài hát “Lạc trôi” vào đề Văn có mang tính giáo dục?

Đề thi môn ngữ văn có trích đoạn trong bài hát Lạc trôi.

Đề thi có đoạn trích trong bài hát Lạc trôi như sau:

“"Người theo hương hoa mây mù giăng lối
Làn sương khói phôi phai đưa bước ai xa rồi
Đơn côi mình ta vấn vương hồi ức trong men say chiều mưa buồn
Ngăn giọt lệ ngừng khiến khóe mi sầu bi

Đường xưa nơi cố nhân từ giã biệt li, cánh hoa rụng rơi
Phận duyên mong manh rẽ lối trong mơ ngày tương phùng.
Thuyền ai qua sông lỡ quên vớt ánh trăng tàn nơi này
Trống vắng bóng ai dần hao gầy.

Lòng ta xin nguyện khắc ghi trong tim tình nồng mê say
Mặc cho tóc mây vương lên đôi môi cay
Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời
Ta lạc trôi giữa trời.”

Đề thi yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi liên quan đến phương thức biểu đạt, tìm từ Hán - Việt, tìm ra thông điệp của đoạn trích.

Khi đề thi được chụp và chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều ý kiến bình luận rằng đề chỉ nhằm hút sự chú ý, đoạn trích không hay, không có tính giáo dục…

FB Ngọc Anh chia sẻ “Đọc xong cả đoạn trích không hiểu ý nghĩa của bài hát là gì, câu từ lủng củng khó hiểu được ý đồ của tác giả - Tôi cho rằng việc ra đề này là không hợp lý, khiên cưỡng”.

Trên mạng xã hội, rất nhiều người đồng tình với quan điểm này và cho rằng không phải bài hát nào được các bạn trẻ ưa thích đều có thể đưa vào để làm đề thi môn văn.

Một đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo Vĩnh Phúc xác nhận, đây là đề do giáo viên Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc ra để khảo sát chất lượng THPT quốc gia lần thứ 3 trong năm học này.

Thời gian gần đây, không chỉ môn Ngữ văn, đề kiểm tra của nhiều môn được cho là “gần gũi” với học sinh xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh nhiều đề bài vừa có tính giáo dục, khiến học sinh cảm thấy hứng thú, vừa kiểm tra được năng lực, sáng tạo của học sinh… thì còn không ít đề “mở” một cách vô tư, thiếu cân nhắc đến mục tiêu giáo dục.

Gần đây nhất, vào tháng 1.2017, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phải ra một văn bản chấn chỉnh tình trạng ra đề “bất cẩn” của các địa phương, các nhà trường.

Bộ Giáo dục - Đào tạo nhận định vẫn còn có hiện tượng ra đề kiểm tra thiếu tính chính xác, vượt quá yêu cầu của chương trình; hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá không phù hợp với mục đích và đối tượng học sinh làm ảnh hưởng không tốt đến động cơ và chất lượng dạy - học của giáo viên và học sinh; tạo ra áp lực không đáng có cho giáo viên và học sinh; gây băn khoăn, bức xúc trong xã hội.

Trả lời trên báo Thanh Niên, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết: "Trong công văn gửi các Sở Giáo dục - Đào tạo chấn chỉnh việc ra đề, kiểm tra đánh giá, Bộ đã đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá thường xuyên và học kỳ theo đúng các quy định của Bộ, đảm bảo tính chính xác, khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh".

Cũng theo ông Chuẩn, Bộ yêu cầu các Sở Giáo dục rà soát, đánh giá toàn bộ hoạt động ra đề, tổ chức kiểm tra, đánh giá trong thời gian vừa qua và xử lý nghiêm khắc, dứt điểm những sai phạm (nếu có); nghiêm cấm việc ra đề và tổ chức kiểm tra, đánh giá sai quy định, vượt quá yêu cầu của chương trình…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa bài hát “Lạc trôi” vào đề Văn có mang tính giáo dục?